Trung Quốc gia tăng 'xuất khẩu chui' sang Mỹ thông qua Việt Nam, Đài Loan và Mexico

Các quốc gia lo ngại Mỹ có thể nêu với họ tình trạng 'xuất khẩu chui' của Trung Quốc.

Việc Mỹ áp đặt thuế quan cao đối với hàng hóa Trung Quốc kể từ khi chiến tranh thương mại nổ ra đang làm thay đổi dạng thức thương mại toàn cầu bởi các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang sử dụng nước thứ ba để tránh thuế của Mỹ.

Việt Nam cần tỉnh táo

Phân tích của hãng tin Nikkei Asian Review (Nhật Bản) hôm 1/6 cho thấy, mặc dù xuất khẩu máy móc, thiết bị điện và một số sản phẩm khác của Trung Quốc giảm mạnh, nhưng việc xuất khẩu các hàng hóa hóa đó từ Trung Quốc sang Mỹ qua Việt Nam, Đài Loan và Mexico lại gia tăng trong cùng kỳ. Khả năng "xuất khẩu chui", theo đó nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa bị làm giả, cũng đang gia tăng.

Cụ thể, trong quý I/2019, xuất khẩu 5 mặt hàng chính của Trung Quốc (Máy móc và phụ tùng máy móc; thiết bị điện và phụ tùng; đồ nội thất; đồ chơi; ô tô và phụ tùng ô tô) qua Việt Nam tăng 1,5 tỷ USD (12%), trong khi xuất khẩu 5 loại hàng hóa đó từ Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh lên 2,7 tỷ USD (58%).

Bộ Công thương phối hợp với các cơ quan chức năng, để phòng tránh gian lận về xuất xứ hàng hóa, gian lận thương mại đối với hoạt động xuất khẩu thép hiện nay.

Bộ Công thương phối hợp với các cơ quan chức năng, để phòng tránh gian lận về xuất xứ hàng hóa, gian lận thương mại đối với hoạt động xuất khẩu thép hiện nay.

Sau khi báo Nikkei Asian Review đề cập tới nghi vấn về tình trạng "xuất khẩu chui" này, sáng 4/6, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã tổ chức buổi họp nói rằng nước này không dán tem hàng Việt Nam lên hàng Trung Quốc để né thuế quan của Mỹ. Ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Kinh tế Thương mại, khẳng định Trung Quốc không có chiến lược, chiến thuật "giả" xuất xứ Việt Nam, Mexico nhằm đạt được ưu đãi thuế quan khi xuất vào Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn trước đây với Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, người từng có trên 25 năm làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhận định: "Điều nguy hiểm là hàng của Trung Quốc sẽ tuồn sang Việt Nam để lấy nhãn hiệu Việt Nam nhằm giảm thuế vì hiện tại Mỹ chưa áp thuế lên hàng Việt Nam. Nếu chiến tranh thương mại lan rộng, Mỹ sẽ quay sang đánh thuế một số hàng của Việt Nam, nhất là nếu có bằng chứng Việt Nam giúp Trung Quốc tiêu thụ hàng của Trung Quốc".

Đài Loan và Mexico

Xuất khẩu 5 mặt hàng chính từ Trung Quốc sang Đài Loan tăng 1,4 tỷ USD, tăng 23%, trong khi lượng xuất khẩu những mặt hàng đó từ Đài Loan sang Mỹ tăng 2,0 tỷ USD, tăng 31%. Xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Mỹ qua Mexico cũng gia tăng. Hàng hóa Mexico xuất khẩu sang Mỹ đã vượt xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, trở thành nước xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ trong tháng 3/2019.

Những động thái này diễn ra trong bối cảnh các công ty có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc đang ngừng hoặc giảm xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ, thay vào đó vận chuyển nguyên liệu và phụ tùng sang các quốc gia châu Á và Mexico để lắp ráp thành phẩm và sau đó xuất khẩu sang Mỹ. Có thể các công ty của Trung Quốc đã vận chuyển sản phẩm từ Trung Quốc sang các quốc gia châu Á khác và đóng gói lại để che dấu nguồn gốc xuất xứ. Chủ tịch Martin Wong của nhà cung cấp dịch vụ sản xuất thiết bị điện tử Đài Loan cho biết đã chuyển sản xuất thiết bị định tuyến và máy tính cá nhân từ Trung Quốc sang Đài Loan.

Theo hãng truyền thông, Brooks Sports - công ty sản xuất giày của Mỹ, lên kế hoạch dịch chuyển hầu hết cơ sở sản xuất ở Trung Quốc sang Việt Nam. Nhà sản xuất máy ảnh của Mỹ GoPro cũng có kế hoạch chuyển sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Mexico để xuất khẩu sang Mỹ.

Những thay đổi về cấu trúc thương mại liên quan đến Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác có thể thay đổi hơn nữa. Chính phủ Mỹ có kế hoạch tăng thuế 25% đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, trong đó có lĩnh vực công nghệ cao. Theo Koji Sako, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Viện Nghiên cứu Mizuho, nếu đợt tăng thuế thứ tư này được triển khai, "công cuộc chuyển dịch các sản phẩm như thiết bị bán dẫn sang các quốc gia châu Á sẽ bùng nổ toàn diện".

Tác động kinh tế của quá trình dịch chuyển sản xuất đối với các quốc gia sẽ khác nhau. Mizuho dự báo quá trình này sẽ có lợi cho các quốc gia châu Á, dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng khoảng 0,5% điểm.

Trong khi đó, Mỹ có thể tránh được hàng hóa tăng giá thông qua nhập khẩu hàng hóa thay thế, nhưng vẫn không giảm được thâm hụt thương mại. Thông báo mới đây của Tổng thống Trump về kế hoạch tăng thuế bổ sung đối với hàng hóa Mexico một phần là do lượng nhập khẩu từ Mexico tăng.

Trung Quốc có thể là quốc gia chịu thiệt hại duy nhất khi dòng sản xuất và việc làm thay đổi. Khi xuất khẩu giảm 3% trong tháng 4, Trung Quốc sẽ phải vật lộn để bù đắp bằng cách gia tăng xuất khẩu tới các quốc gia châu Á và các nước ở các khu vực khác.

Khoảng 60% sản phẩm nằm trong danh sách đen mà Mỹ liệt kê

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tái định hình luồng hàng hóa toàn cầu, với sự thay đổi đáng chú ý ở khu vực Đông Á. Kể từ khi Mỹ lần đầu tiên tăng thuế đối với hàng loạt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, 6 quốc gia Đông Nam Á và Đài Loan đã bắt đầu xuất khẩu gần 1.600 loại sản phẩm mới sang Mỹ mà trước đó họ chưa từng xuất sang Mỹ. Trong số các hàng hóa này, khoảng 1000 loại, chiếm trên 60%, là nằm trong danh sách đen mà Mỹ liệt kê.

Hãng tin Nikkei đã phát hiện ra chiều hướng thay đổi trong xuất khẩu của châu Á sang Mỹ qua phân tích số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, một cơ quan độc lập. Số liệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang điều chỉnh do tác động của chính sách thương mại bảo hộ của Tổng thống Trump.

Kể từ năm 2018, khi Tổng thống Trump lần đầu tiên áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, 7 nền kinh tế châu Á đã xuất khẩu sang Mỹ khoảng 11.000 loại hình sản phẩm trên cơ sở mã thuế 8 số theo quy định của Hệ thống Hài hòa Mô tả và Mã hóa hàng hóa, tiêu chuẩn quốc tế dùng để phân loại sản phẩm cho mục đích thương mại và hải quan. Trong số đó, gần 1.600 loại không có trong danh mục xuất khẩu sang Mỹ của 7 nền kinh tế trong 3 năm trước đó. Nói cách khác, đây là những mặt hàng xuất khẩu mới sang Mỹ.

Theo phân loại, sản phẩm "thượng nguồn" như máy móc, phụ tùng thiết bị điện và nguyên liệu chiếm phần lớn trong tổng số xuất khẩu, cho thấy các nhà sản xuất phụ tùng và nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy ở Mỹ đang dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác để tránh thuế của Mỹ do các sản phẩm thượng nguồn như phụ tùng thiết bị điện không giống với thành phẩm như điện thoại nên dễ che dấu nguồn gốc xuất xứ hơn. Do vậy, số liệu cho thấy "xuất khẩu chui" đang gia tăng./.

(Theo các báo nước ngoài)

Lưu Việt

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/trung-quoc-gia-tang-xuat-khau-chui-sang-my-thong-qua-viet-nam-dai-loan-va-mexico-20190610082625062.htm