Trung Quốc: Giá thịt heo tăng lên mức kỷ lục
Do tác động của dịch tả heo châu Phi (ASF) cộng với nhu cầu tăng cao, giá bán sỉ thịt heo ở Trung Quốc đã tăng 26% trong vòng một tháng qua, đạt mức cao kỷ lục, khiến nhà chức trách phải vào cuộc để bình ổn giá.
Hôm 26-8, giá bán trung bình thịt heo ở chợ sỉ nông sản Tân Phát Địa, Bắc Kinh, là 30,15 nhân dân tệ (97.800 đồng)/kg, tăng 7,7% so với tuần trước và tăng đến 43,6% so với cách đây một tháng.
Trong khi đó, giá bán thịt heo ở Kính Dương, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc là 31,4 nhân dân tệ (102.000 đồng)/kg, tăng 9% so với tuần trước.
Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, giá thịt heo bán sỉ trung bình trên toàn quốc vào cuối tuần trước đã đạt mức 30,79 nhân dân tệ/kg, tăng 26% so với một tháng trước đó. Chỉ trong vòng một năm kể từ khi ASF bùng phát ở Trung Quốc, giá thịt heo ở nước này đã tăng hơn 40% và vượt qua mức kỷ lục vào năm 2016.
Giá thịt heo tăng mạnh giúp một số nông dân đạt mức lãi lên đến 200 đô la Mỹ/con heo. Theo báo cáo tuần của chợ Tân Phát Địa, giá thịt heo tăng chủ yếu là do chi phí của nhà sản xuất tăng. Báo cáo lưu ý rằng các cơ sở giết mổ đã tăng phí giết mổ lên mức 27 nhân dân tệ/kg, đây là mức phí mục tiêu để chính phủ Trung Quốc tung thịt heo đông lạnh dự trữ ra thị trường.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng lý do chính khiến giá thịt heo tăng vẫn là nguồn cung bị thắt chặt do tác động của ASF.
“Đầu mùa thu thường là mùa cao điểm của tiêu thụ thịt heo và đây là nguyên nhân đẩy giá tăng”, Wang Zuli, nhà nghiên cứu ở Học viện Nghiên cứu Nông nghiệp Trung Quốc, nói.
Giá thịt heo tăng nhanh khiến chính phủ Trung Quốc phải vào cuộc để hỗ trợ người tiêu dùng và nông dân trong một nỗ lực bình ổn giá và gia tăng nguồn cung thịt heo đang thiếu hụt do ASF.
Khoảng 29 tỉnh ở Trung Quốc đã khởi động nhiều biện pháp bình ổn giá thịt heo và đã chi hơn 2 tỉ nhân dân tệ (281 triệu đô la) để trợ giá cho người tiêu dùng kể từ tháng 4-2019 khi giá thịt heo bắt đầu tăng. Nhưng các khoản trợ giá này không có sẵn ở tất cả các địa phương và một số nơi, mức trợ giá vẫn tương đối thấp.
Trước đà tăng mạnh của thịt heo trong những tuần qua, Quốc Vụ viện Trung Quốc đã kích hoạt cơ chế trợ giá liên quan đến thịt heo, cho phép các chính quyền địa phương tăng mức trợ giá theo mức tăng của lạm phát. Chính phủ Trung Quốc cũng cho biết sẽ nỗ lực gia tăng nguồn cung thịt heo bằng cách triển khai các biện pháp hiệu quả ngăn chặn ASF, gỡ bỏ các biện pháp hạn chế vận chuyển và quy mô của các trang trại nuôi heo ở các địa phương
Trung Quốc là nước tiêu thụ và sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới. Trong năm 2017, Trung Quốc tiêu thụ 54 triệu tấn, chiếm 50% tổng lượng thịt heo tiêu thụ trên toàn cầu. Trong sáu tháng đầu năm nay, sản lượng thịt heo ở Trung Quốc giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, về mức 24,7 triệu tấn, trong khi đó, nhập khẩu thịt heo tăng 26,3% lên mức 818.703 tấn.
Xu hướng này sẽ tiếp tục sau khi vào tháng trước, lượng đàn heo Trung Quốc giảm 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc. Giá thịt heo tăng là nguyên nhân chính đẩy lạm phát của nước này tăng lên mức 2,8% trong tháng 7, mức cao nhất trong 17 tháng qua.
Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế ở công ty tư vấn Capital Economics, cảnh báo lạm phát tăng cao sẽ là cản lực lớn cho nền kinh tế Trung Quốc trong nửa cuối năm 2019.
“Khi nguồn cung thịt heo tiếp tục giảm mạnh, lạm phát sẽ gia tăng trong những tháng tới”, ông nói.
Bắc Kinh xem các nỗ lực bình ổn giá thịt heo là giải pháp quan trọng để cắt giảm chi phí sinh hoạt của người dân và ngăn chặn sự bất mãn xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ đang leo thang.
Hiện nay, ngoài Trung Quốc, ASF còn được phát hiện ở Mông Cổ, Triều Tiên, Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar. Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc cho biết gần 5 triệu con heo ở châu Á bị chết hoặc bị tiêu hủy do ASF trong 12 tháng qua.
Hôm 25-8, công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu Trung Quốc, New Hope Liuhe, cho biết vừa hoàn tất xây dựng trang trại nuôi heo đầu tiên ở nước ngoài tại tỉnh Bình Phước của Việt Nam với sản lượng 300.000 con heo mỗi năm. Hiện công ty đang có 8 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam với sản lượng 700.000 tấn vào năm ngoái.
Theo Reuters, Global Times
Khánh Lan