Trung Quốc 'giật dây' hội nghị Trump - Kim Jong Un?

Một nhà ngoại giao Trung Quốc giấu tên từng khẳng định: 'Ông Tập Cận Bình mới chính là 'thủ lĩnh' ở hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, dù ông không đích thân xuất hiện'.

Nhận định trên đối với nhiều người có thể là một kết luận “khó nuốt trôi”, khi phải thừa nhận Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là người đứng sau và “giật dây” cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Từ một địa điểm bí ẩn, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bất ngờ đến thăm Trung Quốc để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình hai lần. Ảnh: Reuters.

Từ một địa điểm bí ẩn, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bất ngờ đến thăm Trung Quốc để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình hai lần. Ảnh: Reuters.

Bước chuyển biến bất ngờ

Vào ngày 17/5, chính ông Trump dường như cũng thừa nhận giả thiết rằng có bàn tay Trung Quốc đứng sau sự thay đổi thái độ đột ngột của Triều Tiên dẫn đến cuộc gặp lịch sử ở Singapore ngày 12/6 tới đây.

“Đã có sự khác biệt rất lớn kể từ sau cuộc gặp lần hai giữa ông Tập và Kim Jong Un. Nếu các bạn còn nhớ, thì chỉ vài tuần trước đó, một cách rất đột ngột, Kim Jong Un bỗng từ nơi không ai biết đã đến Trung Quốc chào hỏi ông Tập Cận Bình, đến hai lần”, Tổng thống Trump nói, ý muốn nhắc đến sự kiện ở Đại Liên (Trung Quốc) ngày 7 và 8/5.

“Tôi có cảm giác rằng, có thể dựa vào rất nhiều lý do mà bao gồm cả thương mại, ông Tập đang gây ảnh hưởng đến Kim Jong Un”, ông Trump nói.

Chỉ vài ngày sau khi thời gian và địa điểm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều được công bố, hãng tin KCNA của Triều Tiên đăng hàng loạt thông báo giận dữ lên án cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, kèm những lời lẽ khắc nghiệt dành cho Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton.

Một thông báo của KCNA tuyên bố Triều Tiên là “nhà nước sở hữu vũ khí hạt nhân”, còn một thông báo khác lại cảnh cáo rằng: “Nếu Mỹ cố gắng dồn chúng tôi vào chân tường và buộc chúng tôi đơn phương từ bỏ hạt nhân, thì chúng tôi chẳng thèm quan tâm đến những cuộc đối thoại như vậy và sẽ xem xét lại việc về hội nghị ở Singapore”.

Triều Tiên giận dữ đe dọa bỏ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vì Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung. Ảnh: Reuters.

Triều Tiên giận dữ đe dọa bỏ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vì Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung. Ảnh: Reuters.

Trong diễn biến khác, một quan chức ngoại giao Trung Quốc giấu tên nói việc Thủ tướng Lý Khắc Cường công du Nhật gần đây cũng là một phần trong kịch bản đối ngoại của ông Tập Cận Bình, nhằm chứng tỏ với cả thế giới rằng quan hệ Trung - Nhật đang ấm lại.

Tại Nhật Bản, ông Lý chân thành cảm ơn những vị khách chủ nhà và còn tỏ ra cảm kích trước truyền thông Nhật Bản. Ông cũng khéo léo né tránh những vấn đề gây tranh cãi giữa hai nước, liên quan đến hậu quả lịch sử và căng thẳng quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Lôi kéo để gia tăng ảnh hưởng

“Đã 26 năm kể từ lần cuối tôi đến Nhật Bản”, ông Lý nói, nhắc đến chuyến thăm năm 1992. Giai đoạn đó, Trung Quốc đang bị phương Tây cô lập và áp đặt cấm vận khiến nền kinh tế nước này lao dốc. Để chấm dứt tình trạng này, Trung Quốc tỏ ra xích lại gần với thành viên châu Á duy nhất trong nhóm nước phát triển G7 chính là Nhật Bản. Cho nên Bắc Kinh khi đó nảy ra một kế hoạch, mà một phần trong đó là mời Nhật hoàng đến thăm Trung Quốc, qua đó giúp nước này thoát khỏi thế bị cô lập và cấm vận.

Kịch bản tương tự đang được lặp lại, nhưng lần này Trung Quốc tận dụng mối quan hệ với Nhật Bản nhằm đạt được vị thế ảnh hưởng lớn hơn trên trường quốc tế. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng ở Nhật Bản cùng thời điểm ông Lý Khắc Cường đến đây, nhằm tham gia hội nghị cấp cao ba bên. Tuy nhiên, thủ tướng Trung Quốc đến thăm với tư cách “khách mời chính thức” nên vị thế cao hơn Tổng thống Moon.

Chuyến thăm của ông Lý cũng kéo dài hơn một ngày so với kế hoạch. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng mời người đồng cấp đến thăm đảo Hokkaido và tham gia các hoạt động ở đây. Đây được xem là một động thái hiếm hoi đối với một thủ tướng Nhật khi đi cùng một lãnh đạo nước ngoài trong những hoạt động như vậy. Cuối cùng, ông Abe còn ra tiễn thủ tướng Trung Quốc tại sân bay New Chitose.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, ông Tập đã hai lần tiếp đón Kim Jong Un. Những chuyến thăm này củng cố mối quan hệ giữa nhà lãnh đạo hai nước. Kim Jong Un tỏ ra chủ động hơn trong việc đi thăm Trung Quốc vì cho rằng có thể tạo ra lợi thế đòn bẩy khi đàm phán đối đầu với ông Trump sau này.

Trong khi đó, ông Tập Cận Bình được cho là cố gắng muốn ngăn chặn khả năng Triều Tiên quay lưng lại với Trung Quốc và xích gần về phía Mỹ hơn, thậm chí có thể cho phép công ty Mỹ đầu tư vào Triều Tiên. Như vậy, Nhật Bản cũng sẽ xích lại gần hơn về mặt ngoại giao với nước này.

Cách đây hai tháng, Thủ tướng Lý Khắc Cường từng bày tỏ sự báo động về khả năng Trung Quốc bị bỏ lại đằng sau trong những diễn biến khu vực. Đó là vào ngày 20/3, khi ông Lý tổ chức cuộc họp báo để khẳng định: “Bán đảo Triều Tiên chính là hàng xóm gần nhất của Trung Quốc. Lợi ích của chính Trung Quốc cũng đang bị ảnh hưởng”.

Cả ông Trump lẫn Kim Jong Un có thể khó chấp nhận chia sẻ sự chú ý của thế giới với ông Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.

Cả ông Trump lẫn Kim Jong Un có thể khó chấp nhận chia sẻ sự chú ý của thế giới với ông Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.

Nỗi lo ngại bị gạt ra bên lề cũng là lời giải thích hợp lý cho việc ông Tập Cận Bình cắn răng bỏ qua việc bị Triều Tiên hai lần “bêu xấu” vào năm ngoái. Đó là vào ngày 14/5 và 3/9/2017, khi Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo và "bom hydro”. Mỗi dịp này đều cũng là lúc ông Tập chủ trì một sự kiện quốc tế lớn, nên hành động của Bình Nhưỡng có thể là cố ý làm ông Tập bẽ mặt.

Nhưng Trung Quốc vẫn có thể đã bị gạt qua bên lề. Tuyên bố chung ngày 27/4 sau cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Triều đã nhắc đến một khuôn khổ 3 bên bao gồm Mỹ và hai miền bán đảo Triều Tiên. Mãi sau đó, bên thứ 4 mới được bổ sung để bao gồm cả Trung Quốc.

Một cách hiệu quả nhất để Bắc Kinh bảo đảm tiếng nói của nước này được lắng nghe chính là Chủ tịch Tập cần đích thân đến Singapore tháng tới và tham gia cuộc gặp Trump - Kim Jong Un. Một số lời đồn đoán cho rằng việc này có thể xảy ra.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cuộc gặp 3 bên Trump - Tập - Kim Jong Un là rất khó. Và ông Trump lẫn nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ không muốn chia sẻ “hào quang” cũng như sự chú ý của thế giới với ông Tập. Nên một động thái thực tế hơn chính là ông Tập sẽ đến thăm Bình Nhưỡng ngay sau sự kiện lịch sử 12/6 này.

Lãnh đạo Triều Tiên - Hàn Quốc tay trong tay ra tuyên bố chung Tổng thống Moon Jae In và nhà lãnh đạo Kim Jong Un trao cho nhau cái ôm đoàn kết trong buổi chiều lịch sử khi tuyên bố sẽ chấm dứt chiến tranh, tái lập hòa bình trong năm 2018.

Minh Anh (Theo Nikkei)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trung-quoc-giat-day-hoi-nghi-trump-kim-jong-un-post844492.html