Trung Quốc gọi người biểu tình Hong Kong là 'xấu xa', để ngỏ khả năng can thiệp quân sự

Chính phủ Trung Quốc đã chính thức lên tiếng cáo buộc những người biểu tình ở Hong Kong có các 'hành động xấu xa và phạm tội', gây tổn hại nghiêm trọng tới 'danh tiếng' và 'sự ổn định' của thành phố bán tự trị này.

Làn sóng biểu tình đã kéo dài suốt 8 tuần liên tiếp ở Hong Kong (Ảnh: NBC)

Làn sóng biểu tình đã kéo dài suốt 8 tuần liên tiếp ở Hong Kong (Ảnh: NBC)

Trong một cuộc họp báo tổ chức tại Bắc Kinh, phát ngôn viên của Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau, Yang Guang đã gọi tình trạng ở Hong Kong là "tồi tệ". Ông Yang nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ không để yên cho bất kỳ thách thức nào gây phương hại tới quyền lực của Chính phủ Trung Quốc hay mối đe dọa an ninh quốc gia.

"Không có nền văn minh hay xã hội nào thượng tôn pháp luật lại cho phép những hành động bạo lực xảy ra. Chúng tôi kêu gọi người dân Hong Kong nhận thức rõ về tính chất nghiêm trọng của tình hình hiện tại" - ông Yang nói, kêu gọi người dân Hong Kong lên án tình trạng bạo lực.

"Hong Kong là Hong Kong của Trung Quốc. Các vấn đề của Hong Kong là vấn đề nội bộ của Trung Quốc" - ông Yang nói thêm.

Hong Kong đã được quản lý theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ" kể từ khi được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997. Đây là lần đầu tiên mà văn phòng chính sách về Hong Kong của Trung Quốc ra phản ứng chính thức về làn sóng biểu tình. Các cuộc biểu tình đã bùng phát từ tháng 6 nhằm phản đối một dự luật dẫn độ, cho phép dẫn độ phạm nhân từ Hong Kong về Trung Quốc đại lục.

Ông Yang cũng tận dụng bài phát biểu để tái khẳng định sự ủng hộ kiên định của Trung Quốc đối với lãnh đạo Hong Kong, Trưởng đặc khu Carrie Lam, và lực lượng cảnh sát thành phố - vốn đã trở thành mục tiêu chỉ trích của những người biểu tình vì cách hành xử mạnh tay.

Jimmy Shum - thuộc tổ chức Mặt trận Nhân quyền dân sự, phụ trách tổ chức các cuộc tuần hành trong các tuần qua - đã gọi cuộc họp báo trên là "đáng thất vọng": "Với tư cách là một cơ quan có đủ quyền lực để xử lý bà Carrie Lam, họ đã không kêu gọi bà ta từ chức. Bởi vậy, cuộc họp báo đã khiến người dân Hong Kong lãng phí 40 phút".

Tính đến thời điểm này, làn sóng tuần hành quy mô lớn đã diễn ra ở Hong Kong suốt 8 tuần liên tiếp. Những người biểu tình đưa ra nhiều yêu sách đối với hàng loạt vấn đề, như tăng cường dân chủ, mở cuộc điều tra việc lực lượng cảnh sát đàn áp mạnh tay người biểu tình và yêu cầu bà Carrie Lam từ chức.

Làn sóng biểu tình này ngày càng gia tăng, xét cả về giọng điệu mạnh mẽ và tình trạng bạo lực. Vào ngày 1/7, người biểu tình đã tràn vào văn phòng cơ quan lập pháp Hong Kong. Ngày 21/7, một nhóm người có vũ trang xuất hiện ở trạm tàu điện Yuen Long, phía Bắc thành phố, và quay sang tấn công những người biểu tình. Nhóm người này mang đồ trắng, trong khi phần lớn người biểu tình đều mang đồ đen - màu biểu tượng cho phong trào biểu tình.

Thứ Bảy tuần trước, những người biểu tình đã tổ chức một cuộc tuần hành ở Yuen Long, gần biên giới với Trung Quốc, và có cuộc đụng độ với cảnh sát chống bạo động. Đêm ngày Chủ nhật, tình hình tạm lắng sau khi cảnh sát sử dụng hơi cay và đạn cao su để giải tán người biểu tình.

Chính quyền Bắc Kinh từng lên án làn sóng biểu tình trên các hãng truyền thông, trong đó đặc biệt lên án việc những người biểu tình nhằm vào trụ sở chính phủ Trung Quốc ở thành phố vào ngày 21/7. Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã gọi những người biểu tình Hong Kong là "cực đoan" và nói rằng hành động của họ "công khai thách thức quyền lực của chính phủ trung ương".

Tuần trước, tại một cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, phát ngôn viên Ngô Khiêm (Wu Qian) nói rằng quân đội đang theo dõi sát sao diễn biến ở Hong Kong. Khi nhận được câu hỏi rằng liệu quân đội Trung Quốc có can thiệp không, ông Ngô Khiêm nhắc tới một bộ luật cho phép chính quyền Hong Kong đề nghị hỗ trợ để vãn hồi trật tự thành phố.

Theo CNN

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/trung-quoc-goi-nguoi-bieu-tinh-hong-kong-la-xau-xa-de-ngo-kha-nang-can-thiep-quan-su-362555.html