Trung Quốc hạ giá nhân dân tệ sâu hơn
Sáng nay, 12-8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ấn định tỷ giá tham chiếu của nhân dân tệ (NDT) ở mức 7,0211 NDT ăn 1 đô la, đánh dấu ngày thứ tám liên tiếp PBoC giảm tỷ giá tham chiếu của NDT.
Động thái hạ giá NDT theo kiểu “nhỏ giọt” của PBoC củng cố thêm các nhận định cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực “hạ cánh mềm” NDT để giúp chống đỡ tác động từ các đòn thuế của Mỹ đồng thời tránh gây hoảng loạn cho thị trường.
Đây là lần thứ ba liên tiếp, PBoc thiết lập tỷ giá tham chiếu của NDT so với đô la Mỹ mức yếu hơn ngưỡng 7:1. Tuy nhiên, giống như tuần trước, dù giảm dần giá NDT nhưng PBoC vẫn cố ý ấn định tỷ giá tham chiếu của NDT ở mức mạnh hơn so với dự báo của thị trường.
Mức tỷ giá tham chiếu của NDT hôm 12-8 vẫn cao hơn mức 7,331 ăn 1 đô la theo dự báo các nhà phân tích. Giới đầu tư đang theo dõi chặt chẽ tỷ giá NDT/đô la Mỹ sau Washington và Bắc Kinh leo thang căng thẳng thương mại.
Hồi đầu tuần trước, PBoC cho phép giá NDT trên thị trường vượt ngưỡng 7 NDT ăn 1 đô la lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, dẫn đến việc Bộ Tài chính Mỹ dán nhãn thao túng tiền tệ đối với Trung Quốc. NDT yếu hơn sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn và tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
PBoC cho phép NDT ở thị trường trong nước biến động trong biên độ tối đa 2% từ điểm tham chiếu mỗi ngày, trong khi đó, tỷ giá giao dịch NDT ở thị trường nước ngoài ít bị kiểm soát biên độ hơn.
Vào lúc 9 giờ 30 sáng nay, theo giờ địa phương, giá NDT ở Trung Quốc được giao dịch ở mức 7,0615 ăn 1 đô la Mỹ, trong khi đó giá NDT ở thị trường nước ngoài giao dịch ở mức 7,0935 ăn 1 đô la.
Các động thái hạ tỷ giá tham chiếu của NDT hồi tuần trước “làm dấy lên các lo ngại về chính sách cạnh tranh bằng cách giảm giá nội tệ của Trung Quốc, gây áp lực lên các tiền tệ khác ở châu Á”, các nhà phân tích của công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group viết trong một báo cáo gửi cho khách hàng.
Tuy nhiên, họ vẫn cho rằng Bắc Kinh sẽ không cho phép NDT giảm giá sâu vì lo ngại các dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc và sẽ tạo ra xu hướng đặt cược một chiều trên thị trường về khả năng NDT giảm giá mạnh hơn như đã từng xảy ra vào năm 2015 và 2016.
Thay vào đó, các nhà phân tích nhận định PBoC sẽ sử dụng các thông điệp và các hành động can thiệp để duy trì tốc độ giảm giá từ từ của NDT so với đô la.
Về phần mình, PBOC bác bỏ các quan điểm cho rằng PBoC giảm giá NDT để chống đỡ tác động từ các đòn thuế của Mỹ áp vào hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.
Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Đức) xác định Trung Quốc đã tiến hành 75 điều chỉnh về kiểm soát vốn trong giai đoạn từ tháng 6-2016 đến tháng 1-2018.
“Việc nhà chức trách Trung Quốc sẵn sàng cho phép NDT suy yếu cho thấy họ đang cảm thấy yên tâm về khả năng của các biện pháp hiện hành nhằm ngăn ngừa các dòng vốn lớn tháo chạy”, Khoon Goh, Giám đốc nghiên cứu châu Á ở chi nhánh Ngân hàng ANZ ở Singapore, viết trong thư gửi cho khách hàng.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC vào cuối tuần trước, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cảnh báo Mỹ sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Trung Quốc làm suy yếu đồng nội tệ để vô hiệu hóa tác động của các đòn thuế. Ông cũng cho biết Mỹ sẽ tiếp tục đàm phán thương mại với Trung Quốc dù không kỳ vọng có thể ký kết thỏa thuận thương mại vào thời điểm này.
Trong một diễn biến khác, các nhà phân tích của Ngân hàng Goldman Sachs nhận định thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung không còn khả năng đạt được trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Trong báo cáo gửi cho khách hàng hôm 11-8, các nhà phân tích Goldman Sachs cho rằng chiến tranh thương mại với Trung Quốc đang tác động đến nền kinh tế mạnh hơn dự kiến và nguy cơ suy thoái của Mỹ đang tăng lên.
Các nhà phân tích nhận định chiến tranh thương mại sẽ khiến GDP của Mỹ mất mát 0,6 điểm phần trăm, cao hơn mức 0,2% theo dự báo trước đây của Goldman Sachs. Họ cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thực hiện lời đe dọa áp thuế 10% lên thêm 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc vào ngày 1-9 tới.
Báo cáo thường niên về nền kinh tế Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố 9-8 nhận định, nếu ông Trump tăng mức áp thuế từ 10% lên 25% lên 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, GDP của Trung Quốc sẽ bị mất mát 0,8 điểm phần trăm, kéo theo hiệu ứng tiêu cực lan tỏa khắp toàn cầu.
Theo CNBC, WSJ
Chánh Tài
Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292681/trung-quoc-ha-gia-nhan-dan-te-sau-hon.html