Trung Quốc hạ lãi vay ngắn hạn do nền kinh tế chững lại
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã hạ lãi suất cho vay ngắn hạn lần đầu tiên sau 10 tháng, trong nỗ lực khôi phục niềm tin thị trường và thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm 13/6 đã cắt giảm 10 điểm cơ bản lãi suất cho các giao dịch mua lại đảo ngược (reverse repo rate) kỳ hạn 7 ngày xuống còn 1,90%, từ mức 2,00%, khi cơ quan này bơm 2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 279,97 triệu USD) thông qua công cụ trái phiếu ngắn hạn này, theo Reuters.
Động thái trên báo hiệu khả năng nới lỏng lãi suất dài hạn hơn trong tuần tới và hơn thế nữa khi nhu cầu và tâm lý nhà đầu tư đều đi xuống. Động thái này cũng gia tăng khả năng Bắc Kinh sẽ dùng đến chính sách kích thích khẩn cấp để duy trì tăng trưởng.
"Việc cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không thực sự bất ngờ đối với thị trường", ông Ken Cheung, giám đốc chiến lược ngoại hối châu Á tại ngân hàng Mizuho bình luận.
"Các ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất tiền gửi và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Yi Gang cũng đề cập đến việc tăng cường điều chỉnh ngược chu kỳ gần đây", ông Cheung lý giải.
Sau quyết định hạ lãi suất của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, đồng nhân dân tệ rớt giá xuống mức thấp nhất 6 tháng qua khi giảm về mức 7,1680 CNY đổi 1 USD. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng rưỡi.
Ông Cheung cho rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể muốn giảm thiểu tác động của bất kỳ động thái nới lỏng chính sách nào lên đồng nhân dân tệ, ngay trước cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 14/6 - sự kiện được thị trường tài chính toàn cầu theo dõi sát sao.
Trung Quốc đến nay vẫn là "trường hợp ngoại lệ" trong số các ngân hàng trung ương trên thế giới bởi nước này thực hiện chính sách nới lỏng nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong khi các nền kinh tế lớn khác mạnh tay tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Việc cắt giảm thêm lãi suất ở Trung Quốc sẽ chỉ làm gia tăng khoảng cách lợi suất với Mỹ, ngay cả khi Fed dừng tăng lãi suất sau cuộc họp tuần này, khiến đồng nhân dân tệ giảm giá và đẩy nhanh dòng vốn rút khỏi thị trường.
Trong tuần này, Trung Quốc sẽ công bố số liệu tín dụng tháng 5 và các chỉ số kinh tế khác, bao gồm doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp.
Giới phân tích cho rằng, động thái cắt giảm lãi suất hôm 13/6 cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang ngày càng lo lắng về sức phục hồi của kinh tế Trung Quốc.
"Điều này nhắc nhở thị trường về những thách thức mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt trong giai đoạn phục hồi", ông Marco Sun, trưởng bộ phận phân tích thị trường tài chính tại MUFG Bank (Trung Quốc), nhận định.
"Tuy nhiên, thị trường đang kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất chính sách hơn nữa. Sắp tới, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể thực hiện các điều chỉnh nhẹ đối với lãi suất chính sách để kích thích tăng trưởng tín dụng và tránh các vấn đề lạm phát trong các quý tới", ông Sun cho biết.
Lần điều chỉnh lãi suất tiếp theo có thể diễn ra ngay sau ngày 15/6 khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bơm hơn 200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 27,93 tỷ USD) cho các khoản vay trung hạn (MLF).
Bà Frances Cheung, chiến lược gia lãi suất tại ngân hàng OCBC, cho biết: "Việc cắt giảm 10 điểm cơ bản trong lãi suất mua vào đảo ngược trên thị trường mở (OMO) có thể được coi là tiền đề cho việc cắt giảm lãi suất MLF vào thứ 5 (ngày 15/6 - BTV) tuần này".
Thị trường kỳ vọng lãi suất cho vay cơ bản (LPR) - lãi suất tham chiếu dùng để định giá các khoản vay tiêu dùng và thế chấp - có thể giảm cùng mức biên độ vào ngày ấn định lãi suất hàng tháng vào thứ Ba (ngày 20/6) tới.
Ông Julian Evans-Pritchard, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại công ty nghiên cứu kinh tế độc lập Capital Economics, dự đoán: "Có thể sẽ có những đợt giảm tương tự đối với lãi suất MLF và LPR vào thứ Năm (ngày 15/6 - BTV) và thứ Ba tới (ngày 20/6 - BTV), do cả ba loại lãi suất chính sách thường di chuyển song song".