Trung Quốc hạn chế video ăn uống lãng phí trên Internet
Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn dẫn đến thiếu hụt lương thực, chính phủ Trung Quốc tái khởi động chiến dịch tiết kiệm thực phẩm, đẩy các mukbanger vào tình thế khó khăn.
Chính phủ Trung Quốc vừa công bố tái khởi động chiến dịch tiết kiệm thực phẩm, không để thức ăn thừa có tên "Clean Plate 2.0". Chương trình bắt đầu trong giai đoạn nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và các thiên tai tự nhiên liên tục xảy ra.
Chiến dịch "Clean Plate" xuất hiện lần đầu năm 2013 với mục đích giảm chi tiêu xa hoa cho các buổi tiệc không cần thiết, được đánh giá là sáng kiến có tác động tích cực cho xã hội và môi trường.
Tuy nhiên, các quy định nghiêm ngặt mới trong năm 2020 về tiết kiệm thực phẩm, được dự đoán sẽ đe dọa hàng loạt kênh nội dung thực hiện theo chủ đề mukbang.
Mukbang gặp khó vì chiến dịch tiết kiệm lương thực
Mukbang là cụm từ dùng để chỉ những video có nội dung ăn uống, livestream trực tiếp cho nhiều người xem. Điểm chung của loại nội dung này là người livestream thường ăn rất nhiều món ăn cùng lúc với khẩu phần "khổng lồ", có thể gấp 4-5 lần người bình thường.
Bắt nguồn từ Hàn Quốc, nội dung mukbang dần lan rộng ra toàn thế giới. Tại thị trường Trung Quốc, các mukbanger cũng thực hiện nội dung tương tự trên các ứng dụng mạng xã hội như Kuaishou và Douyin - ứng dụng "sinh đôi" với TikTok, cùng công ty mẹ là ByteDance.
Theo Global Times, các nhà chức trách Trung Quốc đã bổ sung thêm rất nhiều quy định mới để giảm lãng phí thực phẩm và kêu gọi người dân "tăng cường nhận thức về khủng hoảng an ninh lương thực".
Tuy không trực tiếp đề cập mukbang, một số đơn vị truyền thông địa phương Trung Quốc đã sử dụng hình ảnh "những livestreamer có dạ dày không đáy" để chỉ trích về sự lãng phí thực phẩm. Theo CCTV, nội dung mukbang cổ xúy thói quen ăn uống không lành mạnh, là hình ảnh xấu về việc lãng phí thực phẩm.
Giám sát khi tìm kiếm chủ đề mukbang
Ngày 20/8, Hiệp hội Biễu diễn nghệ thuật Trung Quốc, cơ quan chính phủ có chức năng giám sát các hoạt động trình diễn trực tuyến, cho biết họ đã ban hành lệnh cấm "hành vi ăn giả, giả nôn thức ăn, các chương trình khuyến mãi quá nhiều thực phẩm và các hành vi liên quan đến lãng phí khác".
Sau khi chính phủ chính thức khởi động chiến dịch "Clean Plate 2.0", các nền tảng mạng xã hội nội địa tại Trung Quốc cũng đưa ra biện pháp để hạn chế người dùng sản xuất nội dung lãng phí quá nhiều thức ăn.
Ví dụ như Weibo, mạng xã hội cho biết sẽ thẳng tay xóa nội dung hoặc cấm sử dụng với những chủ tài khoản video livestream có hành vi ăn uống vượt mức bình thường.
Theo Business Of Apps, nền tảng chia sẻ video Douyin đã có hơn 400 triệu người dùng mỗi tháng ở Trung Quốc tại thời điểm tháng 1/2020. Từ khóa về mukbang như "livestream và ăn" trên nền tảng này đạt được hơn 28,4 tỷ lượt xem.
Khi chiến dịch "Clean Plate 2.0" được khởi động, bất kỳ người dùng nào tìm kiếm cụm từ "dạ dày không đáy" hoặc từ khóa ăn uống liên quan, nền tảng ngay lập tức xuất hiện thông báo "ăn có trách nhiệm, tránh lãng phí thực phẩm".
Theo BBC, việc trực tiếp "đọc" từ khóa tìm kiếm của người dùng có thể bị đánh giá là "hành vi giám sát, ảnh hưởng quyền riêng tư". Tuy nhiên, với việc trung bình mỗi người dân Trung Quốc lãng phí khoảng 11,7% lượng thức ăn mỗi bữa, các quy định mới về chống lãng phí thực phẩm cần được nghiêm ngặt thực hiện hơn.