Trung Quốc họp trung ương giữa lúc Covid-19 tái bùng phát
Trung Quốc bước vào hội nghị trung ương 5 với trọng tâm là kế hoạch 5 năm 2021-2025, giữa lúc nước này phải đối phó với ổ dịch Covid-19 lớn nhất trong vòng 4 tháng qua.
Hội nghị Toàn thể lần thứ 5 Ủy ban Trung ương khóa 19 đảng Cộng sản Trung Quốc đã khai mạc sáng 26/10 tại Bắc Kinh, dự kiến kéo dài đến ngày 29/10, theo CNBC.
Tại hội nghị lần này, Chủ tịch Tập Cận Bình và các ủy viên trung ương sẽ thảo luận về kế hoạch phát triển đất nước trong 5 năm tiếp theo, 2021-2025, tức kế hoạch 5 năm lần thứ 14 kể từ năm 1949.
Hội nghị diễn ra vào thời điểm trọng yếu đối với Trung Quốc, khi thế giới đang chịu những tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 khởi phát từ nước này, cũng như khi Bắc Kinh đang mắc kẹt trong căng thẳng với Mỹ trên hầu hết mặt trận.
Hội nghị cũng diễn ra trước những cột mốc quan trọng: Năm 2021 là 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc và các nhà lãnh đạo đã đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng "xã hội tiểu khang" (tương đối khá giả - PV). Sau đó, năm 2022 sẽ là năm tổ chức đại hội bầu ra ủy ban trung ương khóa mới, qua đó có thể thấy kế hoạch của ông Tập cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo.
Đối với bản thân ông Tập, 5 năm tới và sau đó được xây dựng trên những gì mà ông thu được trong 8 năm qua.
"Tôi nghĩ sẽ có một số điều chỉnh quan trọng vì kế hoạch 5 năm lần thứ 14 này là kế hoạch lâu dài, không phải kế hoạch khẩn cấp", Dan Wang, kinh tế gia trưởng tại Hang Seng China, nói với CNBC.
"Kế hoạch sẽ đẩy mạnh một số vấn đề dài hạn. Giờ đây giữa cuộc cạnh tranh với Mỹ, sẽ có rất nhiều áp lực trong việc củng cố các lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia và sinh kế cơ bản của (người dân)".
Trong vài tháng qua, các quan chức Trung Quốc đã đề cập đến một cụm từ mới có thể là kim chỉ nam cho kế hoạch 5 năm tiếp theo: "tuần hoàn kép". Nội hàm của khái niệm này bao gồm hai phần: "tuần hoàn trong" tập trung vào thị thường nội địa đang tăng trưởng, và "tuần hoàn ngoài" là giao thương với nước ngoài.
Các chuyên gia dự đoán rằng trong 5 năm tới và sau đó, Trung Quốc sẽ tập trung chủ yếu cho việc thỏa mãn nhu cầu trong nước, nhấn mạnh chất lượng tăng trưởng thay vì tốc độ tăng trưởng.
Trong một phát biểu được xem là chỉ dấu về đường lối phát triển kinh tế của Trung Quốc trong 5 năm tới, Phó chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn hôm 24/10 nói đất nước cần biến tinh thần đổi mới sáng tạo và tự lực cánh sinh trở thành "động lực kinh tế chính", thay vì phụ thuộc vào "thị trường và tài nguyên quốc tế".
Phát biểu của ông Vương, người được xem là "cánh tay phải" của Chủ tịch Tập, gợi ý nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể sẽ không tiếp tục theo đuổi mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và đầu tư đã giúp họ thành công, theo South China Morning Post.
Nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại đáng kể do tác động từ cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng như đại dịch virus corona bùng phát đầu tiên ở nước này hồi cuối năm ngoái. GDP của Trung Quốc đã giảm 6,8% trong quý I/2020, lần sụt giảm đầu tiên kể từ năm 1976.
Nền kinh tế tại đất nước 1,4 tỷ dân đã phục hồi trong quý II và quý III, với mức tăng lần lượt là 3,2% và 4,9%.
Tuy nhiên, bóng tối đại dịch vẫn chưa biến mất hoàn toàn khỏi nước này khi giới chức vừa phát hiện một ổ dịch mới ở thành phố Kashgar thuộc khu tự trị Tân Cương. Toàn bộ 137 ca nhiễm trong nước hôm 25/10 mới đều liên quan đến một thiếu nữ 17 tuổi, giới chức y tế địa phương cho biết.
Đây là đợt bùng phát dịch có quy mô lớn nhất trong vòng 4 tháng tại Trung Quốc. Lần gần nhất nước này ghi nhận cụm lây nhiễm lớn là vào tháng 6, khi hàng loạt ca nhiễm có liên hệ với chợ đầu mối Tân Phát Địa tại Bắc Kinh.