Trung Quốc hứa hẹn tăng cường đầu tư vào chip và các ngành công nghệ cao
Chính quyền địa phương Trung Quốc đang tăng gấp đôi các ưu đãi tiền mặt và hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp sản xuất chip nội địa và các công ty liên quan đến công nghệ cao, sau một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu do Hoa Kỳ áp đặt...

Một nhân viên làm việc tại nhà máy Công ty Bán dẫn Jiejie ở Nam Thông, thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc vào ngày 17/03/2021. (Ảnh: AFP)
Sau khi bất ngờ gỡ bỏ các hạn chế Covid vào cuối năm ngoái, Trung Quốc bắt đầu hành trình hướng tới sự phục hồi kinh tế, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất và chip. Mặc dù dữ liệu sơ bộ cho thấy tăng trưởng tổng thể vẫn chưa khả quan trở lại trên tất cả các mặt trận, chính quyền nhiều thành phố trên khắp đất nước đã tăng cường nỗ lực hỗ trợ công ty địa phương thúc đẩy thị trường, theo Tech Wire Asia.
Trong lĩnh vực công nghệ, hàng chục sáng kiến đã được chính quyền thành phố Bắc Kinh, Thâm Quyến và Hàng Châu công bố, gần đây nhất là tại Quảng Châu. Một lần nữa, mục đích chung là giúp thúc đẩy sự phục hồi kinh tế Trung Quốc khi quốc gia này đang vật lộn trở lại đường đua sau 3 năm kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt.
Trung Quốc cũng đang cố gắng phá vỡ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới do Chính quyền Biden áp đặt từ tháng 10 năm ngoái. Một số chuyên gia cho rằng việc tăng cường quy định liên quan đến công nghệ của Hoa Kỳ là phản tác dụng, sẽ khuyến khích Trung Quốc nâng cao tính độc lập trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, tiến bộ công nghệ luôn là khát vọng lâu đời của chính quyền trung ương quốc gia tỷ dân. Khi đất nước phải đối mặt với sự cạnh tranh kinh tế và công nghệ ngày càng tăng từ Mỹ, cách tiếp cận tự lực hiện được nhìn nhận với một mức độ cấp bách hơn.
TRUNG QUỐC ĐANG THÚC ĐẨY NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHIP VÀ CÔNG NGHỆ CAO NHƯ THẾ NÀO?
Thông qua tất cả các đạo luật gần đây của Mỹ nhằm giải quyết nỗi lo lắng về chuỗi cung ứng, có thể thấy động lực nổi bật nhất của các biện pháp đến từ Washington là Trung Quốc - hay chính xác hơn là nỗi e ngại đối với Trung Quốc. Đổi lại, chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã tăng gấp đôi các ưu đãi tiền mặt và hỗ trợ chính sách cho các công ty bán dẫn trong nước như một phần của nỗ lực đạt được khả năng tự cung tự cấp cao hơn trong lĩnh vực chip trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.
Chỉ trong tuần này, theo South China Morning Post (SCMP), chính quyền thành phố Quảng Châu đã đầu tư tới 29 tỷ USD (200 tỷ nhân dân tệ) để thiết lập các quỹ giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh sản xuất liên quan đến chất bán dẫn, năng lượng tái tạo và các lĩnh vực công nghệ cao khác trong thành phố.
Được công bố vào cuối tuần qua, chính quyền thành phố Quảng Châu cho biết 150 tỷ nhân dân tệ (tương đương hơn 21 tỷ USD) sẽ được bơm vào Quỹ đầu tư công nghiệp (FoF), tập trung vào các hoạt động tài trợ trong lĩnh vực bán dẫn, năng lượng tái tạo và sản xuất tiên tiến.
"FoF sẽ đầu tư thông qua các quỹ phụ và tài trợ trực tiếp, nhằm mục đích thu hút các dự án quy mô vừa và lớn đến Quảng Châu và dần dần mở rộng thành một cụm quỹ với tổng trị giá 600 tỷ nhân dân tệ (gần 87 tỷ USD)", SCMP trích dẫn một tuyên bố của chính phủ. Sáng kiến mới nhất của Quảng Châu về cơ bản phù hợp với lời kêu gọi của chính quyền lãnh đạo Trung Quốc nhằm hồi sinh khu vực tư nhân vẫn đang “ngủ đông” của đất nước.
Việc hình thành các quỹ do chính phủ quản lý hiện đang trở nên khá phổ biến ở Trung Quốc, nơi hỗ trợ tài chính cấp nhà nước đã giúp phát triển các ngành công nghiệp quan trọng trong nhiều thập kỷ qua. Chỉ tháng trước, chính quyền tỉnh An Huy phía đông Trung Quốc đã ra thông báo sẽ thành lập một quỹ hướng dẫn trị giá 200 tỷ nhân dân tệ (29 tỷ USD), nhắm vào các ngành công nghệ.
Cũng trong tháng đó, chính quyền thành phố Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, đã tiết lộ kế hoạch thành lập một nhóm các quỹ trị giá hơn 100 tỷ nhân dân tệ (hơn 14 tỷ USD) nhằm tập trung đầu tư vào sản xuất tiên tiến. Ngay cả trung tâm công nghệ Thâm Quyến của Trung Quốc cũng có tham vọng tăng gấp đôi nỗ lực phát triển ngành công nghiệp chip địa phương thông qua các khoản trợ cấp lớn và phần thưởng tiền mặt, bằng cách tăng cường hỗ trợ tài chính cho ngành.