Trung Quốc huy động nguồn lực toàn quốc để cạnh tranh với Mỹ giành quyền tối cao về công nghệ

Trung Quốc cam kết huy động toàn bộ nguồn lực của quốc gia để thúc đẩy các đột phá khoa học trong nước, tái khẳng định ưu tiên cốt lõi là tự chủ trong các lĩnh vực từ trí tuệ nhân tạo (AI) đến sản xuất chip để giành lấy vị trí thống trị công nghệ từ Mỹ.

Theo báo cáo công việc của Chính phủ đệ trình lên cơ quan lập pháp quốc gia hôm 5.3, Trung Quốc đặt ra mục tiêu lâu dài là phá vỡ sự kìm kẹp của Mỹ trên các lĩnh vực then chốt. Theo các tài liệu được hãng tin Bloomberg xem xét kỹ lưỡng, chính phủ Trung Quốc sẽ tăng chi tiêu cho nghiên cứu khoa học và công nghệ thêm 10% lên 370,8 tỉ nhân dân tệ (51,5 tỉ USD) vào năm 2024, thúc đẩy các công ty hàng đầu quốc gia và trao cho các doanh nghiệp vai trò trung tâm trong việc dẫn đầu các tiến bộ.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã mở rộng quyền kiểm soát của nhà nước với các lĩnh vực quan trọng mang tính chiến lược, từ sản xuất chất bán dẫn đến điện toán lượng tử. Các cấp phó của ông Tập Cận Bình đã khởi xướng cách tiếp cận toàn dân để thúc đẩy tiến bộ công nghệ, về cơ bản là điều phối nỗ lực toàn quốc nhằm phân bổ nguồn lực nhằm phá vỡ sự kìm kẹp của Mỹ với công nghệ quan trọng. Theo báo cáo, cả nước Trung Quốc đã chi 3.300 tỉ nhân dân tệ cho nghiên cứu cơ bản vào năm 2023, chiếm khoảng 2,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Cổ phiếu các công ty chip Trung Quốc, gồm cả SMIC (hãng sản xuất chip số 1 nước này), đã tăng giá hôm 5.3 sau cam kết chính thức nêu trên.

“Chúng tôi sẽ tận dụng tối đa sức mạnh của hệ thống mới để huy động các nguồn lực trên toàn quốc nhằm nâng cao năng lực đổi mới của Trung Quốc trên diện rộng. Chúng tôi sẽ tập hợp sức mạnh khoa học và công nghệ chiến lược của đất nước cũng như các nguồn lực đổi mới phi chính phủ để tạo ra những đột phá về công nghệ cốt lõi trong các lĩnh vực then chốt, đẩy mạnh nghiên cứu về các công nghệ đột phá và tiên phong”, theo báo cáo do Thủ tướng Trung Quốc - Lý Cường gửi tới các nhà làm luật hôm 5.3 tại thủ đô Bắc Kinh.

Dù phát ngôn này phần lớn lặp lại những tuyên bố trước đây của Trung Quốc, các nhà quan sát nhìn thấy sự nhấn mạnh hơn trước vào các lĩnh vực chính như công nghệ tiên tiến và năng lượng mới, gồm cả hệ sinh thái ô tô điện. Tuyên bố đó cũng nhấn mạnh hơn vào việc đào tạo nhân tài để thúc đẩy "lực lượng sản xuất mới", gồm cả khoa học tiên tiến.

Theo các nhà phân tích tại hãng Soochow Securities, báo cáo công việc của ông Lý Cường đã đề cập đến từ “công nghệ” 26 lần, mức cao nhất kể từ năm 2015.

Trung Quốc sẽ phải đối mặt với vô số thách thức trong năm 2024, gồm cả cách chống lại chiến dịch của Mỹ nhằm nhằm ngăn chặn sự tiến bộ của họ trong lĩnh vực công nghệ như chip và AI, được coi là quan trọng với tương lai đất nước. Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc phải đối mặt với những trở ngại ngày càng tăng khi các nhà sản xuất chip trong nước gặp khó khăn để có được thiết bị họ cần để leo lên các bậc thang công nghệ, còn các nhà phát triển bị ngăn tiếp cận chip AI Nvidia tiến tiến, vốn đã trở thành tiêu chuẩn để đào tạo và lưu trữ các nền tảng AI tạo sinh giống mô hình ngôn ngữ lớn GPT của OpenAI.

Chen Yeguang, giáo sư khoa học đời sống tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), nói với Bloomberg rằng các biện pháp trừng phạt như vậy cho thấy nỗ lực phối hợp của một số nước ngoài, gồm cả như Mỹ, nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Ông nói trong một cuộc phỏng vấn tại Đại lễ đường Nhân dân: “Khi một số quốc gia thấy bạn hùng mạnh, họ không còn muốn hỗ trợ bạn nữa và sẽ tiếp tục cố gắng đàn áp bạn, nên đó là lý do tại sao Trung Quốc cần tự cung cấp công nghệ. Chúng ta cần đảm bảo đạt được mục tiêu này một cách tốt nhất, đặc biệt là trong các lĩnh vực như nghiên cứu cơ bản”.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã ủng hộ nỗ lực của các hãng hàng đầu trong nước như Huawei, công ty khiến Mỹ choáng váng vào năm ngoái khi thiết kế ra chip tiên tiến hơn những gì chính quyền Biden nghĩ. Đó là chip Kirin 9000s hỗ trợ 5G trong smartphone Huawei Mate 60 Pro, được SMIC sản xuất trong nước theo tiến trình 7 nanomet. Chính phủ Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của các hãng công nghệ hàng đầu trong nước như SMIC thông qua các khoản trợ cấp và chính sách.

Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự dịch chuyển sản xuất ngày càng tăng khi Apple và các thương hiệu Mỹ khác đặt nhà máy mới tại các quốc gia từ Ấn Độ đến Đông Nam Á để giảm thiểu rủi ro từ căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc.

Vào năm ngoái, nhiều cơ quan chính phủ và công ty nhà nước ở Trung Quốc yêu cầu nhân viên tránh sử dụng iPhone cùng các thiết bị mang nhãn hiệu nước ngoài khác tại nơi làm việc, điều này làm suy yếu sức hấp dẫn của thị trường này với các công ty nước ngoài.

Thế nhưng, Trung Quốc đã phát đi những thông điệp không nhất quán với lĩnh vực internet của mình, từng là một trong những động lực lớn nhất của nền kinh tế.

Những năm gần đây, lĩnh vực internet được hỗ trợ bởi nhà nước đã đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong các ngành từ tài chính đến thị trường và công nghệ, đặc biệt là trong bối cảnh áp đặt quy định kiềm chế các hãng công nghệ lớn như Alibaba và Didi Global để làm giảm sức mạnh của doanh nghiệp tư nhân.

Nỗ lực đó chỉ được mở rộng trong thời kỳ suy thoái hậu COVID-19 và cuộc khủng hoảng tài sản đang diễn ra, khi Trung Quốc đấu tranh để ngăn chặn sự sụp đổ của bất động sản và đưa ra các biện pháp kích thích để phục hồi nền kinh tế.

Trung Quốc có thể sử dụng nhiều trợ giúp hơn từ lĩnh vực internet và dịch vụ để tăng tiêu dùng trong nước và giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên. Tuy nhiên, các gã khổng lồ công nghệ từ Alibaba đến Tencent Holdings gần đây đều sa thải nhân viên quy mô lớn sau nhiều năm mở rộng doanh nghiệp nhanh chóng.

Những năm qua, Trung Quốc đã mở rộng quyền kiểm soát của nhà nước với các lĩnh vực chiến lược quan trọng từ sản xuất chất bán dẫn đến điện toán lượng tử - Ảnh: Bloomberg

Những năm qua, Trung Quốc đã mở rộng quyền kiểm soát của nhà nước với các lĩnh vực chiến lược quan trọng từ sản xuất chất bán dẫn đến điện toán lượng tử - Ảnh: Bloomberg

Hôm 4.3, ông Lâu Cần Kiệm, người phát ngôn Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (NPC hay Quốc hội), tuyên bố các lệnh trừng phạt của Mỹ và những biện pháp khác nhằm ngăn chặn Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, gồm 5G, chất bán dẫn và AI, cuối cùng sẽ “vô ích”.

“Với bất kỳ công nghệ nào mà con người biết đến, Mỹ không thể bóp nghẹt sự phát triển của Trung Quốc. Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi chúng ta thắng thế. Trung Quốc kiên định với quyết tâm tự chủ về khoa học và công nghệ. Không có trở ngại công nghệ nào là quá lớn để vượt qua miễn là chúng ta vẫn kiên trì nỗ lực”, ông Lâu Cần Kiệm nói tại Bắc Kinh trong ngày đầu tiên cuộc họp hàng năm của đất nước, được gọi là lưỡng hội.

Ông Lâu Cần Kiệm cho biết phản ứng của Trung Quốc với chiến lược từ Mỹ không phải là tự cô lập mà là lời kêu gọi hợp tác và đổi mới công nghệ toàn cầu.

“Chúng tôi sẽ tăng cường sáng tạo, ứng dụng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khoa học và công nghệ. Chúng tôi cũng sẽ tích cực tham gia vào mạng lưới đổi mới toàn cầu, cùng thúc đẩy nghiên cứu cơ bản, tạo điều kiện chuyển đổi các thành tựu khoa học và công nghệ, nuôi dưỡng những động lực phát triển kinh tế mới và cải thiện phúc lợi con người”, ông nói.

Lâu Cần Kiệm nói thêm rằng các hoạt động của Nhà Trắng nhằm tìm cách tách rời, phá vỡ chuỗi cung ứng hoặc áp dụng cách tiếp cận “sân nhỏ, hàng rào cao” với Trung Quốc chỉ cản trở tiến bộ công nghệ toàn cầu, làm suy yếu sự phát triển công nghiệp trên toàn thế giới và mở rộng “vực sâu trong phát triển toàn cầu”.

Ông ca ngợi năng lực đổi mới độc lập và tinh thần kiên định của Trung Quốc khi đối mặt với nghịch cảnh, lấy hệ thống định vị vệ tinh BeiDou (Bắc Đẩu) làm ví dụ.

Lâu Cần Kiệm nói: “Qua hai thập kỷ rưỡi nỗ lực không ngừng, BeiDou đã vươn lên như một nguồn lực toàn cầu đáng tin cậy, tích hợp liền mạch vào các ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng khác nhau, đồng thời đóng vai trò là nền tảng cho tiến bộ kinh tế và xã hội”.

Ban đầu, Trung Quốc tìm cách hợp tác với cộng đồng quốc tế trong việc phát triển hệ thống định vị vệ tinh, nhưng phải đối mặt với vô số thách thức và tiến độ chậm chạp, nên nước này quyết định tự xây dựng BeiDou.

Lâu Cần Kiệm cho biết nhiệm vụ lớn trong năm nay của Ủy ban thường vụ NPC, cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc, sẽ là đẩy nhanh việc làm luật trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như AI và công nghệ sinh học.

Ông nói: “Những nỗ lực làm luật trong tương lai của chúng tôi sẽ hướng tới việc kích thích đổi mới công nghệ, đặc biệt là giải quyết các mối lo ngại về đạo đức, luân lý và an toàn trong các công nghệ tiên phong như AI và công nghệ sinh học, với mục tiêu cuối cùng là liên tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Trung Quốc về khoa học và công nghệ”.

Lâu Cần Kiệm cho biết NPC và Ủy ban Thường vụ NPC đã tập trung vào ba luật về lĩnh vực công nghệ gồm luật Tiến bộ Khoa học và Công nghệ, luật Thúc đẩy Chuyển đổi Thành tựu Khoa học và Công nghệ, luật Phổ biến Khoa học và Công nghệ. Song cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa có luật nào về AI.

Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã ban hành dự thảo quy định về quản lý các dịch vụ AI tạo sinh vào tháng 4.2023. Các quy định yêu cầu những nhà cung cấp dịch vụ AI ngăn chặn việc lạm dụng thông tin cá nhân, quyền riêng tư và bí mật thương mại.

Hồi tháng 10.2023, trong Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường, Trung Quốc đã đề xuất “Sáng kiến quản trị AI toàn cầu”, một khuôn khổ đưa ra cách tiếp cận của Trung Quốc với việc phát triển, an ninh và quản trị AI.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/trung-quoc-huy-dong-nguon-luc-toan-quoc-de-canh-tranh-voi-my-gianh-quyen-toi-cao-ve-cong-nghe-214782.html