Trung Quốc kéo giảm lãi suất để thúc tăng trưởng

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã thay đổi cách thức mà các NHTM thiết lập lãi suất cho vay - động thái được dự kiến sẽ kéo giảm chi phí vay mượn cho các doanh nghiệp đúng vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang cần nhiều sự hỗ trợ.

Tăng trưởng ở Trung Quốc đang chậm lại khi mà cuộc chiến thương mại với Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục leo thang trong những tháng tới. IMF đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 của Trung Quốc xuống còn 6,2% và 6,0% vào năm 2020. Tuy nhiên dự báo này được đưa ra trước khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gia tăng cấp độ và Mỹ sẽ tiếp tục áp thuế lên nhiều hàng hóa khác của Trung Quốc vào tháng 9 và tháng 12 tới.

Trong bối cảnh đó, chính quyền Trung Quốc đã sử dụng cả các biện pháp tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế. “Đây là một động thái đáng hoan nghênh nhằm giảm chi phí vay mượn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ, và nó đến vào thời điểm quan trọng khi tăng trưởng GDP của Trung Quốc có nguy cơ giảm xuống dưới 6% vào năm 2020 trong bối cảnh thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc liên tục tăng” các nhà phân tích từ United Overseas Bank của Singapore cho biết hôm thứ Hai.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Không giống như Fed, PBoC không chỉ có một công cụ chính sách tiền tệ mà thay vào đó nó có thể sử dụng nhiều phương pháp để kiểm soát cung tiền và lãi suất trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Một trong những công cụ đó là lãi suất cho vay cơ bản (LPR) - hoặc lãi suất mà các ngân hàng tính cho những khách hàng uy tín nhất của mình. PBoC cuối tuần trước đã tuyên bố sẽ cải cách cách tính LPR ngay từ tháng này.

Theo đó, PBoC yêu cầu các NHTM sử dụng LPR, thay vì lãi suất cho vay chuẩn, làm tham chiếu để tính lãi suất các khoản cho vay mới. PBoC cũng tăng số lượng các tổ chức tài chính có thể tham gia gửi lãi suất để tính LPR từ 10 lên 18 tổ chức. LPR sẽ được tính bằng trung bình số học của các mức lãi suất này và sẽ được công bố vào ngày 20 hàng tháng. PBoC cũng yêu cầu các ngân hàng liên kết báo giá LPR của họ với lãi suất của công cụ cho vay trung hạn (MLF) của PBoC đối với các NHTM.

Một công cụ khác mà PBoC có thể sử dụng để điều chỉnh chính sách tiền tệ là lãi suất công cụ cho vay trung hạn (MLF). Nó được coi là phù hợp hơn với các động lực cung - cầu trong thị trường tiền tệ Trung Quốc. Lãi suất một năm đối với MLF hiện đang ở mức khoảng 3,3% - thấp hơn lãi suất cho vay chuẩn của ngân hàng trung ương là 4,35%.

Việc liên kết LPR mới với lãi suất MLF được dự kiến sẽ làm giảm LPR, dẫn đến giảm chi phí vay chung. Điều đó đã có một số hiệu ứng. Vào thứ Ba (20/8), ngày đầu tiên của tiến trình cải cách mới, LPR kỳ hạn một năm được thiết lập ở mức 4,25% - giảm so với mức 4,31% trước đó; trong khi LPR 5 năm mới được giới thiệu ở mức 4,85% - thấp hơn mức lãi suất chuẩn 5 năm là 4,9%. Về lý thuyết, điều đó sẽ dẫn đến lãi suất thấp hơn đối với các khoản vay ngân hàng mới cho các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Nhiều năm qua, Bắc Kinh đã cố gắng thay đổi cách thức hoạt động của lãi suất trong nền kinh tế. PBoC đang nỗ lực tiến tới thông lệ của các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế lớn, chủ yếu điều chỉnh lãi suất tài trợ ngắn hạn để tác động đến chi phí vay mượn trong nền kinh tế. Thế nhưng các ngân hàng vẫn ưu tiên sử dụng lãi suất chuẩn của PBoC như một tham chiếu để định giá các khoản vay của họ, khiến cho hiệu quả của chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế bị hạn chế.

Tuy nhiên những cải cách LPR mới có thể làm cho các biện pháp hỗ trợ tiền tệ hiệu quả hơn vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang bị thách thức bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ.

“Sự thay đổi này không tự động dẫn tới việc giảm lãi suất, nhưng nó tạo tiền đề cho PBoC đạt được điều đó”, các nhà phân tích của ngân hàng Pháp Soce Generale cho biết hôm Chủ nhật (18/8). “Chúng tôi nghĩ rằng PBoC sẽ cố gắng hết sức để làm cho lãi suất thấp hơn với sự trợ giúp của hệ thống mới, bởi vì nền kinh tế đang rất cần sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ”.

Mai Ngọc

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/trung-quoc-keo-giam-lai-suat-de-thuc-tang-truong-91312.html