Trung Quốc khẳng định tiếp tục triển khai dự án hóa dầu trị giá 11 tỉ USD ở Nga
Tập đoàn Sinopec của Trung Quốc cho biết các dự án đầu tư tại Nga vẫn đang được triển khai theo kế hoạch bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây chống Moskva.
Theo Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc (Sinopec), dự án khí hóa dầu quy mô 11 tỉ USD tại tỉnh Amur ở Đông Siberia thuộc Nga vẫn được triển khai theo đúng kế hoạch dù phương Tây áp trừng phạt với Nga. Dự án được khởi công vào tháng 12/2020 và dự kiến hoàn thành vào năm 2024, thông qua một liên doanh do Sinopec góp 40% vốn, 60% cổ phần còn lại thuộc về tập đoàn Sibur của Nga.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 28/2, Chủ tịch Sinopec Ma Yongsheng khẳng định mọi hoạt động và dự án do tập đoàn triển khai tại Nga diễn ra bình thường, không có nguy cơ về mất vốn, hao hụt tài sản ở thời điểm hiện tại. Ông cho biết Sinopec sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược mua dầu mỏ, khí đốt từ các nguồn cung đa dạng trên thị trường, nhưng không tiết lộ cụ thể liệu tập đoàn có tăng lượng nhập khẩu từ Nga trong thời gian tới hay không, khi nguồn dầu thô của Nga đang được mời chào với mức chiết khấu cao.
Tổ hợp hóa dầu ở Amur nằm giáp biên giới tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, chuyên biến đổi các sản phẩm thu được trong quá trình chiết xuất hydrocarbon thành polyme, hạt dùng để sản xuất các sản phẩm nhựa, có nhu cầu cao trên khắp thế giới. Đây được coi là cơ sở sản xuất polyme cơ bản lớn nhất thế giới, với công suất 2,3 triệu tấn polythene và 0,4 triệu tấn polypropylene/năm, chủ yếu cung cấp cho thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, Sinopec cũng đã dừng các cuộc thương thảo với phía Nga về khoản góp vốn 500 triệu USD với một dự án hóa dầu tương tự ở Amur. Theo hãng tin Reuters, Sinopec quyết định tạm dừng theo đuổi dự án mới này sau khi biết thông tin các cổ đông của Sibur và thành viên hội đồng quản trị Gennady Timchenko nằm trong diện bị phương Tây trừng phạt.
Sinopec trong ngày 27/3 công bố khoản lợi nhuận ròng hơn 11,3 tỉ USD trong năm 2021, tăng 115% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng lợi nhuận này chủ yếu nhờ giá dầu và khí đốt tăng mạnh.