Trung Quốc khởi công xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế giới
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã mô tả dự án thủy điện này là một 'công trình thế kỷ,' đồng thời nhấn mạnh cần phải đặc biệt chú trọng đến công tác bảo tồn sinh thái để ngăn chặn thiệt hại môi trường.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Xinhua)
Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã tuyên bố khởi công xây dựng công trình sẽ trở thành đập thủy điện lớn nhất thế giới, với vị trí tại rìa phía Đông cao nguyên Tây Tạng và chi phí ước tính khoảng 170 tỷ USD.
Công trình bao gồm năm nhà máy thủy điện dạng bậc thang, được xây dựng trên sông Yarlung Zangbo và có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người ở hạ nguồn tại Ấn Độ và Bangladesh.
Theo thông tin được đăng tải ngày 20/7 của Tân Hoa Xã, Thủ tướng Lý Cường đã mô tả dự án thủy điện này là một “công trình thế kỷ,” đồng thời nhấn mạnh rằng cần phải đặc biệt chú trọng đến công tác bảo tồn sinh thái để ngăn chặn các thiệt hại về môi trường.
Các nhà chức trách chưa cho biết dự án tại Tây Tạng này sẽ khiến bao nhiêu người phải di dời và sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái địa phương như thế nào.
Tuy nhiên, theo các quan chức Trung Quốc, các dự án thủy điện tại Tây Tạng sẽ không gây tác động lớn đến môi trường hay nguồn cung cấp nước ở hạ nguồn. Mặc dù vậy, Ấn Độ và Bangladesh vẫn bày tỏ quan ngại về con đập này.
Công trình ước tính có công suất sản xuất 300 tỷ kilowatt giờ điện hàng năm và dự kiến sẽ giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng tại chỗ ở Tây Tạng cũng như phần còn lại của Trung Quốc.
Dự án này là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở rộng năng lượng tái tạo và giảm phát thải carbon. Trong một thông báo lần đầu về dự án vào tháng 12 năm ngoái, Tân Hoa Xã cho biết dự án sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu về trung hòa carbon của Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy các ngành công nghiệp liên quan như kỹ thuật, và tạo việc làm tại Tây Tạng.
Sông Yarlung Zangbo trở thành sông Brahmaputra khi chảy ra khỏi Tây Tạng và xuôi về phía Nam vào các bang Arunachal Pradesh và Assam của Ấn Độ, cuối cùng đổ vào Bangladesh.
Trung Quốc trước đó đã bắt đầu sản xuất thủy điện ở thượng nguồn sông Yarlung Zangbo, dòng sông chảy từ phía Tây sang phía Đông của Tây Tạng./.