Trung Quốc không còn hấp dẫn với doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài?

Năm 2023, Trung Quốc cấp 711.000 thị thực cư trú cho người nước ngoài, giảm 15% so với năm 2019. Trong khi đó, số lượng khách quốc tế lưu trú ngắn hạn, bao gồm người đi công tác, thậm chí giảm gần 70%...

Ảnh minh họa: WSJ

Ảnh minh họa: WSJ

Trung Quốc đang cố gắng lấy lại sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên mới, khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Những tháng gần đây, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế ảm đạm, Trung Quốc đã tăng số lượng các chuyến bay quốc tế, giảm thủ tục cấp thị thực hay thậm chí miễn thị thực với công dân nhiều nước. Ưu đãi thuế dành cho người nước ngoài sống tại Trung Quốc cũng được gia hạn. Tại kỳ họp Quốc hội hồi đầu tháng này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cam kết sẽ thực hiện thêm nhiều biện pháp hơn nữa nhằm vực dậy thương hiệu “Đầu tư vào Trung Quốc” (Invest in China).

Tuy nhiên, những nỗ lực này dường như không mấy hiệu quả.

KHÓ LẤY LẠI NIỀM TIN

Chia sẻ với tờ báo Wall Street Journal, một giám đốc doanh nghiệp Mỹ kể rằng vào giữa năm 2023 một nhóm 9 cảnh sát xuất hiện trước căn nhà ông sống ở Bắc Kinh vào buổi tối, yêu cầu kiểm tra hộ chiếu và xác nhận nơi làm việc của ông. Toàn bộ quá trình này được một cảnh sát quay lại bằng điện thoại thông minh.

“Nhóm cảnh sát không thông báo lý do của buổi kiểm tra này”, vị giám đốc kể. “Sẽ mất rất lâu để lấy lại niềm tin (dành cho Trung Quốc) mà chúng tôi đã mất trong mấy năm qua”.

Theo Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Trung Quốc, năm 2023 cơ quan này cấp 711.000 thị thực cư trú cho người nước ngoài, giảm 15% so với năm 2019, năm trước đại dịch. Trong khi đó, số lượng khách quốc tế lưu trú ngắn hạn, bao gồm người đi công tác, thậm chí giảm gần 70%.

Tình trạng này càng rõ nét ở Thượng Hải, trung tâm tài chính từng là một trong những “kinh đô” của người nước ngoài tại Trung Quốc. Số lượng thị thực làm việc cho người nước ngoài sống tại thành phố này năm 2022 giảm xuống còn 50.000. Vào năm 2020, thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, con số này là gần 70.000 thị thực.

Gần 2 năm sau các đợt phong tỏa phòng dịch căng thẳng khiến người nước ngoài tháo lui, thành phố Thượng Hải vẫn đang chật vật để khôi phục hình ảnh đối với nhà đầu tư, doanh nhân nước ngoài.

“Khi đi ăn nhà hàng hoặc tới trung tâm thương mại vào cuối tuần, tôi thường là người da trắng duy nhất”, Graeme Allen, một người Ireland đang điều hành một nhà hàng ở Thượng Hải, chia sẻ.

Ông cho biết lượng người nước ngoài ở thành phố này đã giảm kể cả trước đại dịch khi các doanh nghiệp quốc tế tại đây chuyển hướng sang thuê nhân sự người bản địa và các đợt phong tỏa trong đại dịch là “giọt nước tràn ly”.

Trên thực tế, ông Allen và một số người khác nhận xét gần đây lượng người nước ngoài ở Thượng Hải có vẻ tăng lên khi nhiều người tới dự các hội chợ quốc tế. Một nút thắt lớn cũng sẽ sớm được cởi bỏ khi số lượng chuyến bay khứ hồi hàng tuần giữa Trung Quốc và Mỹ của các hãng hàng không Trung Quốc dự kiến tăng lên 50 chuyến vào cuối tháng 3, từ 35 chuyến hiện tại.

Tuy nhiên, số lượng chuyến bay này chỉ bằng một phần nhỏ so với năm 2020. Và kể cả khi số lượng chuyến bay tăng lên, điều này cũng không giải quyết được bản chất vấn đề: Đó là sự quan tâm của quốc tế dành cho Trung Quốc đã giảm sút – theo khảo sát của Wall Street Journal với các nhà đầu tư, nhà ngoại giao, cố vấn doanh nghiệp nước ngoài đã từng và đang sống ở Trung Quốc.

KHÔNG PHẢI TRUNG QUỐC, ĐIỂM ĐẾN GIỜ ĐÂY LÀ ĐÔNG NAM Á, ẤN ĐỘ HOẶC TRUNG ĐÔNG

Xu hướng này cho thấy sức hấp dẫn của Trung Quốc đã thay đổi hoàn toàn, từ một nơi từng xem là “miền đất hứa” với người nước ngoài. Một thập kỷ trước, những thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải thường nằm trong danh sách những điểm đến được ưa thích nhất thế giới với người nước ngoài. Trong những năm Trung Quốc tăng trưởng bùng nổ, sinh viên quốc tế đổ xô tới các trường đại học nước này để học tiếng Trung. Sau tốt nghiệp, nhiều người tìm kiếm cơ hội việc làm trong các công ty đa quốc gia nở rộ tại đây. Nhưng giờ đây, nhiều công ty đa quốc gia đã dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Từ tháng 7 năm ngoái đến nay, Trung Quốc đã miễn thị thực du lịch cho công dân 15 quốc gia, trong đó có Pháp và Đức - Ảnh: Getty Images

Từ tháng 7 năm ngoái đến nay, Trung Quốc đã miễn thị thực du lịch cho công dân 15 quốc gia, trong đó có Pháp và Đức - Ảnh: Getty Images

“Nếu bạn là người nước ngoài sống cùng gia đình và muốn phát triển sự nghiệp, bạn không cần phải ở Trung Quốc nữa. Giờ đây điểm đến là Đông Nam Á, Ấn Độ hoặc Trung Đông”, ông Cameron Johnson, một cố vấn về chuỗi cung ứng ở Thượng Hải, cho biết.

Và khi người nước ngoài rời khỏi, dòng tiền vào Trung Quốc cũng giảm theo. Năm 2023, dòng đầu tư nước ngoài vào quốc gia này giảm 8% xuống còn khoảng 157 tỷ USD, lần giảm đầu tiên trong một thập kỷ. Trung Quốc đang ngày càng được xem là một điểm đến rủi ro.

“Trước đây, Trung Quốc là nơi mọi thứ diễn ra. Giới doanh nhân từng đua nhau tới nước này. Nhưng giờ đây, họ không còn xem đây là nơi triển vọng”, ông Sean Stein, một cố vấn cấp cao về chính sách công tại hãng luật Covington & Burling, cho biết.

“Bắc Kinh có thể làm chậm lại sự phân ly giữa Trung Quốc và phương Tây bằng cách bình ổn các căng thẳng địa chính trị, nhưng xu hướng phân ly kinh tế hiện tại khó có thể ngăn chặn dòng chảy rút khỏi nước này. Dòng chảy này có logic của riêng nó, bởi bạn chắc chắn phải rời đi khi nhà cung cấp hoặc khách hàng chính của bạn rời đi”.

Giáo sư Minxin Pei, Đại học Claremont McKenna

Theo các nhà phân tích, doanh nhân, nhà đầu tư nước ngoài vẫn là một nguồn tri thức và kỹ năng mà Trung Quốc cần đến. Vốn nước ngoài và sự quan tâm của các nhà đầu tư đang ngày càng trở nên quan trọng, buộc nhà chức trách Trung Quốc cấp bách khôi phục hình ảnh, lấy lại niềm tin, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế sụt tốc và khủng hoảng bất động sản kéo dài.

Hiện không có số liệu chính thức về số lượng người nước ngoài sống tại Trung Quốc hoặc tới nước này. Lần cuối cùng Bắc Kinh công bố số liệu chi tiết về người nước ngoài cư trú dài hạn là vào năm 2021, trong báo cáo dân số thực hiện 10 năm một lần. Dù vậy, các nguồn dữ liệu khác cho thấy người nước ngoài đến từ các nền kinh tế lớn trên thế giới – những nước có hoạt động đầu tư đáng kể tại Trung Quốc – đã giảm mạnh những năm gần đây.

Dữ liệu từ Chính phủ Hàn Quốc cho thấy số lượng công dân nước này sống tại Trung Quốc năm 2023 giảm 30% so với năm 2019 xuống còn 216.000 người. Số lượng công dân Nhật Bản tại Trung Quốc cũng giảm 13% xuống còn 102.000 người. Công dân Anh sống tại quốc gia châu Á cũng giảm hơn 50% xuống còn 16.000 người – theo số liệu ước tính từ Phòng Thương mại Anh tại Trung Quốc.

Người phát ngôn đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc cho biết không theo dõi số lượng công dân nước này ở đây nhưng số lượng đơn xin gia hạn hộ chiếu đã giảm mạnh so với giai đoạn trước đại dịch. Một phần nguyên nhân đến từ phía Mỹ khi tháng 3 năm ngoái Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Trung Quốc vào danh sách khuyến cáo công dân “cân nhắc đi đến” với lý do “có nguy cơ bị bắt hoặc bắt buộc thực thi pháp luật địa phương”.

Từ tháng 7 năm ngoái đến nay, Trung Quốc đã miễn thị thực du lịch cho công dân 15 quốc gia, trong đó có Pháp và Đức. Bắc Kinh cũng cam kết xóa bỏ các rào cản thị trường đối với các công ty đa quốc gia và nới lỏng hạn chế đối với dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới – quy định gây ảnh hưởng lớn tới các công ty nước ngoài ở Trung Quốc thời gian qua.

“Bắc Kinh có thể làm chậm lại sự phân ly giữa Trung Quốc và phương Tây bằng cách bình ổn các căng thẳng địa chính trị, nhưng xu hướng phân ly kinh tế hiện tại khó có thể ngăn chặn dòng chảy rút khỏi nước này”, ông Minxin Pei, giáo sư về Trung Quốc và chính trị tại Đại học Claremont McKenna, nhận định. “Dòng chảy này có logic của riêng nó, bởi bạn chắc chắn phải rời đi khi nhà cung cấp hoặc khách hàng chính của bạn rời đi”.

Hoài Thu

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/trung-quoc-khong-con-hap-dan-voi-doanh-nghiep-nha-dau-tu-nuoc-ngoai.htm