Trung Quốc không từ bỏ mô hình kinh tế do nhà nước lập kế hoạch
Một bài báo của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc có nêu ý rằng nước này sẽ không từ bỏ mô hình kinh tế do nhà nước lập kế hoạch, không kéo giảm vai trò của các công ty quốc doanh (SOE). Tức là, Trung Quốc đang bất chấp đòi hỏi của Mỹ trong cuộc chiến thương mại kéo dài chưa có hồi kết giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Trong khi việc Bắc Kinh ưu ái các công ty quốc doanh (SOE) là một trong những chủ đề tranh cãi giữa Mỹ với Trung Quốc, thì đây lại không phải là vấn đề được giải quyết trong giai đoạn 1 của tiến trình đàm phán thương mại mà 2 bên nỗ lực đạt được vào cuối năm nay.
Thay vào đó, Bắc Kinh đã lên kế hoạch thực hiện mô hình kinh tế do nhà nước lập kế hoạch "mạnh mẽ hơn, tốt hơn và to lớn hơn”, theo bài viết của ông Lưu Hạc được tờ Nhân dân nhật báo (cơ quan ngôn luận Đảng Cộng sản Trung Quốc - CPC) đăng vài ngày trước.
Theo báo SCMP, lời phát biểu trên của Phó Thủ tướng Trung Quốc phù hợp với lời hứa của Trung ương CPC hồi cuối tháng 10. Tháng 9.2018, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng tuyên bố Trung Quốc sẽ không từ bỏ hoặc kéo giảm vai trò của các SOE vốn có vai trò thống trị, kiểm soát nguồn lực lớn và được ưu tiên khi vay tiền của các cơ quan tài chính nhà nước, bất chấp kinh tế Trung Quốc suy thoái.
Các SOE từ lâu đã giữ vai trò “xương sống” cho mô hình kinh tế Trung Quốc và từ khi bùng nổ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nó giữ vai trò lớn để vực dậy nền kinh tế bị suy yếu cũng như duy trì việc làm cho giai cấp công nhân. Lực lượng này gọi việc có việc làm suốt đời ở những SOE là “chén gạo thép” và vì cần duy trì ổn định xã hội và tạo việc làm cho người dân, cho nên trong cuộc chiến thương mại, chắc chắn Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ trước đòi hỏi của Mỹ.
Trong những cuộc đàm phán nhằm kết thúc thương chiến, chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn đòi hỏi Trung Quốc chấm dứt tài trợ cho các SOE vốn chiếm ưu thế ở nước này. Hai đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) đã gọi việc Bắc Kinh ưu ái các SOE đã làm rối loại nền kinh tế nước này, tạo ra sân chơi không bình đẳng đối với các công ty nước ngoài.
Trong nỗ lực trấn an các lo ngại trên, bài viết của ông Lưu Hạc, trưởng đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc, đã đề cao những thành quả của cả hai lãnh vực công - tư: “Kinh tế nhà nước và kinh tế phi nhà nước đều là các thành phần cốt yếu trong việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc và phân phối các nguồn lực. Sự chuyển đổi từ hệ thống kinh tế do trung ương lập kế hoạch sang hệ thống kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được thực hiện, bằng cách kết hợp một cơ chế thị trường hiệu quả với một cấp độ điều hành kinh tế vĩ mô”.
Ông Lý Kiệt, một nhà nghiên cứu trưởng của Viện nghiên cứu China Enterprise nói, chính phủ Trung Quốc không còn xem một nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa và một nền kinh tế thị trường là hai thế lực đối lập với nhau trong sự phát triển của mình: “Đó là một bước đột phá. Việc phân phối các nguồn lực dựa theo một hệ thống kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là một sự giải phóng. Nay, về cơ bản đã giải quyết được vấn đề hội nhập một hệ thống xã hội với một nền kinh tế thị trường”.
Trong một nỗ lực khác để chứng minh với thế giới, rằng Trung Quốc muốn cân bằng sân chơi và tạo ra một môi trường minh bạch cho các công ty nước ngoài làm ăn ở Trung Quốc, hồi tháng 3, Bắc Kinh đã thông qua Luật Đầu tư nước ngoài (FIL) mới, sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2020.
FIL được hứa hẹn là sẽ đối xử công bằng với các nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc, cấm các công ty và chính quyền địa phương Trung Quốc buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ, đồng thời cấm cán bộ chính quyền “xì” các bí mật thương mại - mà họ có được từ các doanh nghiệp nước ngoài - cho các công ty trong nước một cách trái phép. Các biện pháp xử lý kỷ luật sẽ gồm “xử lý hành chính” hoặc thậm chí buộc tội hình sự.
Louis Kuijs - người lãnh đạo nhánh nghiên cứu châu Á của Oxford Economics, nói thông điệp của ông Lưu Hạc là Trung Quốc không sẵn sàng tách biệt các hoạt động thương mại công-tư như một vấn đề lớn đối với các nước phương tây.
Ông nói mô hình kinh tế do nhà nước lập kế hoạch của Trung Quốc đã thành công trong sự phát triển kinh tế suốt 40 năm qua, nhưng Bắc Kinh sẽ khó thể tiếp tục dựa vào mô hình này, nếu như Trung Quốc muốn hội nhập đầy đủ vào kinh tế toàn cầu.
Ông Kuijs cũng nói các nước phương Tây nói chung chấp nhận nguyên tắc này: các bộ vừa là nhà điều hành và là cánh tay của thị trường, nhưng ở Trung Quốc thì một bộ cũng giữ vai trò vận động cho các SOE: “Đấy là một vấn nạn, vì các nước sẽ lo ngại lý do tại sao các SOE mua một số công ty, có phải vì mục đích thương mại hay vì họ hành động như một cánh tay của nhà nước”.
Mỹ Trinh (theo SCMP)