Trung Quốc khuyến khích sinh viên 'tạm cởi bỏ áo vest' do thanh niên thất nghiệp ngày càng tăng

Khi các cơ hội việc làm hấp dẫn đang dần cạn kiệt, tình trạng thất nghiệp của giới trẻ Trung Quốc nổi lên là vấn đề nhức nhối.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc theo độ tuổi. Nguồn: Wind

Tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc theo độ tuổi. Nguồn: Wind

Trong những tuần gần đây, các đài truyền hình và cơ quan thông tấn Trung Quốc đã công bố hồ sơ của nhiều sinh viên mới tốt nghiệp đại học - những người được cho là đã kiếm được nhiều tiền nhờ công việc đòi hỏi trình độ thấp như bán thức ăn đường phố hoặc trồng trái cây, thay vì theo đuổi các công việc theo chuyên ngành được đào tạo.

Trong một video được đài CCTV đăng tải, một cặp vợ chồng trẻ có bằng đại học cho biết họ kiếm được 9.184 Rmb (tương đương 1.335 USD) một đêm khi bán đậu phụ teppanyaki và khoai tây chiên ở tỉnh Chiết Giang. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trái chiều nổi lên khi người dùng Weibo cho rằng, cặp vợ chồng sẽ cần phục vụ 1,6 khách hàng mỗi phút trong suốt đêm để đạt được mức lợi nhuận mong muốn.

“Nếu kiếm tiền dễ như vậy thì có lẽ người bán đậu phụ và khoai tây chiên đã có mặt khắp mọi nơi rồi”, một người dùng Weibo bình luận.

Tháng trước, nhiều phương tiện truyền thông của Trung Quốc thông tin về những sinh viên tốt nghiệp đại học tuyên bố kiếm được thu nhập bảy con số (145.000 USD trở lên) trong các ngành nghề không yêu cầu trình độ cao. Trong khi đó, Đoàn Thanh niên Cộng sản của Trung Quốc cho rằng, những sinh viên trẻ tuổi mới tốt nghiệp cố chấp theo đuổi khát vọng nghề nghiệp và khuyến khích họ nên “tạm cởi bỏ áo vest, xắn tay áo để làm những công việc chân tay”.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp đã phản đối quan điểm này khi cho rằng, Nhà nước đã không tạo đủ việc làm cho số lượng người trẻ có học thức cao đang ngày một tăng. Nhiều người dùng Wechat còn vặn lại khi đặt câu hỏi liệu “những công chức nhà nước có sẵn sàng từ bỏ vị trí và mức lương hiện tại để trở thành người lau dọn hay không”.

Trong khi Trung Quốc đã bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, với mức phục hồi ở 4,5% trong quý đầu tiên sau khi các hạn chế về đại dịch được dỡ bỏ vào đầu năm 2023, tình trạng thất nghiệp của giới trẻ vẫn là một vấn đề nhức nhối dai dẳng.

Những người “săn việc” trẻ tuổi bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh phong tỏa và nhiều người vẫn đang gặp khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 3 của những người từ 16 đến 24 tuổi đạt 19,6% - mức cao thứ hai được ghi nhận - và hiện đã ở mức trên 16%.Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tính chung của cả nước dao động ở mức khoảng 5%.

Số lượng thanh niên thất nghiệp ngày càng tăng được xem là một thách thức về nhân khẩu học đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Dân số của nước này đang bước vào giai đoạn suy giảm lần đầu tiên sau sáu thập kỷ và có thể bị Ấn Độ vượt mặt, kèm theo đó là những lo ngại gia tăng về sự suy giảm cơ cấu trong tăng trưởng kinh tế.

Sinh viên Trung Quốc sau khi tốt nghiệp đang phải gánh vác nhiều trọng trách, trong đó có việc hỗ trợ và chăm sóc cho cha mẹ già của họ trong khi đối mặt với triển vọng nghề nghiệp và cơ hội tích lũy của cải hạn chế. Hiện tại, nhóm dân số già chiếm tỷ lệ cao hơn nhóm trẻ trong cơ cấu dân số của Trung Quốc - hệ lụy của việc nhiều thập kỷ áp dụng chính sách kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt.

Tình hình sẽ còn xấu đi khi con số kỷ lục 11,6 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học dự kiến sẽ gia nhập thị trường lao động trong năm nay. Một cuộc khảo sát vào tháng 11 năm ngoái với 100 nhà tuyển dụng có trụ sở tại Trung Quốc trên 51j - một trang web đăng tuyển dụng, cho thấy hơn một nửa số người được hỏi sẽ có kế hoạch cắt giảm tuyển dụng vào năm 2023.

Trung Quốc thường được biết đến với chế độ làm việc khắc nghiệt “9-9-6” - người lao động làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày trong một tuần. Chính phủ cần thực thi Luật Lao động cũng như quan tâm hơn và giải quyết những khó khăn của người lao động.

Nga Cao (tổng hợp)

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/trung-quoc-khuyen-khich-sinh-vien-tam-coi-bo-ao-vest-do-thanh-nien-that-nghiep-ngay-cang-tang-d188347.html