Trung Quốc làm căng sau bình luận của ông Shinzo Abe, đòi 'xem xét lại' quan hệ với Nhật Bản
Trung Quốc vừa lên tiếng đe dọa sẽ 'xem xét lại' quan hệ song phương với Nhật Bản, sau khi cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có phát ngôn ủng hộ Đài Loan.
Mối quan hệ vốn đã “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa hai nước láng giềng châu Á một lần nữa bị thách thức sau khi ông Abe hồi tuần trước nói rằng cả Nhật Bản lẫn Mỹ đều không thể đứng yên trong trường hợp Trung Quốc địa lục tấn công Đài Loan, và rằng tình trạng khẩn cấp của Đài Loan cũng là tình trạng khẩn cấp của Nhật Bản.
Cựu Thủ tướng Nhật cũng cảnh báo rằng “những người ở Bắc Kinh, đặc biệt là Chủ tịch Tập Cận Bình, không nên đánh giá sai về điều đó”.
Những phát ngôn cứng rắn bất thường của ông Abe đã lập tức vấp phải phản ứng kịch liệt từ phía Bắc Kinh. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, đã triệu tập Đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh Hideo Tarumi đến tham gia một cuộc họp khẩn cấp trong tuần trước và nói rằng phát ngôn của ông Abe “công khai thách thức chủ quyền của Trung Quốc và nêu sự ủng hộ công khai đối với các lực lượng độc lập Đài Loan”.
SCMP dẫn một nguồn tin được thông báo về vấn đề này cho hay, bà Hoa Xuân Oánh và ông Tarumi đã có cuộc trao đổi căng thẳng trong cuộc họp đó, và có thời điểm bà Hoa đe dọa rằng Trung Quốc có thể “xem xét lại” quan hệ Trung-Nhật nếu như Tokyo có thêm hành động liên quan tới Đài Loan.
“Bà Hoa đã yêu cầu Nhật Bản làm rõ quan điểm chính thức của họ về Đài Loan. Nhưng phía Nhật tin rằng ông Abe không còn là một thành viên nội các, những bình luận của ông chỉ là quan điểm cá nhân” – nguồn tin giấu tên này cho hay – “Bà Hoa nói với ông Tarumi rằng, nếu Nhật Bản tiếp tục đi theo con đường này, Trung Quốc sẽ phải xem xét lại cách mà họ tiếp cận với quan hệ song phương và cách ứng xử với Nhật Bản.”
Sau cuộc họp đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nói trong một cuộc họp báo rằng chính phủ Nhật Bản không có trách nhiệm phải giải thích về phát ngôn của ông Abe, bởi ông đã rời khỏi chính phủ. Ông Matsuno cũng thể hiện sự không hài lòng của Tokyo về cách mà Trung Quốc xử lý tình huống và thêm rằng “Trung Quốc cần phải hiểu rằng có nhiều người suy nghĩ như vậy ở Nhật Bản”.
Nhật Bản thời gian gần đây ngày càng tỏ rõ thái độ của họ trong việc chống lại tầm ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc trong khu vực và các vấn đề như Đài Loan, Hong Kong. Tokyo cũng liên tục phản đối Trung Quốc về các vụ việc tàu Trung Quốc đi vào vùng biển thuộc chủ quyền của Nhật, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh thực thi một bộ luật giúp tăng cường cách phản ứng trước cái mà họ cho là hành vi vi phạm chủ quyền lãnh hải ở vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền.
Hai cường quốc châu Á từ lâu đã có tranh chấp quyền sở hữu một nhóm đảo không người ở biển Hoa Đông mà Nhật gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Tuy nhiên, vẫn còn hy vọng rằng mối quan hệ song phương có thể trở nên tốt hơn đôi chút sau khi ông Fumio Kishida, vốn là một chính trị gia ôn hòa, trở thành Thủ tướng Nhật Bản trong tháng 10.
Việc chỉ định tân Ngoại trưởng, Yoshimasa Hayashi, hồi tháng trước cũng được xem là một tín hiệu tích cực cho mối quan hệ Trung-Nhật. Ông Hayashi là một chính trị gia được xem là khá thân thiện với Bắc Kinh, trước đây từng dẫn đầu một nhóm các nhà lập pháp Nhật thúc đẩy trao đổi giữa hai nước.
Trong một cuộc điện đàm mới đây với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ông Hayashi đã nhận được lời mời tới thăm Trung Quốc. Giới chức hai nước đã không có chuyến thăm lẫn nhau nào kể từ sau khi ông Vương Nghị tới Nhật Bản cách đây 1 năm.
Một nguồn tin hiểu về quan hệ hai nước nói rằng Trung Quốc chưa từng mở rộng một lời mời chính thức, và mối liên hệ ở cấp làm việc giữa hai nước giờ chịu rủi ro lớn sau phát ngôn về Đài Loan của ông Abe.
Nguồn tin nói rằng Nhật Bản rất tức giận vì cuộc họp giữa bà Hoa với ông Tarumi được công khai, mặc dù phía Nhật đã yêu cầu Bắc Kinh không làm như vậy, và gửi tín hiệu rằng Nhật đang xem xét hủy một số cuộc đối thoại cấp độ làm việc.
Wang Xinsheng – Giáo sư nghiên cứu về Nhật Bản tại ĐH Peking – nói rằng sự áp đảo của các chính trị gia bảo thủ ở Nhật Bản đồng nghĩa với việc nước này sẽ còn tiếp tục quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.
“Rất có khả năng ông Abe sẽ thúc đẩy ông Kishida tiếp tục đường hướng chính sách của ông ta trong việc đối đầu với Trung Quốc. Những tiếng nói hoài nghi về Trung Quốc cũng trở thành sự đồng thuận ở Nhật Bản. Bởi vậy, điều mà ông Abe đã nói mang nhiều sức nặng hơn so với mô tả của chính phủ Nhật Bản” – ông Wang nói – “Quan hệ Trung-Nhật rất có thể sẽ trở nên xấu đi một lần nữa trong vòng 5 năm tới. Và Đài Loan sẽ trở thành điểm nóng lớn nhất nếu như Trung Quốc thực thi kế hoạch giành lại Đài Loan.”