Trung Quốc lần đầu thừa nhận nhà máy hạt nhân gặp sự cố
Chính phủ Trung Quốc ngày 16-6 cho biết nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn gần Hồng Kông có 5 thanh nhiên liệu bị vỡ nhưng không gây rò rỉ phóng xạ.
Theo AP, đây là lần đầu tiên Bắc Kinh thừa nhận sự cố trên.
Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc cho biết trên tài khoản mạng xã hội rằng bức xạ phát ra bên trong lò phản ứng số 1 của nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn ở tỉnh Quảng Đông nhưng đã được ngăn chặn.
"5 trong số 60.000 thanh nhiên liệu của lò phản ứng đã bị hư hỏng. Không xảy ra rò rỉ phóng xạ ra môi trường. Bức xạ trong chất làm mát lò phản ứng tăng lên nhưng vẫn nằm trong phạm vi cho phép" - Bộ này khẳng định.
Chính quyền Hồng Kông tuyên bố họ đang theo dõi tình hình và yêu cầu các quan chức ở Quảng Đông cung cấp thông tin chi tiết.
Trước đó, đồng sở hữu nhà máy Đài Sơn, công ty mẹ của Framatome, Electricite de France SA (EDF - Pháp), hôm 14-6 cảnh báo “lượng khí hiếm” tăng lên trong lò phản ứng tại nhà máy này. Đài CNN đưa tin Framatome sau đó gửi thư yêu cầu Bộ Năng lượng Mỹ hỗ trợ.
Các chuyên gia cho rằng các thanh nhiên liệu bị vỡ, làm rò rỉ khí phóng xạ sinh ra trong quá trình phân hạch hạt nhân. Một số khí hiếm như xenon và krypton là sản phẩm phụ của quá trình phân hạch cùng với các hạt cesium, strontium và các nguyên tố phóng xạ khác.
Nhà máy Đài Sơn đi vào hoạt động từ tháng 12-2018. Lò phản ứng thứ hai bắt đầu hoạt động vào tháng 9-2019.
Tổng công ty Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) sở hữu 51% cổ phần trong liên doanh Đài Sơn. Công ty mẹ của Framatome, Electricite de France SA (EDF), nắm 30% cổ phần, còn lại thuộc về Công ty tiện ích Yuedian (Trung Quốc) ở tỉnh Quảng Đông.
Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, Trung Quốc hiện có 50 lò phản ứng có thể hoạt động và đang xây dựng thêm 18 lò nữa. Nước này xây dựng các lò phản ứng dựa trên công nghệ của Pháp, Mỹ, Nga và Canada. Các công ty quốc doanh cũng đã phát triển lò phản ứng của riêng họ và đang tiếp thị ra nước ngoài.