Trung Quốc lần đầu vượt Mỹ về số kỳ lân khởi nghiệp

Lần đầu tiên Trung Quốc vượt Mỹ vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng những nước có số lượng kỳ lân khởi nghiệp (các công ty khởi nghiệp được định giá từ 1 tỉ đô la trở lên) nhiều nhất thế giới. Song thị trường khởi nghiệp của nước này đang nhuốm màu ảm đạm khi giới đầu tư lo ngại về các mức định giá quá cao cho các kỳ lân.

 10 nước có số kỳ lân khởi nghiệp nhiều nhất thế giới, theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hồ Nhuận. Ảnh: Quartz

10 nước có số kỳ lân khởi nghiệp nhiều nhất thế giới, theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hồ Nhuận. Ảnh: Quartz

Hôm 21-10, Viện Nghiên cứu Hồ Nhuận, có trụ sở tại Thượng Hải, đã công bố danh sách 494 kỳ lân khởi nghiệp trên toàn cầu. Trung Quốc và Mỹ lần lượt đứng ở vị trí thứ nhất và thứ hai về số lượng.

Các kỳ lân khởi nghiệp này hiện diện ở 118 thành phố tại 24 nước trên thế giới và có mức định giá tổng cộng 1.700 tỉ đô la.

Theo danh sách kỳ này, tính đến ngày 30-6, Trung Quốc có 206 công ty và đứng ngay sau đó là Mỹ với 203 công ty. Ấn Độ xếp thứ ba với 21 công ty. Anh và Đức lần lượt đóng góp 13 và 7 công ty.

“Trung Quốc và Mỹ thống lĩnh hơn 80% kỳ lân khởi nghiệp trên toàn thế giới dù hai nước này chỉ chiếm 50% GDP toàn cầu và 25% dân số thế giới. Phần còn lại của thế giới cần thức tỉnh để tạo ra môi trường cho phép các kỳ lân khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ”, Rupert Hoogewerf, Chủ tịch kiêm Giám đốc nghiên cứu Hồ Nhuận, cho biết.

Có tổng cộng 192 kỳ lân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ tài chính; 118 kỳ lân liên quan đến các lĩnh vực điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và logistics.

“Đây là những lĩnh vực đang tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ cho nền kinh tế thế giới, giúp phát động cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Không ngạc nhiên khi phần lớn tài năng trẻ hàng đầu thế giới muốn làm việc trong các lĩnh vực này”, Hoogewerf nói.

Ba kỳ lân được định giá cao nhất trong danh sách đều thuộc về Trung Quốc gồm Công ty dịch vụ tài chính Ant Financial của Alibaba, Công ty công nghệ Internet ByteDance (chủ sở hữu ứng dụng TikTok) và hãng gọi xe Didi Chuxing với mức định giá tổng cộng 280 tỉ đô la.

Các kỳ lân được định giá cao nhất của Mỹ bao gồm Công ty phân mềm Infor (50 tỉ đô la) và Công ty sản xuất thuốc lá điện tử JUUL Labs (48 tỉ đô la).

Bắc Kinh là nơi tập trung đông đảo kỳ lân nhất với 82 công ty, tiếp theo là San Francisco (55), Thượng Hải (47), New York (25) và Hàng Châu (19). Nếu xét theo vùng, Thung lũng Silicon ở bang California là nơi hiện diện hàng đầu của các kỳ lân với 102 công ty.

Danh sách trên cho thấy Trung Quốc nỗ lực thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong cuộc chạy đua phát triển những công ty sáng tạo dù cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ đã khiến nhiều công ty khởi nghiệp ở nước này bị đưa vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ.

“Quy mô và sự đa dạng của các công ty công nghệ Trung Quốc là đáng kể và họ dễ dàng cạnh tranh ngang ngửa với những công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon. Thách thức hiện nay là liệu cơn bùng nổ của các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Trung Quốc có bền vững hay không, đặc biệt khi nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với một số khó khăn gay gắt nhất”, Paul Haswell, đối tác chuyên tư vấn cho các công ty công nghệ ở hãng luật quốc tế Pinsent Masons, nhận định.

 Trong số 10 kỳ lân khởi nghiệp có mức định giá cao nhất thế giới, Công ty dịch vụ tài chính Ant Financial (Trung Quốc) dẫn dầu với mức định giá 150 tỉ đô la. Ảnh: Financial Express

Trong số 10 kỳ lân khởi nghiệp có mức định giá cao nhất thế giới, Công ty dịch vụ tài chính Ant Financial (Trung Quốc) dẫn dầu với mức định giá 150 tỉ đô la. Ảnh: Financial Express

Công ty công nghệ Hikvision(Trung Quốc), nhà cung cấp lớn nhất thế giới về các hệ thống giám sát bằng video gần đây cảnh báo công ty có thể mất các khách hàng và các cơ hội kinh doanh sau khi bị Washington đưa vào danh sách đen, khiến công ty không thể mua các mặt hàng công nghệ của Mỹ.

Các thương vụ đầu tư mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp của Trung Quốc cũng giảm mạnh trong thời gian gần đây vì giới đầu tư lo ngại diễn biến đàm phán thương mại khó đoán giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như các mức định giá quá cao.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Preqin, trong quí 2-2019, giá trị các thương vụ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở Trung Quốc giảm 77% so với cùng kỳ năm ngoái, về mức chỉ còn 9,4 tỉ đô la, trong khi đó số thương vụ đầu tư cũng giảm gần một nửa, xuống còn 692 thương vụ.

“Ngoại trừ một số thương vụ lớn, hoạt động đầu tư vào các kỳ lân khởi nghiệp của Trung Quốc chủ yếu dựa vào các nhà đầu tư bản địa. Nhưng khi mà các nhà đầu tư Trung Quốc cũng chùn tay, chúng ta có thể thấy triển vọng cho các kỳ lân khởi nghiệp tiềm năng sẽ càng khó khăn hơn”, Paul Haswell nói.

Công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital (Mỹ) được xếp hạng là nhà đầu tư lớn nhất vào các kỳ lân khởi nghiệp với 92 kỳ lân nằm trong danh mục đầu tư của công ty này. Công ty công nghệ Tencent (Trung Quốc) và Tập đoàn đầu tư SoftBank (Nhật Bản) đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba khi đầu tư vào lần lượt 46 và 42 kỳ lân khởi nghiệp.

Theo South China Morning Post

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/295872/trung-quoc-lan-dau-vuot-my-ve-so-ky-lan-khoi-nghiep.html