Trung Quốc lắp tua bin khổng lồ cho nhà máy thủy điện ở Tây Tạng
Trung Quốc đã sẵn sàng lắp đặt tua bin kích thước khổng lồ, nặng tới 80 tấn tại nhà máy thủy điện Datang Zala ở khu tự trị Tây Tạng.

Chiếc tua bin khổng lồ nặng 80 tấn do Trung Quốc tự sản xuất. Ảnh: Xinhua
Tua bin do Trung Quốc tự sản xuất, có công suất tối đa 500 megawatt, là công suất một đơn vị lớn nhất thế giới. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đưa tin, dự kiến có tổng cộng 2 tua bin loại này được lắp đặt tại nhà máy thủy điện.
Sau bốn năm thiết kế và thử nghiệm, tua bin này đã rời nhà máy thuộc công ty Máy móc Điện Harbin ở Đông Bắc Trung Quốc vào ngày 2/7. Nhà máy Thủy điện Datang Zala nằm trên sông Yuqu, một nhánh của sông Nu, chảy từ Tây Nam Trung Quốc qua tỉnh Vân Nam đến miền Đông Myanmar và đổ vào Biển Andaman.
Tua bin được làm bằng thép martensitic, loại thép không gỉ bền, cứng và sở hữu khả năng chống ăn mòn. Nó có đường kính ngoài 6,23 mét. Theo tờ Science and Technology Daily (Trung Quốc), tuabin này là "trái tim" của tổ máy thủy điện.
Science and Technology Daily đánh giá: "Bánh xe dạng gàu của tuabin là bộ phận lõi của tổ máy. Nó đóng vai trò then chốt trong việc chuyển đổi động năng dòng nước thành năng lượng cơ học”.
Vào tháng 1, Science and Technology Daily đưa tin rằng tuabin mới có thể cải thiện hiệu quả phát điện tại nhà máy thủy điện, nơi khoảng cách giữa mực nước trong hồ chứa và tuabin là 671 mét.
Ông Tao Xingming, một lãnh đạo tại công ty Máy móc Điện Harbin, nhận định rằng bước đột phá về công nghệ sẽ nâng hiệu suất phát điện từ 91 lên 92,6%. Ông bổ sung: "Đối với một tổ máy 500 megawatt hoạt động 24 giờ/ngày, việc tăng hiệu suất 1,6% sẽ đồng nghĩa với việc tạo ra thêm 190.000 kilowatt-giờ điện mỗi ngày”.
Hãng thông tấn Xinhua (Trung Quốc) đưa tin rằng nhà máy thủy điện Datang Zala dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2028. Trung Quốc đã đẩy mạnh nỗ lực xây dựng đập thủy điện kể từ năm 2020, nhằm đạt được mục tiêu của Bắc Kinh là trung hòa carbon vào năm 2060.