'Trung Quốc lập ủy ban bí mật để tự chủ công nghệ'
Trung Quốc được cho là đang âm thầm đẩy nhanh kế hoạch tự chủ công nghệ nhằm sớm thay thế nguồn cung từ Mỹ và nước ngoài.
Hãng tin Bloomberg, dẫn các nguồn tin thân cận, tiết lộ Trung Quốc đang trao quyền cho một ủy ban bí mật, có chức năng xem xét và phê duyệt các nhà cung cấp trong nước trong những lĩnh vực nhạy cảm như điện toán đám mây hay chất bán dẫn.
Được thành lập năm 2016, Ủy ban Công tác Đổi mới Ứng dụng Công nghệ Thông tin (ITAIWC) hiện có nhiệm vụ hỗ trợ thiết lập các tiêu chuẩn ngành và đào tạo nhân sự để vận hành các phần mềm đáng tin cậy. Cơ quan này sẽ đề xuất và thực hiện kế hoạch “đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin”, hay còn được gọi là “Xinchuang” trong tiếng Trung Quốc.
ITAIWC sẽ lựa chọn những đơn vị được lên kế hoạch cung cấp công nghệ cho các lĩnh vực nhạy cảm, từ ngân hàng cho đến các trung tâm lưu trữ dữ liệu của chính phủ. Theo ước tính từ Bloomberg, đây là một thị trường với giá trị có thể đạt tới 125 tỷ USD vào năm 2025.
Đòn bẩy cho việc tự chủ công nghệ
Cho đến nay, 1.800 nhà cung cấp máy tính cá nhân, chip, mạng và phần mềm Trung Quốc đã được mời tham gia ITAIWC. Ủy ban này đã chứng nhận tư cách thành viên đối với hàng trăm công ty địa phương trong năm nay, điều chưa từng có trong suốt nhiều năm qua.
Sự tồn tại của “danh sách trắng Xinchuang” được nhận định sẽ tạo thêm đòn bẩy cho Bắc Kinh trong việc thay thế các công ty công nghệ nước ngoài trong nhiều lĩnh vực nhạy cảm. Chúng cũng giúp các công ty trong nước đạt được khả năng tự chủ về công nghệ, và sớm thoát khỏi các lệnh trừng phạt mà chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng áp đặt trong các lĩnh vực như mạng và chip.
Dan Wang, chuyên gia phân tích công nghệ tại Gavekal Dragonomics, cho hay: “Trung Quốc đang cố gắng phát triển các công nghệ “cây nhà lá vườn”. Nỗ lực này ngày càng nghiêm túc hơn khi nhiều công ty trong nước hiện có chung mục tiêu này, vì không ai có thể chắc chắn rằng các công nghệ của Mỹ có thể tránh được các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ”.
Theo Bloomberg, việc thúc đẩy thay thế các nhà cung cấp nước ngoài còn là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Bắc Kinh nhằm kiểm soát ngành công nghệ đang phát triển mạnh mẽ của mình, bao gồm cả vấn đề bảo mật dữ liệu.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ Trung Quốc cũng tăng cường giám sát dữ liệu trong các ngành công nghiệp và viễn thông, đồng thời đề xuất các quy định mới nhằm yêu cầu các dữ liệu quan trọng phải được lưu trữ trong nước.
Trong một báo cáo hồi tháng 7, công ty nghiên cứu iResearch có trụ sở tại Thượng Hải cho biết: “Danh sách đen (của Mỹ) trong lĩnh vực công nghệ nhấn mạnh sự cấp thiết đối với Trung Quốc trong việc đầu tư nhiều hơn vào đổi mới công nghệ và có những công nghệ quan trọng được sản xuất trong nước”.
Mở cánh cửa vào thị trường 'tỷ đô'
Dù có rất ít thông tin được tiết lộ về ITAIWC, song theo một số nguồn tin, các nhà cung cấp nước ngoài hay bất kỳ công ty trong nước nào sở hữu trên 25% vốn nước ngoài sẽ bị loại khỏi ủy ban. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn đối với các startup công nghệ của Trung Quốc chủ yếu được tài trợ bởi đầu tư nước ngoài.
Alibaba và Tencent, hai nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nhất nước này, đã cố gắng “lách luật” bằng cách đăng ký thành viên thông qua những công ty con được hợp nhất.
Theo số liệu từ theo công ty điện toán đám mây Netis, tính đến tháng 7/2020, ITAIWC có khoảng 1.160 thành viên. Một số công ty nổi bật khác được cho là thành viên của ủy ban còn có nhà sản xuất CPU Loongson có trụ sở tại Bắc Kinh, nhà sản xuất máy chủ Inspur, nhà phát triển hệ điều hành Standard Software cùng công ty bảo mật thông tin Westone.
Tư cách thành viên ITAIWC có thể mang lại cho các nhà cung cấp Trung Quốc một lợi thế quan trọng để công nghệ của họ có thể được phê chuẩn theo kế hoạch của ủy ban, từ đó mở ra cơ hội tiếp cận với thị trường tỷ đô.
Theo một báo cáo do Hiệp hội Công nghiệp phần mềm Trung Quốc làm đồng tác giả, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp liên quan đến ITAIWC đã tạo ra doanh thu lên tới 162 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 25 tỷ USD) vào năm ngoái, và đang trên đà đạt tới gần 800 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2025.
“Xinchuang không thể được xây dựng chỉ trong một ngày, mà đó là một chiến lược dài hạn giúp Trung Quốc phát triển nền công nghệ thông tin của riêng mình”, iResearch ghi nhận.