Trung Quốc mở cửa biên giới, tín hiệu vui đối với du lịch Việt Nam
Trung Quốc chính thức mở cửa biên giới từ ngày 8/1 là cơ hội cũng như tín hiệu vui đối với du lịch Việt Nam trong đó kỳ vọng sẽ giúp ổn định dòng khách quốc tế.
Trung Quốc luôn là nguồn khách du lịch quốc tế quan trọng với khu vực châu Á và thế giới. Lượng người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài tăng từ 10,5 triệu lượt (năm 2000) lên 150 triệu lượt (năm 2018). Mức tăng trưởng bình quân đạt 16%/năm.
Khách du lịch Trung Quốc có mức chi tiêu bình quân chuyến đi cao, đạt 1.850 USD/chuyến đi. Với mức chi tiêu này, Trung Quốc nằm trong nhóm đầu các nước nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau Australia (3.370 USD/chuyến) và Singapore (2.440 USD/chuyến).
Thời điểm trước dịch năm 2019, trong số 18 triệu khách quốc tế đến Việt Nam, có tới khoảng 6 triệu khách Trung Quốc. Chỉ riêng các tỉnh miền Trung, mỗi ngày có thể đón khoảng 50 - 70 chuyến charter (chuyến bay thuê trọn gói theo nhu cầu của du khách) để đưa khách Trung Quốc tới.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Việt Nam, đối với Việt Nam, thị trường khách Trung Quốc luôn chiếm tỉ lệ 28-30% trong tổng lượng khách quốc tế đến. Năm 2017, Việt Nam đón hơn 4 triệu lượt khách Trung Quốc trong tổng số gần 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 48,6% so với năm 2016.
Các địa bàn đón khách Trung Quốc chủ yếu là Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... Tại Khánh Hòa, lượng khách Trung Quốc chiếm tới 60% tổng lượng khách quốc tế đến, còn tại Đà Nẵng và Quảng Ninh lần lượt là 30% và 20%.
Trung Quốc là thị trường lớn của du lịch Việt Nam, tuy nhiên, gần 3 năm dịch Covid-19 việc thiếu vắng khách Trung Quốc đã để lại khoảng trống khó lấp cho thị trường du lịch Việt Nam. Vì thế, ngay khi biên giới mở cửa, các đường bay thương mại được nối lại, sẽ là cơ hội cho nhiều địa phương vốn là điểm đến ưa thích của khách du lịch Trung Quốc nhanh chóng phục hồi thị trường du lịch.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - ông Vũ Thế Bình cho biết, toàn ngành du lịch đang vui mừng và đây chính là tín hiệu giúp ổn định dòng khách quốc tế. Bởi lẽ, Trung Quốc luôn luôn là thị trường khách lớn của Việt Nam và nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Hiện nhiều địa phương, doanh nghiệp đã nhanh chóng lên kế hoạch đón dòng khách này. Trong đó, Khánh Hòa là địa phương đầu tiên triển khai chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế sau dịch Covid-19, vì thế Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết, với kinh nghiệm địa phương đã có, trang thiết bị, hạ tầng cũng chuẩn bị sẵn sàng nên Nha Trang - Khánh Hòa tự tin cho việc đón số lượng lớn khách quốc tế trong năm 2023, trong đó có khách Trung Quốc.
Để chuẩn bị cho giai đoạn đón khách quốc tế mới, Sở Du lịch Khánh Hòa đã có văn bản gửi các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch về việc Trung Quốc thông báo điều chỉnh chính sách phòng chống dịch và xuất nhập cảnh để các đơn vị chủ động thực hiện. “Chúng tôi không chủ quan, sở vẫn lưu ý các doanh nghiệp du lịch thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn”- bà Thanh cho hay.
Năm 2019, khách Trung Quốc tới Quảng Ninh đạt gần 1,5 triệu lượt trong tổng số hơn 5,8 triệu lượt (chiếm 32,7% tổng khách quốc tế) của cả nước. Để đón dòng khách từ Trung Quốc, Ủy ban Nhân dân thành phố Móng Cái đã có văn bản gửi các khu, điểm, cơ sở kinh doanh du lịch và Câu lạc bộ lữ hành 5328 Móng Cái về việc chuẩn bị đón khách du lịch dịp Tết Nguyên đán và khi Cửa khẩu quốc tế Móng Cái mở lại hoạt động xuất nhập cảnh cho du khách.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ lữ hành 5328 Móng Cái - bà Vũ Thị Hương Giang thông tin, các đơn vị hoạt động du lịch trong câu lạc bộ vẫn duy trì hoạt động trong suốt quá trình bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Câu lạc bộ đang chỉ đạo các đơn vị lữ hành rà soát lại nhân sự có kế hoạch bổ sung kịp thời, chuẩn bị đáp ứng điều kiện khách quốc tế quay trở lại Móng Cái qua cửa khẩu. Đối với các cơ sở ăn uống và lưu trú vẫn hoạt động thường xuyên đón dòng khách nội địa và Câu lạc bộ đang rà soát lại cũng như sẽ có kế hoạch chi tiết nhất để phục vụ đón khách quốc tế từ bên kia cửa khẩu.
Một số nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng bày tỏ vui mừng khi có thể sắp đón khách Trung Quốc trở lại. Trong đó, Công ty Du lịch Vietravel Hà Nội đang hoàn thành khâu chuẩn bị đón những vị khách Trung Quốc ngay từ tháng 1 thông qua làm việc với các nhà hàng, khách sạn để thông báo cho họ về việc thị trường Trung Quốc sẽ quay trở lại để có sự chuẩn bị về dịch vụ nhà hàng, khách sạn, vận chuyển.
Còn Vietravel Quảng Ninh cũng đã sẵn sàng và có kế hoạch đón nguồn khách Trung Quốc đến với Quảng Ninh. Bên cạnh một số sản phẩm truyền thống, đơn vị này cũng xây dựng một số sản phẩm mới lạ hơn, như tour ghép đưa du khách tới trải nghiệm "sống lưng khủng long" ở huyện Bình Liêu, tour phố đêm du thuyền.
Xác định Trung Quốc là thị trường trọng điểm, Giám đốc kinh doanh tập đoàn Paradise Vietnam Cao Anh Tuấn cho hay, ngay từ trong giai đoạn dịch, Paradise Vietnam đã tích cực duy trì quan hệ hợp tác, cập nhật thông tin với các đối tác du lịch chuyên thị trường nói tiếng Trung để sẵn sàng đón dòng khách này khi Trung Quốc mở cửa du lịch.
Nhằm phục hồi thị trường khách du lịch Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần sẵn sàng chuẩn bị nguồn lực, nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ, marketing sao cho hiệu quả nhất. Trong đó, khách Trung Quốc có đặc thù là thích du lịch ở những điểm nghỉ dưỡng có phong cảnh đẹp và ăn hải sản… Việt Nam. Tuy nhiên, sau dịch, nhu cầu của du khách có sự thay đổi như không đi đoàn lớn nên các doanh nghiệp cần quan tâm để điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp.
Theo Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, dù đã mở cửa biên giới cho phép người dân đi du lịch nhưng dự báo Trung Quốc sẽ vẫn thận trọng trong phòng chống dịch. Vì vậy, các cơ quan quản lý về du lịch phải luôn bám sát thông tin độ mở cửa thị trường Trung Quốc. Đồng thời phải có sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để thông tin thông suốt, đồng bộ, chính xác, giúp các doanh nghiệp có những bước đi đúng.
Ngoài ra, ông Vũ Thế Bình lưu ý, các doanh nghiệp cần xây dựng sản phẩm chất lượng, đảm bảo lợi ích hài hòa cho các bên. "Chúng ta cần có sự đánh giá những việc trước kia chưa làm việc tốt thì dịp này cải tiến, nâng cấp để thị trường bền vững, hiệu quả hơn. Nên tránh chạy theo số lượng với các tour giá rẻ, giá nào cũng làm" - ông Vũ Thế Bình nói.
Trung Quốc mở lại du lịch là một tín hiệu rất đáng mừng đối du lịch Việt Nam, tuy nhiên, sau đại dịch, rất nhiều biến động khó phán đoán. Vì thế, không ít ý kiến cho rằng chúng ta cũng chưa thể lạc quan sớm về sự phục hồi của thị trường tiềm năng này, mà phải chờ ít nhất trong 6 tháng đầu năm 2023 mới có thể khởi sắc.