Trung Quốc 'mở cửa' tour đoàn: Việt Nam sẵn sàng đón khách
Để đón những đoàn khách Trung Quốc chính thức trở lại, các đơn vị lữ hành cùng nhiều địa phương của Việt Nam đang 'chạy nước rút,' các hãng hàng không cũng rục rịch nối lại 'đường bay vàng.'
Những ngày đầu tháng Ba, không khí ở các đơn vị lữ hành, dịch vụ kinh doanh du lịch nhộn nhịp, tất bật hơn hẳn nhờ thông tin chính phủ Trung Quốc quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt II (từ ngày 15/3).
Vậy là sau gần ba năm “đóng cửa,” cuối cùng thị trường khách lớn nhất thế giới cũng chính thức trở lại Việt Nam với những đoàn có quy mô lớn. Không chỉ các đơn vị lữ hành, nhiều địa phương “chạy nước rút” để sẵn sàng đón khách, mà các hãng hàng không cũng đang rục rịch nối lại “đường bay vàng.”
Các địa phương sẵn sàng
Trước đại dịch COVID-19 xảy ra, khách Trung Quốc thích ghé thăm nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Cam Ranh, Hạ Long, Sa Pa, Đà Nẵng, Hội An, Bình Thuận, Mũi Né, Phú Quốc và Đà Lạt khi đặt chân đến Việt Nam.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, tại Khánh Hòa, lượng khách Trung Quốc chiếm tới 60% tổng lượng khách quốc tế đến, còn Đà Nẵng và Quảng Ninh lần lượt chiếm 30% và 20%...
Tại hội thảo “Hợp tác Hàng không-Du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu” diễn ra mới đây, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết để đón khách Trung Quốc, doanh nghiệp du lịch địa phương đã chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn, hướng đến việc lựa chọn dòng khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Hiện ngành du lịch Khánh Hòa đã sẵn sàng đón, phục vụ du khách láng giềng trở lại.
Các cơ quan quản lý địa phương cũng tích cực phối hợp với doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch đồng thời tổ chức quảng bá các chương trình thăm quan, sản phẩm mới như tour hoàng hôn trên vịnh Nha Trang, tour khám phá Khánh Sơn-Khánh Vĩnh, tour tìm hiểu về cuộc đời bác sỹ Yersin… hay sản phẩm mới như show diễn nghệ thuật Rối Mơ - Life Puppets sẽ ra mắt vào tháng Tư tới.
Cũng trong tâm thế sẵn sàng đón khách như tỉnh bạn, ông Cao Trí Dũng-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho hay hiện nay việc đón khách Trung Quốc trở lại đã không còn khó khăn, bởi sau các cuộc họp của chính phủ với ngành du lịch, mọi vướng mắc đã được tháo gỡ. “Nếu du khách Trung Quốc không quay lại thì đó mới là khó khăn thật sự,” ông Dũng nhận định.
Vốn là một trong những địa phương thu hút lượng lớn khách Trung Quốc, tỉnh Quảng Ninh thời điểm này đã chuẩn bị nguồn nhân lực, các cơ sở lưu trú, mua sắm, nâng cấp nhà hàng, khách sạn, điểm thăm quan cũng như sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp du lịch Trung Quốc đón khách đến…
Lữ hành vào guồng
Việt Nam-Trung Quốc dù có nhiều lợi thế, như gần gũi về địa lý, văn hóa… nhưng các chuyên gia trong ngành lo ngại rằng việc “mở cửa” trở lại tới đây của nước bạn chưa thể giúp khôi phục thị trường ngay, mà trước mắt các doanh nghiệp du lịch, hàng không cần xây dựng sản phẩm, đào tạo lại nhân sự để phát triển bền vững trong tương lai.
Sau ba năm “thất nghiệp,” bà Vũ Nam Phương, Giám đốc Công ty PNTrip - đơn vị chuyên thị trường Trung Quốc, cho hay những ngày này bà gần như mất ngủ bởi hàng loạt giao dịch với các đối tác trước “giờ G.”
Gương mặt phờ phạc vì quá tải công việc nhưng bà Phương phấn khởi cho biết: “Trong tháng Hai, PNTrip đã kết nối được 10 hợp tác thương mại và đảm bảo cung cấp dịch vụ visa siêu nhanh cho các doanh nghiệp muốn kết nối với thị trường Trung Quốc.”
Với những CEO như bà Nam Phương, một “cánh cửa” tươi sáng đang mở ra để khép lại quãng thời gian phải lăn lộn, thử sức với đủ nghề, để đam mê với nghiệp “mang niềm vui đến cho mọi người” lại được tiếp tục.
Tuy nhiên, cũng giống như xu hướng thay đổi hậu đại dịch thế giới, sau 3 năm “cố thủ,” giờ đây nhu cầu của khách Trung Quốc đã có rất nhiều thay đổi. Trong khi đó, “bão tan” cũng là lúc các đơn vị chuyên phục vụ dòng khách này phải đối diện và khắc phục thực trạng chất lượng dịch vụ xuống cấp, nguồn nhân lực hạn chế…
Đại diện một số đơn vị lữ hành cho hay đang gấp rút tìm kiếm nguồn nhân lực chuyên phục vụ du khách Trung Quốc, nhất là hướng dẫn viên tiếng Trung, sau 3 năm hầu hết đã sang làm việc ổn định ở các lĩnh vực khác… Doanh nghiệp cũng không ngừng tìm hiểu nhu cầu mới của khách để hoàn thiện sản phẩm du lịch, xúc tiến thương mại và tìm kiếm các điểm đến phù hợp trong bối cảnh mới.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, các điểm đến như phố người Hoa (quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh), hay các khu nghỉ dưỡng, trung tâm mua sắm… mang đậm sắc màu Trung Hoa được kết nối lại. Nhiều đơn vị lữ hành cũng chọn các sản phẩm như: Về Chợ Lớn xem múa lân; Lắng nghe hơi thở của rừng - khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Cần Giờ; Bình Chánh những điều chưa kể; Về đất thép Củ Chi…
Miền Bắc và miền Trung, lữ hành quan tâm tới các điểm đến di sản được kết nối với các khu nghỉ dưỡng mang tính “quần thể” (đầy đủ mọi dịch vụ từ lưu trú, ăn uống, vui chơi đến sòng bài…) – hình thức được khách Trung Quốc ưa thích. Ngoài ra, các danh lam thắng cảnh lịch sử, văn hóa, biển và miền núi… cũng được cơ cấu hợp lý để đưa vào lịch trình sản phẩm mới.
Những đường bay, cửa khẩu đường bộ dành cho du hí giữa hai quốc gia Việt-Trung sắp thông thoáng, Trung Quốc mở cửa du lịch giống như mảnh ghép còn khuyết nay được lắp hoàn chỉnh vào bức tranh phục hồi chung của du lịch quốc tế.
Các doanh nghiệp kỳ vọng đến quý II sẽ là thời điểm bùng nổ du lịch của khách Trung Quốc sau 3 năm người dân nước này không được xê dịch ra nước ngoài, góp phần làm sôi động trở lại và phục hồi một trong những thị trường khách quốc tế đến lớn nhất Việt Nam./.
Năm 2019, Vietnam Airlines phục vụ 8,1 triệu lượt khách giữa Trung Quốc và Việt Nam, chiếm 19% tổng lượng khách và nằm trong top 3 thị trường có số lượng khách lớn nhất của hãng.
Hàng không quốc gia cũng vừa công bố nối lại năm đường bay giữa hai nước từ tháng Ba và tháng Tư tới, với 9/10 đường bay tới Trung Quốc được khôi phục so với giai đoạn trước dịch. Hãng này kỳ vọng lượng khách bay giữa hai nước năm 2023 sẽ đạt khoảng 80% so với năm 2019.
Việt-Trung cũng là “đường bay vàng” của hãng VietJet. Tới đây, hãng này sẽ tiếp tục khai thác các đường bay Thành phố Hồ Chí Minh-Thâm Quyến, Hàng Châu, Thượng Hải, Tứ Xuyên, Vũ Hán với sáu chuyến bay/tuần.
Trong khi đó, Pacific Airlines khai thác các đường bay Hà Nội-Hàng Châu, Nam Ninh. Bamboo Airways đang khai thác đường bay Hà Nội-Thiên Tân với tần suất 1 chuyến/tuần.