Trung Quốc mong muốn xây dựng quan hệ đối tác lâu dài trong khu vực và bài học từ Nhật Bản
Trong bài viết mới đây trên Nikkei Asia, học giả Tomoo Kikuchi thuộc khoa Kinh tế (Đại học Hàn Quốc) và Rachel Lâm - nghiên cứu sinh tại Đại học Exeter của Anh nhận định, Trung Quốc cần cân nhắc bài học từ Nhật Bản trong việc xây dựng quan hệ đối tác lâu dài trong khu vực.
Cạnh tranh Trung-Nhật ở khu vực
Khi năm 2020 bị phủ bóng bởi sự hoành hành của đại dịch Covid-19, việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) gồm 15 thành viên vào tháng 11 là một bước phát triển tích cực. Các bên ký kết bao gồm 10 thành viên ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, chiếm khoảng 30% dân số, tổng sản phẩm quốc nội và thương mại thế giới.
Tuy nhiên, bất chấp những lợi ích kinh tế trước mắt, một số người đã chỉ trích RCEP vì không bao gồm các chương về quyền lao động, bảo vệ môi trường, dữ liệu xuyên biên giới hoặc kỷ luật thị trường đối với các doanh nghiệp nhà nước - những điều khoản được đưa vào trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - hiệp định do Nhật Bản dẫn đầu và được coi là đối trọng với RCEP.
Những lo ngại rằng Trung Quốc sẽ "cầm trịch" trong việc đặt ra các quy tắc RCEP và thống trị thương mại khu vực đã bất ngờ thay đổi khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh sẽ cân nhắc việc tham gia TPP tại Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 11.
Sau khi Tổng thống Donald Trump tiền nhiệm quyết định rút Mỹ khỏi TPP vào năm 2017, nhiều khả năng chính quyền ông Biden sẽ thực hiện các bước hướng tới việc tái gia nhập hiệp định với hy vọng rằng, một số đồng minh như Thái Lan, Hàn Quốc... có thể gia nhập theo. Một đồng minh truyền thống của Mỹ là Anh cũng chính thức gia nhập CPTPP vào ngày 1/2 vừa qua.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi nhấn mạnh rằng, bất kỳ thành viên mới nào cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định cao của CPTPP. Đây không được coi là chiến thuật chính trị để lôi kéo Mỹ tham gia đối phó với Trung Quốc, mà là cách Nhật Bản bảo vệ bản sắc sau Thế chiến II, thông qua việc duy trì các tiêu chuẩn khắt khe nhất về môi trường, lao động, sở hữu trí tuệ...
Bài học từ Nhật Bản cho Trung Quốc
Khi Trung Quốc ngày càng có tầm ảnh hưởng về mặt kinh tế và quân sự trên thế giới, sự bành trướng trong quá khứ của Nhật Bản và cũng như cách Tokyo sau đó xây dựng quan hệ "đôi bên cùng có lợi" với các nước thành viên ASEAN dựa trên các chuẩn mực quốc tế và nhà nước pháp quyền được coi là bài học cho Trung Quốc.
Sau Thế chiến thứ II, Nhật Bản bắt đầu thiết lập lại quan hệ với các nước châu Á vào năm 1951 với việc ký kết Hiệp ước Hòa bình San Francisco, sau đó là chi trả các khoản bồi thường cho Myanmar, Philippines, Indonesia... và cung cấp các khoản viện trợ không hoàn lại cho Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Malaysia và Singapore.
Tuy nhiên, sự mở rộng kinh tế của Nhật Bản trên toàn châu Á bị coi là chủ nghĩa đế quốc về mặt kinh tế, với đỉnh điểm là các cuộc biểu tình và bạo loạn nhằm vào xứ ở hoa anh đào ở Jakarta và Bangkok vào năm 1974 và kết thúc vào năm 1975. Điều này đã tạo ra một sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận của Nhật Bản đối với khu vực.
Năm 1977, Thủ tướng Nhật Bản Fukuda Takeo đã có chuyến công du các nước ASEAN và có bài phát biểu tại Manila, nêu rõ ba trụ cột chính sách đối ngoại chính của Nhật Bản, còn được gọi là “Học thuyết Fukuda”.
Trong Học thuyết Fukuda, Nhật Bản "từ chối vai trò của một cường quốc quân sự", "cố gắng hết sức để củng cố quan hệ tin cậy và tin cậy lẫn nhau dựa trên sự thấu hiểu chân thành với các nước" và "sẽ là đối tác bình đẳng của ASEAN cũng như quốc gia nước thành viên". Kể từ đó, Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn nhất và nhà đầu tư lớn nhất của ASEAN.
“Giấc mộng Trung Hoa” và thách thức với tham vọng của Trung Quốc
Trung Quốc hiện đang là nguồn nhập khẩu lớn nhất của ASEAN, và là đối thủ của Nhật Bản trong lĩnh vực đầu tư, với việc Bắc Kinh đang tìm cách khẳng định lại vị trí quốc gia trên bản đồ thế giới.
Khi Trung Quốc tiến tới thống trị về thương mại và công nghệ, những xung đột trong tương lai với Mỹ là việc không thể tránh khỏi. Điều mà Trung Quốc phải luôn lưu ý là Bắc Kinh chỉ có thể hiện thực hóa "Giấc mộng Trung Hoa" khi được thế giới ủng hộ.
Trung Quốc nên kết hợp sức mạnh cứng với tầm ảnh hưởng để duy trì sức mạnh tổng hợp quốc gia, không chỉ trên lĩnh vực quân sự, kinh tế, mà còn cả sức mạnh mềm.
Bên cạnh đó, Trung Quốc nên chú trọng tới những hành động với những vấn đề có tầm quan trọng sống còn, chẳng hạn như môi trường hay sức khỏe cộng đồng, để dễ dàng thuyết phục và có được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Vinh Quang
(theo Nikkei Asia)