Trung Quốc muốn điều khiển thời tiết để phòng chống thiên tai
Trung Quốc đã có kế hoạch khởi động dự án kiểm soát thời tiết trên 56% lãnh thổ đất nước vào năm 2025, theo Sputnik.
Theo South China Morning Post, từ lâu, Trung Quốc đã tìm cách kiểm soát thời tiết để phòng tránh thiên tai và để các sự kiện quan trọng, đơn cử như Thế vận hội mùa hè 2008, diễn ra được trọn vẹn.
Cụ thể, thời điểm Thế vận hội mùa hè 2008 diễn ra, chính quyền Bắc Kinh đã phóng 1.104 quả pháo cao xạ chứa Iodide bạc lên bầu trời, và thành công tạo ra mưa nhân tạo để làm bầu trời sạch sẽ khỏi sương khói.
12 năm kể từ sau kỳ Thế vận hội 2008, Trung Quốc vẫn tiếp tục mở rộng quy mô dự án kiểm soát thời tiết. Theo tờ Sputnik, chính quyền Trung Quốc đã có kế hoạch khởi động dự án kiểm soát thời tiết trên 56% lãnh thổ đất nước vào năm 2025.
Mục đích cho việc kiểm soát thời tiết này là để tăng sản lượng và phản ứng nhanh hơn với thiên tai. Chia sẻ với Sputnik, nhà nghiên cứu từ Viện Văn minh Sinh thái thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - Chen Ying cho biết công nghệ như vậy không nguy hiểm và không thể gây hại cho khí hậu toàn cầu.
Theo nhà nghiên cứu Chen Ying, để kiểm soát thời tiết, người ta sử dụng công nghệ 'gieo mây', có nguyên lý là phun Iodide bạc vào các đám mây.
"Mây là sản phẩm của sự ngưng tụ các giọt nước trong khí quyển. Khi hàm lượng nước của các đám mây đạt đến điều kiện thích hợp, chất iodide bạc được phun vào để làm các giọt nước này kết tinh và tăng lượng mưa.
Để làm được điều này, người ta sử dụng một loại đạn đặc biệt, lõi đi vào trong đám mây sẽ nổ ở đó và phun ra hóa chất", nhà nghiên cứu Chen Ying cho biết.
Mục tiêu của Trung Quốc là đến năm 2025 sẽ hoàn tất thiết lập một hệ thống kiểm soát thời tiết. Đây được xem là bước đột phá, làm nền tảng cho công cuộc nghiên cứu và phát triển nhiều công nghệ trọng điểm, giúp phòng chống toàn diện các rủi ro thiên tai.
"Gieo mưa nhân tạo là một hoạt động rất cục bộ. Nó không thể ảnh hưởng đến các quốc gia khác theo bất kỳ cách nào", nhà nghiên cứu Chen Ying khẳng định.
Phương pháp gieo mưa nhân tạo cũng được áp dụng tại Mỹ, nơi khoa học kỹ thuật phát triển vào năm 1946. Không chỉ Mỹ, nhiều nước trên thế giới đã thử nghiệm thành công mưa nhân tạo.