Trung Quốc nếm trái đắng từ chính sách một con
Sau 40 năm theo đuổi chính sách một con, người dân Trung Quốc ngày càng thờ ơ với hôn nhân và sinh con, bất chấp những nỗ lực khuyến khích sinh sản của chính phủ.
"Trong vòng 30 năm nữa, vấn nạn bùng nổ dân số đáng sợ hiện nay sẽ được giải quyết và sau đó chúng ta có thể áp dụng chính sách dân số khác", theo thông điệp mà nhà chức trách Trung Quốc gửi tới giới trẻ năm 1980.
Khi bắt đầu triển khai chính sách một con 40 năm trước, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tin rằng nếu tỷ lệ sinh giảm sâu quá mức, họ có thể đơn giản là đảo ngược quy định là giải quyết được vấn đề. Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược, theo Wall Street Journal.
Con dao hai lưỡi
Chính sách một con đã phát huy hiệu quả, tỷ lệ sinh tại Trung Quốc liên tục giảm trong hàng chục năm. Nhưng rồi Trung Quốc đối mặt một vấn nạn khác. Dù đã kết thúc từ 2016, chính sách một con đã tạo ra hậu quả ngày càng hiển hiện.
Số phụ nữ trong độ tuổi sinh nở của Trung Quốc liên tục suy giảm, trong khi thế hệ trẻ lớn lên là con một ngày càng ngần ngại trước lựa chọn kết hôn, lập gia đình.
Không chỉ vậy, tình trạng vô sinh tại Trung Quốc dường như nghiêm trọng hơn so với các quốc gia khác. Theo nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh, khoảng 18% cặp đôi Trung Quốc không có khả năng sinh nở, so với trung bình thế giới là 15%.
40 năm qua, chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi phụ nữ kết hôn muộn hơn để thu hẹp quy mô các gia đình. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc phụ nữ lên kế hoạch sinh con muộn hơn là một phần lý do dẫn đến tỷ lệ vô sinh cao ở Trung Quốc.
Một số chuyên gia cho rằng việc sử dụng các biện pháp phá thai trong 4 thập kỷ qua nhằm siết chặt tỷ lệ sinh nở cũng là một phần nguyên nhân.
Phá thai nhiều lần có những tác động tiêu cực lên cơ thể phụ nữ, một trong số đó là nguy cơ vô sinh, nhà nhân chủng học Ayo Wahlberg, tác giả một quyển sách nghiên cứu về nạn vô sinh ở Trung Quốc, cho biết.
Bốn thập niên kiểm soát tỷ lệ sinh nở cũng dẫn đến những nghĩa vụ tài chính nặng nề cho chính quyền các địa phương, cản trở các nỗ lực nhằm thúc đẩy sinh con hiện nay.
Sơn Đông được biết đến là tỉnh thực thi chính sách hạn chế sinh nở gắt gao nhất Trung Quốc. Một trong số các chiến dịch tai tiếng nhất có tên "100 ngày không có trẻ con" tiến hành ở thành phố Liêu Thành năm 1991. Đối tượng bị bắt buộc thực thi chính sách gồm cả những người sinh con đầu lòng.
Chính phủ Trung Quốc sau đó đã phải cấm việc thực hiện các biện pháp cưỡng ép quá tàn bạo như bắt giam, phá hoại tài sản người mang thai.
Hiện nay, Sơn Đông đang phải trả tiền bồi thường hoặc tiền trợ cấp cho hàng triệu cặp vợ chồng bị ảnh hưởng bởi chính sách một con, gồm những người về hưu không nơi nương tựa bởi con duy nhất của họ chết hoặc tật nguyền, hoặc những phụ nữ bị tổn thương bởi phá thai hoặc các biện pháp kiểm soát sinh nở khác.
Theo thống kê của Ủy ban Y tế Sơn Đông, số tiền bồi thường và trợ cấp nói trên lên đến 780 triệu USD, bằng hơn 20% ngân sách dành cho hạng mục chi tiêu công lớn nhất là giáo dục.
Già hóa nhanh hơn Nhật Bản
Năm 2020, tỷ lệ sinh tại Trung Quốc giảm 18% so với năm 2019. Dữ liệu trẻ sơ sinh sắp được công bố trong tháng 1 được dự đoán tiếp tục chứng kiến đà suy giảm trong năm 2021.
Tỷ lệ sinh của Trung Quốc, được tính bằng số trẻ mà một phụ nữ sinh trong suốt cuộc đời, đã liên tục giảm xuống dưới mức sinh thay thế kể từ đầu thập niên 1990. Năm 2020, tỷ lệ sinh của Trung Quốc là 1,3, thậm chí thấp hơn con số 1,34 của Nhật Bản.
Trung Quốc hiện có 536 trung tâm chữa trị vô sinh, tuy vậy đa phần tập trung ở các đô thị giàu có như Bắc Kinh và Thượng Hải. Chất lượng các trung tâm này cũng rất khác biệt tùy vào mức chi phí bỏ ra.
Ngày nay, các bệnh viện lớn của Trung Quốc đã bổ sung dịch vụ tư vấn sinh sản, điều trị vô sinh cho bệnh nhân, Trung Quốc cũng đang tìm cách đưa dịch vụ hỗ trợ sinh sản về các thành phố, quận huyện nhỏ hơn.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đặt mục tiêu mỗi trung tâm vô sinh hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm từ 2,3-3 triệu người cho đến năm 2025.
Xét trên toàn quốc, Trung Quốc không còn cách xa mục tiêu nói trên. Nhưng tại các tỉnh kém phát triển hơn, số trung tâm hỗ trợ sinh sản thấp hơn đáng kể so với trung bình và không đủ để đáp ứng nhu cầu của những gia đình hiếm muộn
Chi phí thụ tinh trong ống nghiệm cũng là một vấn đề. Trung bình, số tiền phải chi cho một chu trình thụ tinh ống nghiệm là khoảng 6.000 USD, khoảng 60% thu nhập trung bình năm của người Trung Quốc.
Chi phí điều trị vô sinh không được bảo hiểm công của Trung Quốc chi trả. Các cặp đôi nếu không may vô sinh sẽ phải tự túc chi phí điều trị và sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản khác.
Đâu là giải pháp?
Tư duy của người Trung Quốc về gia đình và sinh con đã thay đổi đáng kể trong vài thập kỷ qua bởi chính sách một con cũng như những biến đổi của điều kiện kinh tế, xã hội. Bởi vậy, những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm đảo ngược tình trạng già hóa dân số sẽ không dễ thay đổi tình thế.
Một số chuyên gia thậm chí nhận định dân số Trung Quốc đã trên đà suy giảm, sớm hơn nhiều so với dự đoán của chính phủ Trung Quốc.
Nhằm cải thiện tỷ lệ sinh, chính quyền một số địa phương đã hứa hẹn những chính sách hấp dẫn như thưởng tiền và kéo dài thời gian nghỉ thai sản. Nhưng một số chuyên gia cho rằng như vậy là chưa đủ.
James Liang, chuyên gia Đại học Bắc Kinh, nhận định Trung Quốc sẽ khó có thể ngăn chặn đà suy giảm của tỷ lệ sinh nếu không mạnh tay chi tiêu lớn hỗ trợ tài chính cho các gia đình nuôi con nhỏ.
"Tất cả là vấn đề tiền bạc", ông Liang nói.
Để nâng tỷ lệ sinh lên bằng mức sinh thay thế, chính phủ Trung Quốc cần hỗ trợ khoảng 160.000 USD cho mỗi đứa trẻ ra đời dưới các hình thức như tiền mặt, hoàn thuế, trợ cấp nhà ở và chi tiêu.
Wang Peian, cựu quan chức kế hoạch hóa gia đình của chính phủ Trung Quốc, kêu gọi giới trẻ hành xử có trách nhiệm hơn bằng cách kết hôn và sinh con.
"Chúng ta nên tập trung vào khía cạnh giá trị xã hội của việc sinh con", ông Wang nói.
Tại tỉnh Cát Lâm, một trong những địa phương có tỷ lệ sinh thấp nhất Trung Quốc, các ngân hàng địa phương tháng trước bắt đầu cung cấp hạn mức tín dụng lên đến 31.000 USD với lãi suất thấp cho các cặp đôi sinh con. Chính quyền Cát Lâm cho biết tình hình đã thay đổi và giờ là lúc cần "kích thích tiềm năng sinh sản" của người dân.
Tuy vậy, chính quyền Cát Lâm cho biết sẽ không trả lại các khoản tiền phạt mà người dân từng đóng trong quá khứ do vi phạm quy định kiểm soát sinh nở.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-quoc-nem-trai-dang-tu-chinh-sach-mot-con-post1287366.html