Trung Quốc, Nga giải quyết vấn đề Triều Tiên khi yếu tố Mỹ không chắc chắn
Trung Quốc và Nga đã báo hiệu mong muốn làm việc cùng nhau về các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh lập trường của Mỹ là không rõ ràng.
Ảnh: AFP
Bài liên quan
Trung Quốc cảnh báo Mỹ về một thỏa thuận thương mại với Đài Loan
Trung Quốc công bố vũ khí pháp lý mới nhằm trừng phạt Mỹ và phương Tây
WHO: Không thể ép Trung Quốc cung cấp thông tin nguồn gốc Covid-19
Một thông cáo do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố hôm thứ Ba (8/6) đã nêu chi tiết cuộc trò chuyện giữa Đại diện Đặc biệt về Các vấn đề Bán đảo Triều Tiên Lưu Hiểu Khánh và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov "để trao đổi quan điểm về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên".
Tuyên bố cho biết: “Công nhận sự hợp tác về vấn đề Bán đảo là một thành phần chính của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung-Nga trong kỷ nguyên mới. Ông Lưu tái khẳng định sự sẵn sàng của Trung Quốc trong việc tăng cường liên lạc và phối hợp với Nga trong một nỗ lực chung để duy trì hòa bình và ổn định trên Bán đảo và đóng những vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy giải quyết chính trị trên bán đảo".
Tuyên bố cũng cho biết: "Ông Morgulov cũng nhấn mạnh rằng lập trường của hai nước có tính nhất quán cao về việc hợp tác trong vấn đề Bán đảo. Ông bày tỏ sự sẵn sàng của nước mình trong việc tăng cường phối hợp và hợp tác với Trung Quốc thông qua các kênh song phương và đa phương để chuyển tình hình Bán đảo sang một hướng tích cực hơn".
Bộ Ngoại giao Nga cũng chia sẻ về cuộc gọi, trong đó hai bên được cho là đã "tái khẳng định quan điểm chung nhằm tăng cường hợp tác giữa Nga và Trung Quốc vì lợi ích của việc giải quyết toàn diện các vấn đề của bán đảo trên cơ sở các sáng kiến chung hiện có".
Cuộc trao đổi diễn ra chỉ hơn hai tuần sau khi ông Biden tiếp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Trắng trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên. Trong khi cả hai nhà lãnh đạo đều tìm cách nhấn mạnh lại mối quan hệ đồng minh lâu đời giữa các quốc gia, ông Moon đã kêu gọi ông Biden tiếp tục tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên hiện đang bị đóng băng.
Gần ba năm sau cuộc gặp lịch sử giữa ông Trump và ông Kim Jong Un, ông Biden đang đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng trong nước ảnh hưởng đến nền kinh tế, sức khỏe cộng đồng và xã hội dân sự, cũng như các vấn đề chính sách đối ngoại cấp bách liên quan đến Trung Quốc, Nga và Iran. Ông Biden đã ra dấu hiệu không muốn lao vào cuộc tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ.
Sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã đưa ra một tuyên bố chung, trong đó họ lưu ý rằng liên minh Mỹ-Hàn "đã được hình thành trên chiến trường, khi kề vai sát cánh trong chiến tranh" hơn 70 năm trước.
Ông Biden và ông Moon nhấn mạnh "cam kết chung của hai nước đối với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên và ý định chung trong việc giải quyết các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên".
Họ cũng kêu gọi thực hiện đầy đủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vốn bao gồm các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt và hạn chế thử tên lửa, điều đã bị Triều Tiên bác bỏ là bất hợp pháp.
Ông Moon hoan nghênh việc chính quyền ông Biden chấm dứt việc xem xét lại chính sách đối với Triều Tiên, mà nhà lãnh đạo Hàn Quốc coi là "cách tiếp cận thực tế và hiệu quả, cởi mở và sẽ khám phá ngoại giao với CHDCND Triều Tiên để đạt được tiến bộ rõ ràng."
Cả hai bên tái khẳng định "niềm tin chung rằng ngoại giao và đối thoại, dựa trên các cam kết liên Triều và Mỹ-Triều Tiên trước đây như Tuyên bố Panmunjom 2018 và Tuyên bố chung Singapore, là điều cần thiết để đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên".
Ông Biden cũng bày tỏ "sự ủng hộ của ông đối với đối thoại, cam kết và hợp tác liên Triều" trong tuyên bố và nhắc lại trong cuộc họp báo chung rằng ông cởi mở với quan hệ ngoại giao Mỹ-Triều Tiên, ngay cả ở cấp độ hội nghị thượng đỉnh, nhưng chỉ sau khi có được cam kết từ ông Kim Jong Un liên quan đến kho vũ khí hạt nhân của đất nước.
Phía ông Kim Jong Un cũng không mấy mặn mà với ý tưởng gặp ông Biden cho tới khi thấy được các hành động thực tế của việc giảm lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.