Trung Quốc: Người dân dè dặt chi tiêu bất chấp tín hiệu nới lỏng tiền tệ

Sau khi các ngân hàng Trung Quốc đồng loạt hạ lãi suất tiền gửi vào tuần trước, Miro Chen, nhân viên một công ty công nghệ tại miền Nam Trung Quốc đã mở cuộc thăm dò trên mạng xã hội với câu hỏi: Khi lãi suất giảm, bạn sẽ tiết kiệm hay chi tiêu?

Kết quả nghiêng hẳn về một phía: hơn 80% trong khoảng 5.000 người tham gia trả lời câu hỏi trên lựa chọn tiết kiệm, cho thấy một tín hiệu đáng lo ngại đối với các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực thúc đẩy nhu cầu trong nước và tăng trưởng kinh tế.

“Kết quả này cho thấy tâm lý lo ngại đang chiếm ưu thế”, Chen, 37 tuổi, chia sẻ. “Tôi không chắc công ty mình có thể trụ được bao lâu nữa”, anh nói thêm, giải thích lý do tại sao bản thân cũng ưu tiên tiết kiệm.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã nới lỏng chính sách tiền tệ vào tuần trước nhằm giảm thiểu tác động từ cuộc chiến thương mại với Mỹ. Ngày thứ Sáu, giới chức điều chỉnh trần lãi suất tiền gửi với mục tiêu giảm áp lực biên lợi nhuận thu hẹp cho hệ thống ngân hàng và khuyến khích người dân tiêu dùng hoặc đầu tư nhiều hơn.

Tuy nhiên, các đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp trong những năm gần đây vẫn không thể kìm hãm tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của tiền gửi hộ gia đình, càng làm dấy lên lo ngại về tác động tiêu cực từ mức lợi suất thấp kéo dài đối với tầng lớp tiêu dùng vốn có xu hướng tự xây dựng mạng lưới an sinh.

Theo dữ liệu chính thức, tính đến cuối tháng 3, tổng tiền gửi hộ gia đình tại Trung Quốc vượt mốc 160 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 22.300 tỷ USD), tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái và tương đương 118% GDP năm 2024. Trong khi đó, doanh số bán lẻ chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ trong quý I/2025.

“Lãi suất thấp có thể khiến thu nhập người dân tăng trưởng chậm lại”, Minxiong Liao, chuyên gia kinh tế cấp cao tại GlobalData.TS Lombard khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận định và cho rằng, người dân, đặc biệt là thế hệ sinh trong thập niên 1980, có xu hướng gia tăng tiết kiệm trong thập kỷ tới nhằm đảm bảo dòng tiền khi về hưu, trong bối cảnh kỳ vọng lãi suất duy trì ở mức thấp.

Tình trạng tiết kiệm gia tăng cũng bắt nguồn từ những lo ngại về an toàn việc làm trong một nền kinh tế tăng trưởng chậm và đối mặt với áp lực giảm phát, cũng như những rủi ro tài sản do khủng hoảng bất động sản kéo dài.

Các chuyên gia, bao gồm ông Liao, cho rằng: "Các chính sách hiệu quả nhất để kích thích tiêu dùng là cải thiện hệ thống hưu trí và phúc lợi xã hội, nhằm giảm nhu cầu tiết kiệm phòng thân trong dân chúng".

Trường hợp của Lawrence Pan, 30 tuổi, làm nghề tự do sau khi mất việc tiếp thị một năm trước, là ví dụ điển hình. Dù có thể tự đóng bảo hiểm xã hội, anh chọn không tham gia vì thiếu niềm tin vào hệ thống nhà nước. Theo Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, điều này có thể khiến cạn kiệt nguồn tài chính vào năm 2035.

Pan cho biết đang tiết kiệm khoảng 2/3 thu nhập vào tài khoản thanh toán. Anh không mặn mà với tiền gửi kỳ hạn do lãi suất quá thấp.

“Nếu lãi suất cao hơn, tôi sẽ cân bằng giữa tiết kiệm và chi tiêu. Một mức lãi cao cho thấy kinh tế đang khởi sắc và lúc đó tôi sẽ chi tiêu nhiều hơn”, Pan chia sẻ.

Tác dụng phụ của chính sách nới lỏng

Trung Quốc nhiều lần tuyên bố sẽ đưa tiêu dùng nội địa, hiện thấp hơn trung bình toàn cầu khoảng 20 điểm phần trăm GDP, trở thành động lực tăng trưởng chính. Năm ngoái, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu để đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%. Trong bối cảnh Mỹ gia tăng thuế quan, giới phân tích cho rằng việc tái cân bằng sang cầu nội địa càng trở nên cấp bách.

Tuy nhiên, lãi suất thấp lại có thể phản tác dụng. Ông Michael Pettis, chuyên gia tại Carnegie China nhận định: "Mức lãi suất thấp thực chất là hình thức chuyển giao nguồn lực từ các chủ thể tiết kiệm ròng, chủ yếu là hộ gia đình sang các chủ thể vay ròng như doanh nghiệp và chính phủ".

“Trong hệ thống tài chính như Trung Quốc hiện nay - tương tự Nhật Bản thập niên 1990 - lãi suất thực thấp dường như không kích thích tiêu dùng”, ông nói.

Và giống như Nhật Bản trước đây, tác dụng phụ lên khu vực đi vay đang ngày càng rõ rệt.

Bà Elisabeth Werenskiold, chuyên gia tại Fathom Consulting cảnh báo: "Chính sách tiền tệ nới lỏng có thể khiến nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào chi phí vay rẻ trong dài hạn, dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp zombie (xác ma)”.

Bà cho biết dòng tiền tại các ngành như xây dựng, hàng không, du lịch và dịch vụ máy tính hiện chỉ đủ chi trả chưa tới 5 tháng lãi vay, mức bà gọi là “vùng nguy hiểm”.

“Chính sách tiền tệ nới lỏng giống như thuốc giảm đau”, bà nói và thêm rằng: “Nó có thể làm dịu cơn đau, nhưng nếu không xử lý tận gốc vấn đề, bạn sẽ phải dùng thuốc mãi, từ đó làm tăng rủi ro tác dụng phụ”.

Tâm lý tiết kiệm thái quá trong dân chúng cũng có thể buộc nền kinh tế phải cắt giảm chi phí đồng loạt, từ đó đẩy nó vào vòng xoáy giảm phát.

Erin Yao, biên tập viên 32 tuổi, đã chuyển từ Bắc Kinh về Vũ Hán để tiết kiệm chi tiêu sau khi công ty cô chuyển hướng sang xuất bản sách giá rẻ. Lo ngại về triển vọng kinh tế khiến cô quyết định tích lũy đề phòng rủi ro.

“Phản ứng đầu tiên của tôi khi nghe tin lãi suất bị cắt giảm là: phải chăng kinh tế đã bước vào giai đoạn suy thoái”, Yao chia sẻ và thêm rằng: “Tôi sẽ không tiêu hết tiền để hưởng thụ hiện tại. Tôi muốn dành dụm trong trường hợp cha mẹ hoặc bản thân gặp vấn đề sức khỏe”.

Đại Hùng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/trung-quoc-nguoi-dan-de-dat-chi-tieu-bat-chap-tin-hieu-noi-long-tien-te-164879.html