Trung Quốc: Người đàn ông nhận án tử hình vì phóng hỏa giết vợ cũ
Người đàn ông phóng hỏa giết vợ cũ khi người phụ nữ đang livestream bị kết án tử hình hôm thứ Năm, kết thúc vụ án giết người tai tiếng ở Trung Quốc.
Phóng hỏa giết vợ cũ ngay trên livestream
Nạn nhân là Lhamo, 30 tuổi, một nông dân sống tại một quận tự trị Tây Tạng ở tỉnh Tứ Xuyên. Tháng 9/2020, Lhamo đang livestream trong nhà bếp thì một người đàn ông xông vào, đổ xăng lên người cô và châm lửa đốt. Hàng trăm người theo dõi qua livestream vào thời điểm đó nghe thấy tiếng hét của Lhamo, sau đó màn hình tối đen. Lhamo được đưa đến bệnh viện, mức bỏng đến 90% cơ thể, cô qua đời hai tuần sau đó.
Tang Lu, người đã phóng hỏa là chồng cũ của Lhamo, bị bắt ngay sau đó. Tại phiên tòa hôm thứ Năm (14/10), Tang bị kết tội giết người, bị kết án tử hình và phải bồi thường cho nạn nhân, theo đài truyền hình nhà nước CCTV. Tòa án nhận thấy tội ác của Tang "cực kỳ tàn ác" và "đáng bị trừng phạt nghiêm khắc".
Tang có tiền sử lạm dụng vợ cũ, đã nhiều lần đánh Lhamo trước khi cả hai ly hôn vào tháng 6 năm 2020. Trong những tháng sau đó, hắn liên tục tìm đến cô và yêu cầu tái hôn nhưng bị từ chối, dẫn đến án mạng.
Vào tháng 7 năm 2020, một người đàn ông đã bị bắt vì tội giết và chặt xác vợ sau khi xảy ra tranh cãi. Vài ngày sau, cảnh sát Hải Nam bắt giữ một người đàn ông giết vợ bằng dao làm bếp. Cũng trong tháng đó, một người đàn ông khác ở Tứ Xuyên thừa nhận đã giết vợ trong lúc nạn nhân đang ngủ.
Các vụ án, cùng với số liệu thống kê quốc gia cho biết 73 nam giới và 14 phụ nữ bị kết tội giết người hoặc cố gắng sát hại bạn tình từ tháng 9 đến tháng 10 năm 2020, đã làm dấy lên sự quan tâm ở Trung Quốc.
Bạo lực gia đình ở Trung Quốc
Vụ việc của Lhamo được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế, thu hút sự chú ý về tính chất ghê rợn của nó cũng như dấy lên cuộc thảo luận về những vấn đề lớn hơn xung quanh phụ nữ và bạo lực ở Trung Quốc. Trên mạng xã hội Trung Quốc đã nổ ra cuộc tranh luận sôi nổi về việc hệ thống luật pháp của nước này thường không bảo vệ được nạn nhân trong khi người lạm dụng lại dễ dàng được bỏ qua.
Nhiều nhà hoạt động và phụ nữ cho biết, một phần của vấn đề là quan điểm sâu xa rằng tranh chấp trong gia đình là vấn đề riêng tư của gia đình. Điều này thường có nghĩa là chính quyền miễn cưỡng can dự hoặc phụ nữ phải đối mặt với sự kỳ thị của xã hội khi lên tiếng. Cho đến năm 2001, khi Trung Quốc sửa đổi luật hôn nhân, lạm dụng không được xem là lý do để ly hôn.
Trung Quốc chỉ ban hành luật cấm bạo lực gia đình trên toàn quốc lần đầu tiên vào năm 2015, xác định rõ bạo lực gia đình và bao gồm cả hành vi lạm dụng tâm lý cũng như bạo lực thể chất. Tuy nhiên, các nhà phê bình nói rằng luật vẫn chưa bao gồm các cặp đồng tính và không đề cập đến bạo lực tình dục.
Sau khi bản án tử hình được tuyên vào hôm thứ Năm, một tài khoản Weibo của Trung Quốc lập luận rằng các thuật ngữ "mơ hồ" như bạo lực gia đình nên được loại bỏ khỏi các vụ án pháp lý vì nó "phân minh đúng sai" và làm giảm mức độ nghiêm trọng của tội phạm. "Cố ý hành hung là hành hung có chủ đích, và giết người là giết người, bất chấp mối quan hệ giữa hung thủ và nạn nhân", bình luận nhận được hơn 24.700 lượt thích.
Nhiều người khác bày tỏ sự ủng hộ đối với bản án của Tang cũng như việc việc Trung Quốc áp dụng án tử hình trong vụ án này.
Năm ngoái, chỉ vài tháng trước khi Lhamo qua đời, Trung Quốc đã thông qua một đạo luật gây tranh cãi khi yêu cầu các cặp vợ chồng muốn ly hôn phải trải qua giai đoạn "30 ngày hòa giải", làm dấy lên lo ngại nó có thể gây nguy hiểm cho các nạn nhân bị lạm dụng và ngăn họ thoát khỏi mối quan hệ nguy hiểm.
Nguồn: CNN, SCMP