Trung Quốc: Người phụ nữ tử vong vì ăn bánh bị nghẹn trên xe buýt, gia đình đòi tài xế bồi thường
Vụ việc xảy ra tại thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc, đã gây ra tranh cãi dữ dội trong dư luận.
Ảnh minh họa
"Tại sao tôi phải bồi thường cơ chứ? Bà ấy tự ăn và tự nghẹn mà" - tài xế họ Trần, người điều khiển chiếc xe buýt, bức xúc đến rơi nước mắt khi đứng trước tòa.
Ông Trần vốn là tài xế lái xe buýt tại thành phố Trùng Khánh. Năm 2018, ông Trần đón 2 vị khách lên xe là bà Mã (63 tuổi) và chồng của bà là ông Tiêu. Bà Mã theo một túi bánh nếp vừa mới mua trên đường với ý định sẽ ăn nó trên xe.
Tài xế nhìn thấy cảnh này lập tức nhắc nhở hành khách không ăn uống trên xe. Thế nhưng dường như người phụ nữ 63 tuổi đã không thể cưỡng lại cơn thèm ăn, bà bỏ qua lời nhắc nhở của tài xế và lấy bánh ra ăn ngay khi xe vừa khởi hành.
Bánh nếp - món đặc sản ở Trùng Khánh - là nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn thương tâm. Ảnh: Sohu
Xe di chuyển được một lúc, ông Tiêu bỗng nhận thấy vợ mình có những dấu hiệu bất thường. Gương mặt bà Mã đỏ phừng phừng, hai mắt trợn to, bà lấy hết sức đập tay vào lồng ngực để ra hiệu. Lúc này chồng bà nhận ra bà Mã đang bị nghẹn thức ăn. Hóa ra, một đoạn đường xóc mà xe vừa đi qua đã khiến bà Mã nuốt vội miếng bánh chưa kịp nhai, miếng bánh đi thẳng vào đường khí quản.
Ông Tiêu lo lắng cầu cứu những người xung quanh, đám đông trên xe bắt đầu náo loạn. Một vài hành khách vỗ vào lưng nạn nhận và đưa nước cho bà uống nhưng tình hình không khá hơn. Một vị hành khách khác chạy vội lên thông báo với tài xế, lúc này tài xế xe buýt quyết định đổi tuyến đường ngay lập tức để chạy thẳng tới bệnh viện.
Người phụ nữ 63 tuổi đã qua đời do nghẹn thức ăn trên xe buýt. Ảnh: Sohu
Bà Mã được đưa vào khoa cấp cứu ngay sau đó nhưng đã không may qua đời vì ngạt thở. Người nhà của bà Mã vô cùng đau khổ khi biết tin, đặc biệt là ông Tiêu - người chồng phải chứng kiến vợ qua đời ngay trước mắt trên chuyến xe đó.
Đáng chú ý là sau vụ việc này, gia đình bà Mã lại quyết định đâm đơn yêu cầu tài xế xe buýt phải chịu trách nhiệm cho cái chết của bà.
Họ cho rằng vụ tai nạn xảy ra trên xe, là do ông Trần đi vào đường xóc nên ông cũng không thể tránh khỏi liên can. Số tiền mà gia đình yêu cầu bồi thường là 1,1 triệu NDT (tương đương gần 4 tỷ đồng).
Lỗi thuộc về ai?
Cái chết của bà Mã do mắc nghẹn thức ăn trên xe buýt đã gây chấn động dư luận Trung Quốc vì tính chất hi hữu của nó. Nhiều người cho rằng tài xế phải chịu trách nhiệm do nơi xảy ra tai nạn là trên xe của ông, cũng có người thấy ông Trần hoàn toàn vô tội, gia đình nạn nhân còn nên cảm ơn tài xế vì đã cố gắng đến bệnh viện để cứu người.
Vụ việc mới đây đã được tòa án thành phố Trùng Khánh đưa ra xét xử.
Đầu tiên, tòa yêu cầu truy cứu trách nhiệm của công ty xe buýt trong vụ việc này. Công ty xe buýt có trách nhiệm đặt các biển cảnh báo an toàn rõ ràng trên xe buýt để nhắc nhở hành khách không ăn uống trên xe, đảm bảo xe chạy êm, thông suốt, hạn chế tối đa nguy hiểm cho hành khách. Những điều này đều đã được thực hiện đầy đủ.
Tài xế gục ngã vì không thể cứu hành khách trên xe của mình. Ảnh: Sohu
Về trách nhiệm đối của người lái xe, ông Trần được cho là đã thực hiện hành vi cứu người trong tình trạng nguy cấp. Ông đã cố gắng đưa nạn nhân tới bệnh viện và nhờ hành khách gọi tới số điện thoại khẩn cấp để nhờ ứng cứu.
"Bộ luật Dân sự" Trung Quốc hiện hành có quy định: Người vận chuyển phải cố gắng hết sức để cứu giúp hành khách bị ốm đau đột ngột, sinh đẻ hoặc gặp nạn trong quá trình vận chuyển. Người vận chuyển phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại của hành khách trong quá trình vận chuyển, trừ khi thiệt hại xảy ra do chính hành khách cố ý gây ra hoặc sơ suất gây ra dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Ông Trần bức xúc trước yêu cầu vô lý của người nhà hành khách. Ảnh: Sohu
Trường hợp tai nạn của bà Mã đã rơi vào điều khoản miễn trừ trách nhiệm của người vận chuyển, bởi vậy quyết định cuối cùng của tòa là tài xế xe buýt không có tội, không bắt buộc phải bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị nạn.
Tài xế chiếc xe buýt đã vô cùng xúc động trước phán quyết này: "Tôi chỉ là một người bình thường chạy xe buýt, tôi cũng phải nuôi gia đình mình và tôi đã cố hết sức để đưa bà ấy đến bệnh viện".
Vụ việc đáng tiếc xảy ra tại Trung Quốc là một lời cảnh tỉnh với tất cả các hành khánh khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Không ăn uống trên xe buýt là một quy định tưởng chừng đơn giản nhưng nó không chỉ nhằm đảm bảo vệ sinh chung trên xe mà còn liên quan mật thiết đến sự an toàn và tính mạng của chính các hành khách đi xe.