Trung Quốc - Nguy cơ 'già trước khi giàu' và áp lực với tham vọng kinh tế
Ông Cai Fang, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, dự báo nước này sắp 'từ dư thừa lao động trở nên thiếu nhân công, với nhịp độ nhanh nhất trong lịch sử'.
Báo Les Echos (Pháp) vừa dành trang nhất cho bài viết với chủ đề “Trung Quốc đối mặt với thách thức dân số lão hóa nhanh”.
Theo đó, với con số chính thức 1,41 tỷ dân vào cuối năm 2020, Trung Quốc vẫn là quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng tốc độ tăng dân số đang suy giảm. Bắc Kinh đứng trước nguy cơ “già đi trước khi giàu lên”.
Xu hướng dân số già đi khó bị đảo ngược
Trung Quốc mới đây công bố kết quả điều tra dân số rất được chờ đợi, tiến hành 10 năm một lần. Cuối tháng 4/2021, Cơ quan Thống kê Quốc gia đã bác bỏ thông tin của tờ Financial Times là dân số của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã sụt giảm lần đầu tiên kể từ nạn đói khiến hàng chục triệu người chết năm 1961.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, áp lực đang tăng lên đối với Trung Quốc để tránh đất nước già đi trước khi trở nên giàu có. Với con số trung bình 0,53%/năm, tỷ lệ tăng dân số của nước này đang ở mức thấp nhất kể từ khi áp dụng chính sách mỗi gia đình chỉ có một con trong những năm 1970.
Dù Trung Quốc đã thành công ngăn chặn làn sóng lây lan Covid-19 trong năm 2020, số trẻ mới sinh chỉ ở mức 12 triệu người. Năm trước đó, con số này là 14,65 triệu - mức thấp nhất từ năm 1961.
Ngược lại, số người lớn tuổi không ngừng tăng lên, với 264 triệu người Trung Quốc từ 60 tuổi trở lên năm 2020, chiếm 18,7% dân số. Trong năm 2010, tỷ lệ này là 13,3%. Trong khi đó, dân số trong độ tuổi lao động (15-59 tuổi) tiếp tục lao dốc, chỉ chiếm 63,3% trong năm ngoái (10 năm trước là trên 70%).
Thực tế cho thấy dường như xu hướng già hóa dân số của Trung Quốc khó có thể bị đảo ngược, vì sau 30 năm thực hiện chính sách một con để hạn chế gia tăng dân số cũng khiến quan điểm của nhiều người Trung Quốc ngày nay thay đổi theo hướng chỉ thích có một con.
Mất lợi thế cạnh tranh
Wang Feng, giáo sư xã hội học tại chi nhánh Irvine Đại học California (Mỹ), ví chính sách kiểm soát sinh sản của Trung Quốc với khoản vay thế chấp của chính phủ để phát triển trong tương lai. Ông cho biết, cơ cấu dân số hiện nay sẽ là hạn chế đối với nhiều chủ trương đầy tham vọng của Trung Quốc.
Từ năm 2016, chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc đã được nới lỏng cho các cặp vợ chồng có thể sinh 2 con, nhưng với thực trạng cuộc điều tra dân số này, có thể chính sách dân số của Trung Quốc sẽ phải tiếp tục nới lỏng hơn. Hiện nay, nhiều chính quyền địa phương đã cho phép các gia đình có từ 3 con trở lên.
Nhưng giới phân tích chỉ ra rằng giải pháp không đơn giản. Ngày nay, nhiều phụ nữ Trung Quốc có trình độ học vấn cao có xu hướng trì hoãn kết hôn.
Từ năm 2014, tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc không ngừng giảm, trong khi từ năm 2003, tỷ lệ ly hôn liên tục tăng, nhiều gia đình trẻ trì hoãn sinh con do chi phí nuôi dạy con cái quá cao.
Các số liệu trên đây, dù một số nhà nghiên cứu cho rằng vẫn chưa đúng với thực tế, cho thấy dân số Trung Quốc đang bị lão hóa.
Tháng 11/2020, một cơ quan tư vấn chính phủ ước tính dân số Trung Quốc đạt đỉnh năm 2027 (năm mà Ấn Độ sẽ chính thức trở thành nước đông dân nhất thế giới). Nhưng với số liệu vừa công bố, đỉnh này có thể đạt được ngay trước năm 2025.
Giáo sư Yi Fuxian ở trường Đại học Wisconsin-Madison ước tính Trung Quốc hiện có thể đã mất đi thứ hạng đầu, với dân số chỉ còn 1,26 tỷ người, đứng sau Ấn Độ với 1,3 tỷ người.
Trong tháng trước, ông Cai Fang, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, dự báo Trung Quốc sắp "từ dư thừa lao động trở nên thiếu nhân công, với nhịp độ nhanh nhất trong lịch sử”.
Ngay cả Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo “Trung Quốc cần nhìn nhận tình trạng dân số đã thay đổi”.
Báo cáo của 4 nhà nghiên cứu thuộc ngân hàng này nhấn mạnh: “Trung Quốc đã trở thành một xã hội của người già trong vòng chỉ 20 năm, quá nhanh so với Pháp (140 năm), Thụy Điển (85 năm), Mỹ (72 năm)”.
Vấn đề là việc lão hóa diễn ra trong lúc GDP bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ mới có 10.000 USD/tháng, còn ở các nước phát triển là trên 30.000 USD.
Hậu quả có thể khá nặng nề đối với một Trung Quốc đã phát triển kinh tế nhờ lực lượng nhân công dồi dào. Dân số già cộng với bong bóng địa ốc có thể kéo Trung Quốc vào một “thập kỷ mất mát” như Nhật Bản.
Dân số giảm còn gây hậu quả trầm trọng hơn, trong bối cảnh Bắc Kinh đang tranh giành vị trí cường quốc số 1 thế giới của Washington. Từ nay đến năm 2050, dân số Mỹ tiếp tục tăng. Trong khi 4 thập niên qua, Trung Quốc rút ngắn khoảng cách với Mỹ nhờ lực lượng lao động rẻ và đông đảo.
Tại sao việc kết thúc chính sách mỗi gia đình chỉ có một con lại không tạo ra bùng nổ trẻ em ở Trung Quốc? 5 năm sau khi từ bỏ chính sách này, tỷ lệ sinh lại giảm đi?
Thông tín viên Le Figaro lý giải, các cặp vợ chồng trẻ lo ngại trước vô số chi phí, từ học hành, chữa bệnh, hoạt động ngoại khóa… chưa kể đến giá thuê nhà cao ở các thành phố lớn.
Trước tình trạng lão hóa dân số, Bắc Kinh muốn kéo dài tuổi về hưu. Ý thức rằng chủ đề này sẽ gây bất mãn lớn, chính phủ đã không đề cập cụ thể khi trình bày Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 vào tháng 3 vừa qua. Thủ tướng Lý Khắc Cường trong bài diễn văn của mình chỉ nói là cần phải có chiến lược kéo dài từ từ tuổi về hưu theo luật định.
Theo các nhà kinh tế của ANZ, số lượng người trên 65 tuổi đang gia tăng nhanh chóng. Tỷ lệ này chỉ chiếm từ 7% dân số năm 2000 nay đã tăng lên 13,5%, và đến giữa thế kỷ này có thể lên đến 1/3 dân số Trung Quốc.