Trung Quốc: Nhà máy linh kiện bị tố bóc lột học sinh

Hàng trăm học sinh (HS) Trung Quốc đã được nhà máy linh kiện và máy tính Foxconn tuyển dụng, nhằm sản xuất các thiết bị cho trợ lý ảo Amazon Alexa. Hành động của Foxconn đã gây ra nhiều tranh cãi và được cho là vi phạm luật lao động Trung Quốc khi ép HS làm thêm giờ.

Công nhân trong một nhà máy của Foxconn tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc)

Công nhân trong một nhà máy của Foxconn tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc)

Thực tập sinh trở thành lao động giá rẻ

Các cuộc phỏng vấn với công nhân và tài liệu bị rò rỉ từ nhà cung cấp của Amazon - Foxconn cho thấy, nhiều trẻ em đã phải làm việc thâu đêm và làm thêm nhiều giờ để sản xuất các thiết bị công nghệ.

Theo đó, không ít thanh thiếu niên đến từ các trường học và cao đẳng kỹ thuật quanh khu vực miền Nam thành phố Hành Dương được tuyển dụng với tư cách là “thực tập sinh”.

Các nhà nghiên cứu cho biết, hơn 1.000 HS từ 16 – 18 tuổi đã được tuyển dụng nhằm phục vụ việc chế tạo loa thông minh Echo Dot và máy đọc sách điện tử Kindle. Theo luật hiện hành, các nhà máy Trung Quốc được phép tuyển dụng HS từ 16 tuổi trở lên, nhưng không được phép để họ làm việc vào ca đêm hoặc làm thêm giờ. Tuy nhiên, giáo viên (GV) của những HS này đều được nhà máy trả tiền để khuyến khích HS làm thêm giờ.

Trước những cáo buộc trên, đại diện Foxconn thừa nhận đã tuyển dụng HS một cách bất hợp pháp; đồng thời, khẳng định sẽ đưa ra hành động phù hợp để khắc phục tình hình. “Chúng tôi đã tăng cường giám sát chương trình thực tập nhằm bảo đảm rằng, trong mọi trường hợp, thực tập sinh sẽ không được phép làm thêm giờ hoặc làm ca đêm”, Foxconn tuyên bố. Tuy nhiên, công ty cũng khẳng định, làm việc trong môi trường này sẽ cung cấp cho HS có cơ hội trải nghiệm và được đào tạo chuyên sâu, giúp các em dễ dàng tìm được công việc tốt sau khi tốt nghiệp.

Phát biểu về vấn đề này, người phát ngôn của Amazon cho biết, công ty sẽ không chấp nhận sự vi phạm quy tắc của nhà cung cấp Foxconn: “Nếu phát hiện vi phạm, chúng tôi sẽ thực hiện các bước cần thiết, yêu cầu khắc phục hành động ngay lập tức. Chúng tôi đang điều tra những cáo buộc này và giải quyết vấn đề với Foxconn”.

Chia sẻ với truyền thông, các HS làm việc tại nhà máy tiết lộ đã bị ép làm ngoài giờ, trong khi công việc không hề liên quan đến những kiến thức các em đã được học trên lớp. Xiao Fang (17 tuổi) - một HS theo học chuyên ngành máy tính cho biết đã làm việc tại nhà máy được một tháng và phải sản xuất màng bảo vệ cho khoảng 3.000 chiếc loa thông minh Echo Dot mỗi ngày.

Ban đầu, các GV khẳng định Fang sẽ làm việc 8 giờ/ngày, 5 ngày/tuần. Tuy nhiên, thực chất, em phải làm tới 10 giờ/ngày trong sáu ngày/tuần. “Ban đầu, em không quen làm việc tại nhà máy, nhưng hiện tại, sau khi làm việc được một tháng, em đã buộc phải thích nghi với công việc. Tuy nhiên, làm việc 10 giờ/ngày khiến em vô cùng mệt mỏi”, nữ sinh 17 tuổi chia sẻ.

Cũng theo Xiao Fang, dù đã nói với người quản lý nhà máy rằng, em không muốn làm thêm giờ, nhưng người này đã thông báo cho GV của em. “Ngay sau đó, GV đã đe dọa nếu em không làm ngoài giờ, em sẽ không được thực tập tại Foxconn và điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc tốt nghiệp và xin học bổng của em tại trường”, Fang cho biết.

Bất chấp vì lợi nhuận

Tài liệu bị rò rỉ cho thấy, các nhà quản lý Foxconn tuyển dụng nhiều HS vì các em chủ yếu ở lại ký túc xá nhà máy và có thể làm việc ngoài giờ, nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất. Mặt khác, những lao động từ chối yêu cầu làm thêm sẽ bị sa thải.

Nhà máy đã chuyển hướng sang việc tuyển dụng HS sau khi gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động dài hạn. “Để bù đắp sự thiếu hụt nhân lực và giảm chi phí tuyển dụng lao động, chúng tôi muốn hợp tác với các trường học địa phương để tuyển thực tập sinh”, một tài liệu của công ty cho biết.

Các tài liệu cũng cho thấy, Foxconn trả thực tập sinh khoảng 1,93 bảng Anh/giờ bao gồm tiền làm thêm và các chi phí hỗ trợ khác. Tuy nhiên, công ty đã cắt giảm lương của thực tập sinh kể từ năm ngoái. Ngoài ra, nếu cung cấp được một HS cho nhà máy, trường học đó sẽ nhận được 500 nhân dân tệ/tháng.

Ghi chú từ một cuộc họp xem xét chính sách tuyển dụng thực tập của công ty cho thấy, nếu không có HS, nhà máy có thể sẽ không đạt được mục tiêu sản xuất. Cuộc họp cũng thông báo, một số HS đã từ chối làm thêm giờ. Vì vậy, công ty cần nhờ tới sự can thiệp từ các GV. Thậm chí, tài liệu cho biết, GV sẽ thay mặt HS viết đơn xin nghỉ việc, trong trường hợp các em không chấp nhận làm ngoài giờ.

Năm 2017, Amazon đã đồng ý thỏa thuận với Foxconn, cho phép bổ sung 15 dây chuyền sản xuất cho nhà máy và thuê hàng nghìn công nhân mới, nhằm đẩy mạnh sản xuất các thiết bị loa thông minh Echo Dot và máy đọc sách điện tử Kindle.

Năm ngoái, tờ Observer đã cáo buộc nhà máy này sử dụng nhiều nhân viên được môi giới hơn mức cho phép của luật pháp Trung Quốc, nhằm tránh phải tuyển dụng nhân viên dài hạn. Nhiều công nhân đã phải làm việc ngoài giờ vượt quá giới hạn pháp lý thông thường là 36 giờ/tháng.

Đáp lại, Amazon khẳng định, các độc lập kiểm toán viên đã xác định vấn đề đáng lo ngại này tại nhà máy. Bên cạnh đó, Foxconn cũng hứa sẽ giảm sự phụ thuộc vào nhân công qua môi giới và tuyên bố, các nhân viên này sẽ được trao cơ hội để trở thành nhân viên chính thức.

Trước tình trạng này, Li Qiang, Giám đốc Điều hành của China Lab Watch đã kêu gọi giám sát điều kiện làm việc đối với Amazon và Foxconn, nhằm tránh vi phạm luật lao động. “Chỉ khi công ty cho phép các bên không liên quan giám sát điều kiện làm việc, thì chuyện vi phạm tại nhà máy mới có thể được giải quyết một cách hiệu quả”, ông Li Qiang khẳng định.

Cũng theo vị giám đốc này, dù Foxconn nhận thức rõ việc tuyển dụng một số lượng lớn nhân viên qua môi giới và buộc HS phải làm ngoài giờ cũng như làm ca đêm là bất hợp pháp, nhưng công ty vẫn tiếp tục vi phạm do được hưởng lợi nhuận cao.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/trung-quoc-nha-may-linh-kien-bi-to-boc-lot-hoc-sinh-4026367-b.html