Trung Quốc: Nhập khẩu thiết bị sản xuất chip tăng hơn 90% so với cùng kỳ 2023
Nhập khẩu thiết bị tăng cho thấy khả năng sản xuất chip của Trung Quốc đang được cải thiện khi nguồn cung chip từ bên ngoài vào nước này bị ảnh hưởng bởi biện pháp kiểm soát thương mại của Mỹ.
Nhập khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn (chip) của Trung Quốc, trong tháng 10/2023, đã tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này cho thấy khả năng sản xuất chip của cường quốc lớn thứ hai thế giới đang được cải thiện, trong bối cảnh nguồn cung chip từ bên ngoài vào Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các các biện pháp kiểm soát thương mại do Mỹ và các đồng minh áp dụng.
Theo dữ liệu Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu máy móc và thiết bị dùng để sản xuất chất bán dẫn hoặc các bộ vi mạch tích hợp đã tăng 93% trong vòng ba tháng, tính đến hết tháng 9, lên 63,4 tỷ nhân dân tệ (8,7 tỷ USD).
Đáng chú ý nhập khẩu thiết bị in thạch bản, hay còn được gọi là quang khắc - một phần quan trọng trong quy trình tạo ra các bảng mẫu mạch ở quy mô nanomet, đã tăng gấp bốn lần trong cùng thời điểm. Phần lớn sản phẩm này được nhập khẩu từ Công ty ASML của Hà Lan. Đây là nhà cung cấp chủ yếu các thiết bị sản xuất chip tiên tiến nhất của thế giới.
Trong quý 3, Trung Quốc chiếm tới 46% doanh số bán hàng của ASML, một tỷ trọng lớn hơn nhiều so với mức 14% vào năm 2022.
Nhà phân tích cấp cao tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo, Masahiko Ishino, cho biết thông thường sẽ mất sáu tháng để các thiết bị in thạch bản được giao sau khi đặt hàng.
Các nhà sản xuất Trung Quốc có lẽ đã nhận thấy việc tiếp cận thiết bị sản xuất chip sẽ trở nên khó khăn hơn trong thời gian tới, nên đang cố gắng tích trữ nhiều hơn nhu cầu thực tế.
Tương tự, nhập khẩu thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc từ Nhật Bản đã tăng khoảng 40% trong cùng quý, với sự gia tăng chủ yếu trong thiết bị in thạch bản cũng như thiết bị khắc.
Trong khi đó, nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ chỉ tăng khoảng 20%. So với quý 3/2021, thị phần của Mỹ trong nhập khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc đã giảm xuống 9%, thị phần của Nhật Bản là 25% và thị phần của Hà Lan tăng lên 30%.
Theo Tập đoàn Thương mại SEMI (Mỹ), Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới về thiết bị sản xuất chất bán dẫn trong quý 2/2023, chiếm 29% doanh số toàn cầu./.