Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc lập tức dừng nhập khẩu gà Brazil, điều gì đang xảy ra?
Lần đầu tiên sau nhiều tháng kiểm soát dịch bệnh, Brazil – quốc gia xuất khẩu thịt gà lớn nhất thế giới – đã ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm H5N1 trên một trang trại thương mại. Diễn biến này khiến các thị trường quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đồng loạt áp dụng lệnh cấm nhập khẩu, gây xáo trộn lớn cho chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu.
Ngày 16/5, Brazil chính thức xác nhận một ổ dịch cúm gia cầm H5N1 đã bùng phát tại một trang trại thương mại ở thành phố Montenegro, bang Rio Grande do Sul, phía Nam nước này. Trang trại này cung cấp thịt gà cho Vibra Foods – một công ty Brazil được hậu thuẫn bởi tập đoàn Tyson Foods của Mỹ.
Vibra sở hữu 15 nhà máy chế biến tại Brazil và xuất khẩu tới hơn 60 quốc gia. Theo số liệu năm 2024, Brazil đã xuất khẩu lượng thịt gà trị giá 10 tỷ USD, chiếm khoảng 35% thị phần toàn cầu. Việc dịch bệnh bùng phát tại một trang trại thương mại – không còn giới hạn ở chim hoang dã – đã nâng mức cảnh báo dịch lên cao hơn đáng kể.
Chính quyền bang cho biết có khoảng 17.000 con gà đã chết do cúm hoặc bị tiêu hủy để phòng ngừa. Hiện khu vực xảy ra dịch đã được cô lập trong bán kính 10 km để kiểm soát và truy vết thêm các ca bệnh.

Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Carlos Favaro cho biết vào ngày 16/5 rằng Trung Quốc đã cấm nhập khẩu gia cầm từ nước này trong 60 ngày.
Những nước nào đã cấm nhập khẩu thịt gà từ Brazil?
Ngay sau khi Brazil xác nhận ổ dịch, nhiều quốc gia lớn – trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước thuộc Liên minh châu Âu – đã áp dụng lệnh cấm nhập khẩu thịt gia cầm từ Brazil trong vòng 60 ngày, theo đúng các giao thức y tế đã được ký kết trước đó.
Riêng Argentina, nước láng giềng của Brazil, tuyên bố tạm ngừng nhập khẩu tất cả sản phẩm gia cầm từ nước này cho đến khi Brazil được tuyên bố an toàn dịch bệnh. Một số quốc gia như Nhật Bản, Ả Rập Xê Út và UAE đã có thỏa thuận mới với Brazil cho phép chỉ áp dụng hạn chế đối với khu vực bị ảnh hưởng thay vì cả quốc gia.
Tuy nhiên, Trung Quốc – thị trường nhập khẩu thịt gà lớn nhất của Brazil – đã thực hiện lệnh cấm trên phạm vi toàn quốc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành xuất khẩu thịt gia cầm.
Bang Rio Grande do Sul – nơi xảy ra dịch – là vùng sản xuất và xuất khẩu thịt gia cầm lớn thứ ba của Brazil, chiếm khoảng 15% sản lượng toàn quốc. Tại đây, các công ty lớn như BRF và JBS đều có nhiều nhà máy chế biến đang hoạt động.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Carlos Favaro cho biết nước này đang tích cực đàm phán để rút ngắn thời gian áp dụng lệnh cấm so với mức 60 ngày như quy định, đồng thời trấn an các thị trường rằng dịch bệnh đang được kiểm soát chặt chẽ.
Các lô hàng xuất khẩu được chuyển đi trước ngày 15/5 sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm, theo xác nhận của Bộ Nông nghiệp.
Thịt gà từ Brazil có còn an toàn cho người tiêu dùng?
Kể từ năm 2022, dịch cúm gia cầm đã lan rộng tại Mỹ, khiến khoảng 170 triệu con gia cầm như gà, gà tây và các loài chim khác bị tiêu hủy. Riêng trong năm 2024, gần 70 người Mỹ đã nhiễm virus cúm gia cầm, trong đó có một trường hợp tử vong – chủ yếu là nông dân tiếp xúc trực tiếp với gia súc hoặc gia cầm nhiễm bệnh.
Diễn biến này khiến giới chuyên gia y tế lo ngại virus cúm gia cầm có thể biến thể và lây lan dễ dàng hơn sang người trong tương lai.
Trái ngược với Brazil, Argentina từng ghi nhận một ổ dịch cúm gia cầm vào tháng 2/2023 nhưng đã kiểm soát thành công và nhanh chóng nối lại xuất khẩu sau đó một tháng.
Bộ Nông nghiệp Brazil khẳng định virus cúm gia cầm không lây lan qua thực phẩm như thịt gà hay trứng đã qua kiểm định. Người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng sản phẩm đã được kiểm tra và giám sát chặt chẽ.
Ông Miguel Gularte, Tổng giám đốc BRF, nhấn mạnh rằng hệ thống kiểm soát dịch bệnh của Brazil đủ mạnh để vượt qua đợt bùng phát này trong thời gian ngắn.
Hiệp hội sản phẩm gia cầm Brazil (ABPA) cũng tuyên bố tình hình đang được kiểm soát và theo dõi sát sao bởi các cơ quan chức năng.