Trung Quốc nỗ lực tìm kiếm giải pháp nội địa thay thế cho Nvidia

Dưới tác động hạn chế quyền tiếp cận chất bán dẫn tiên tiến của Hoa Kỳ, nhiều gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang cố gắng tìm ra giải pháp đủ sức thay thế Nvidia…

Nhiều công ty công nghệ Trung Quốc đang cố gắng tìm ra giải pháp thay thế Nvidia.

Nhiều công ty công nghệ Trung Quốc đang cố gắng tìm ra giải pháp thay thế Nvidia.

Danh sách lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ trong những năm qua đối với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc buộc Bắc Kinh phải nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực chip nội địa. Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo và một số mô hình nền tảng khác đóng vai trò hàng đầu trong ngành công nghiệp chip của “đất nước tỷ dân", theo CNBC.

Cho đến nay, Nvidia với sản phẩm chip xử lý đồ họa hay GPU, vẫn là đối tác lớn với nhiều công ty công nghệ hàng đầu. Hãng phụ trách thiết kế phần cứng quan trọng, rất cần thiết trong việc đào tạo mô hình AI khổng lồ, chẳng hạn như mô hình ChatGPT của OpenAI.

Nvidia có thể vận chuyển số lượng chip nhất định đến Trung Quốc, nhưng Washington thể hiện rõ quan điểm, mong muốn cắt đứt quyền tiếp cận của đối thủ khỏi chất bán dẫn và công nghệ tiên tiến sản xuất ra chúng.

Động thái này khiến Trung Quốc phải thay đổi chiến lược, chuyển sang phát triển ngành bán dẫn trong nước để cạnh tranh với Nvidia. Ngoài ra, sản xuất chất bán dẫn riêng giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới củng cố vị thế trong ngành công nghiệp AI.

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với CNBC, hai nhà phân tích đến từ Albright Stonebridge và Counterpoint Research thảo luận về một số đối thủ đáng gờm của Trung Quốc, đủ sức cạnh tranh trực tiếp với Nvidia.

HUAWEI

Huawei được coi là “nhà vô địch công nghệ” Trung Quốc bởi hoạt động kinh doanh đa dạng.

Huawei được coi là “nhà vô địch công nghệ” Trung Quốc bởi hoạt động kinh doanh đa dạng.

Huawei là một trong những “nhà vô địch công nghệ” Trung Quốc với hoạt động kinh doanh trải dài từ cơ sở hạ tầng viễn thông, điện tử tiêu dùng cho đến điện toán đám mây. Đơn vị thiết kế chip của công ty được gọi là HiSilicon.

Công ty có trụ sở tại Thâm Quyến, chuyên thiết kế bộ xử lý trung tâm dữ liệu Ascend. Sau đó, Huawei bán những con chip này như một phần của máy chủ, đưa vào trung tâm dữ liệu để đào tạo mô hình AI. Máy chủ AI của công ty có tên thương hiệu là Atlas.

Theo báo cáo của Wall Street Journal hồi tháng 8, công ty có kế hoạch ra mắt mẫu chip Ascend 910C, có thể sánh ngang với H100 của Nvidia.

Trong báo cáo thường niên đầu năm nay, Nvidia xác định rõ Huawei và một số công ty khác, là đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực chip, phần mềm cho AI và sản phẩm mạng.

"Không chỉ là vấn đề phần cứng, mà còn cả hệ sinh thái tổng thể, công cụ cho nhà phát triển và khả năng tiếp tục phát triển hệ sinh thái này trong tương lai khi công nghệ tiến bộ. Ở đây, Huawei nắm giữ nhiều lợi thế và đang cố gắng xây dựng hệ sinh thái phần mềm xung quanh loạt bộ xử lý trung tâm dữ liệu Ascend mới", ông Paul Triolo, đối tác liên kết tại công ty tư vấn Albright Stonebridge, nhận định.

ALIBABA VÀ BAIDU

Trước kia, cả Alibaba và Baidu đều mua chip của Nvidia, thế nhưng hiện tại họ đang thiết kế chất bán dẫn của riêng mình cho quy trình AI.

Baidu, một trong những công ty internet lớn nhất Trung Quốc, thiết kế chip riêng với mong muốn sử dụng trong các máy chủ và xe tự lái dưới thương hiệu Kunlun.

Đơn vị thiết kế chất bán dẫn của Alibaba có tên T-Head, phát triển mẫu chip Hanguang 800 sở hữu khả năng suy luận AI. Suy luận là kết quả của quá trình đào tạo mô hình AI, thể hiện rõ khả năng ứng dụng thực tế của AI trong thế giới thực, chẳng hạn như khi chatbot trả lời truy vấn người dùng.

"Chip suy luận AI của Alibaba được triển khai để tối ưu hệ thống đề xuất trên nền tảng thương mại điện tử. Còn Baidu thì tích hợp chip Kunlun vào trung tâm dữ liệu và lĩnh vực lái xe tự động", bà Wei Sun, nhà phân tích cấp cao tại Counterpoint Research, nói với CNBC.

BIREN TECHNOLOGY

Giống như Nvidia, Biren Technology sản xuất GPU đa năng làm nền tảng, phát triển phần mềm để xây dựng ứng dụng trên phần cứng.

Những con chip này là một phần trong loạt sản phẩm Bili của Biren, được thiết kế để sử dụng trong trung tâm dữ liệu đào tạo AI.

Năm ngoái, Biren bị xướng tên trong danh sách đen, được gọi là Danh sách thực thể, hạn chế quyền truy cập vào một số công nghệ nhất định của Hoa Kỳ.

CAMBRICON TECHNOLOGIES

Cambricon Technologies có thể thiết kế các loại chất bán dẫn khác nhau với nhiều mục đích khác nhau từ đào tạo mô hình AI cho đến vận hành ứng dụng AI trên thiết bị, thay vì chỉ hoạt động trong trung tâm dữ liệu.

Tuy nhiên, theo South China Morning Post, công ty tiếp tục báo lỗ đáng kể và được cho là đã sa thải lượng lớn công nhân vào năm ngoái.

Cambricon Technologies nằm trong Danh sách thực thể của Hoa Kỳ.

MOORE THREADS

Moore Threads, được thành lập vào năm 2020, đang phát triển mẫu GPU chuyên biệt đào tạo các mô hình AI lớn.

MTT KUAE là sản phẩm trung tâm dữ liệu của công ty có chứa GPU. Sứ mệnh của công ty là trở thành "người dẫn đầu GPU trên toàn thế giới".

Bên cạnh đó, công ty cũng nhận được sự hẫu thuẫn từ một vài thương hiệu lớn. ByteDance, chủ sở hữu TikTok, là nhà đầu tư cùng với các công ty đầu tư mạo hiểm khác như Sequoia và GGV Capital.

Moore Threads nằm trong Danh sách thực thể của Hoa Kỳ.

ENFLAME TECHNOLOGY

Enflame Technology - công ty khởi nghiệp khác ở Trung Quốc đang cạnh tranh nhằm định vị mình là giải pháp thay thế “cây nhà lá vườn” cho Nvidia. Công ty thiết kế chip cho trung tâm dữ liệu, tập trung vào đào tạo và quy trình AI.

Tencent, một trong những công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc, là nhà đầu tư của Enflame.

Sơn Trần

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/trung-quoc-no-luc-tim-kiem-giai-phap-noi-dia-thay-the-cho-nvidia.htm