Trung Quốc nỗ lực triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn sau bão Yagi

Rời Philippines sau khi gây ra lở đất, lũ lụt ở nhiều khu vực và khiến ít nhất 16 người thiệt mạng, siêu bão Yagi đã tăng gấp đôi sức mạnh và đổ bộ lần thứ hai vào huyện Từ Văn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vào tối 6/9.

Trước đó, chiều cùng ngày, Yagi đã “ghé thăm” thị trấn Ông Điền, TP Văn Xương, tỉnh đảo Hải Nam - nơi được gọi là “Hawaii của Trung Quốc”, miền Nam Trung Quốc, với sức gió lên tới hơn 234km/h gần tâm.

Cơn bão nghiêm trọng nhất tấn công Hải Nam

Hơn 574.511 cư dân ở Quảng Đông phải di dời tránh bão, trong đó có 407.064 người ở Trạm Giang, nơi cơn bão đổ bộ lần thứ hai. Tất cả 84.873 tàu đánh cá đã tìm nơi trú ẩn trong các cảng. Chính quyền Quảng Đông đã đình chỉ 72 trong số 94 tuyến đường thủy chở khách tại tỉnh này. 141 tàu hỏa cao tốc cũng đã phải ngừng hoạt động. Các trường học tại 10 thành phố trên toàn tỉnh cũng tạm thời đóng cửa.

Siêu bão Yagi đổ bộ vào đảo Hải Nam, Trung Quốc, chiều 6/9. Ảnh: Tân Hoa Xã

Siêu bão Yagi đổ bộ vào đảo Hải Nam, Trung Quốc, chiều 6/9. Ảnh: Tân Hoa Xã

Trước đó, tỉnh đảo Hải Nam đã di dời 419.367 cư dân đề phòng siêu bão. 89 điểm du lịch đã tạm ngừng hoạt động để phòng tránh bão; giao thông đường bộ, cầu và đường hầm cũng đã tạm thời đóng cửa tại nhiều thành phố. Chính quyền TP Hải Khẩu của tỉnh Hải Nam cho biết, siêu bão Yagi đã gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng, làm tê liệt tỉnh, đồng thời khiến các trường học phải đóng cửa, những chuyến bay qua Biển Đông phải hủy. Siêu bão cũng đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 3 người và làm 95 người bị thương.

Yagi được đánh giá là cơn bão nghiêm trọng nhất đổ bộ vào đảo Hải Nam kể từ năm 2014, khi cơn bão Rammasun tấn công tỉnh đảo này với cường độ mạnh cấp 5. Cơn bão đã khiến 88 người ở Hải Nam, Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam thiệt mạng, đồng thời gây ra thiệt hại kinh tế hơn 44 tỷ nhân dân tệ (6,25 tỷ USD). Các chuyên gia khí tượng cho biết cường độ của siêu bão Yagi liên tục tăng lên vì nó hút được nguồn nguyên liệu khổng lồ khi đi qua vùng nước ấm của Biển Đông. Với cấp độ mạnh, cơn bão sẽ mang theo những cơn gió đủ lớn để lật xe, bật gốc cây và gây thiệt hại nghiêm trọng cho đường sá, cầu cống và các tòa nhà. Giới chức Trung Quốc cho biết việc siêu bão đổ bộ đất liền tại đảo Hải Nam là điều hiếm khi xảy ra. Từ năm 1949 đến năm 2023, 106 cơn bão đổ bộ vào Hải Nam nhưng chỉ có 9 cơn bão được phân loại là siêu bão.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 7/9 đã chỉ thị các cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu nạn người dân tại khu vực bị ảnh hưởng; yêu cầu các ban, ngành huy động mọi nỗ lực để nhanh chóng sắp xếp chỗ ở cho người dân, giảm thiểu những thiệt hại do bão gây ra. Các cơ quan chức năng Trung Quốc được chỉ thị nhanh chóng sửa chữa cơ sở hạ tầng bị bão tàn phá, trong đó có hệ thống giao thông, điện và thông tin liên lạc, tái thiết sau thảm họa để khôi phục lại trật tự cuộc sống và việc làm của người dân càng sớm càng tốt.

Trước đó, Chính phủ Trung Quốc đã điều lực lượng đặc nhiệm đến tỉnh Quảng Đông và đảo Hải Nam để hướng dẫn phòng, chống lũ lụt và bão, khi các nhà chức trách ban hành cảnh báo rủi ro cao về thảm họa ở phía Bắc Sơn Tây, phía Nam Quảng Đông và hầu hết các khu vực trên đảo Hải Nam. Cụ thể, Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc đã gia hạn cảnh báo đỏ, mức cao nhất, đối với Yagi vào sáng 6/9 trước khi siêu bão đổ bộ vào nước này. Trong khi đó, Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc cảnh báo mực nước tại một số con sông ở các tỉnh Hải Nam và Quảng Đông có thể vượt mức báo động. Theo đó, trong hai ngày 6 - 7/9, mực nước sông Nam Độ và sông Xương Hóa ở Hải Nam, sông Giám Giang và sông Mạc Dương ở Quảng Đông có thể dâng cao do bão Yagi gây mưa lớn ở miền Nam Trung Quốc.

Bộ Thủy lợi Trung Quốc cũng đã nâng mức ứng phó khẩn cấp đối với lũ lụt ở tỉnh Quảng Đông và đảo Hải Nam lên cấp độ 3, đồng thời cử 4 đội công tác đến chỉ đạo các nỗ lực phòng, chống lũ lụt ở các tỉnh Hải Nam, Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam. Bộ cũng cho biết sẽ nỗ lực theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão, chỉ đạo các chính quyền địa phương thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân.

Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình cơn bão và lũ lụt do mưa lớn, đồng thời hướng dẫn chính quyền địa phương về các nỗ lực phòng ngừa. Để ứng phó, các tuyến giao thông trên khắp miền Nam Trung Quốc hầu hết đã bị đóng cửa và nhiều chuyến bay ở đảo Hải Nam, Quảng Đông, Hong Kong và Macao, bị hủy. Cây cầu vượt biển dài nhất thế giới nối Hong Kong với Macao và Chu Hải ở Quảng Đông, cũng đã đóng cửa. Nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả nhà máy, cũng đã đóng cửa như một biện pháp phòng ngừa thiệt hại do bão. Tại trung tâm tài chính của Hong Kong, sàn giao dịch chứng khoán đã ngừng hoạt động trong khi các trường học vẫn đóng cửa. Các dải mưa lớn liên quan đến bão Yagi vẫn sẽ mang đến những trận mưa lớn cho khu vực này. Giới chức cảnh báo người dân tránh xa bờ biển.

Trước đó, bão Yagi đã tấn công miền Bắc Philippines vào cuối tuần qua, gây ra lở đất, lũ lụt ở nhiều khu vực, làm ít nhất 11 người thiệt mạng. Phủ Tổng thống Philippines đã đưa ra thông báo hoãn các lớp học ở mọi cấp độ và hoạt động của các cơ quan chính phủ tại Metro Manila và Calabarzon vào ngày 3/9. Công việc tại các công ty tư nhân sẽ tùy thuộc vào quyết định của người đứng đầu. Các cơ quan chính phủ tham gia vào các hoạt động ứng phó thảm họa sẽ tiếp tục công việc của mình. Chính quyền địa phương trước đó cũng yêu cầu dừng các hoạt động dịch vụ tàu phà ở những khu vực bị ảnh hưởng và 29 chuyến bay nội địa đã bị hủy bỏ. 3 người, bao gồm một phụ nữ mang thai, đã thiệt mạng trong một trận lở đất ở vùng ngoại ô Antipolo của Manila, trong khi thi thể của 4 người khác do chết đuối, cũng đã được tìm thấy cùng ngày.

Yagi cũng tấn công TP Naga ở phía Đông, làm 2 người thiệt mạng do nước lũ dâng cao, đồng thời gây ảnh hưởng đến một số khu vực của đất nước khi di chuyển qua đảo Luzon, tấn công trực tiếp vào tỉnh Aurora. Trong ngày 7/9, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) thông báo tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn 15 ngư dân được thông báo mất tích trên biển kể từ ngày 1/9 do ảnh hưởng của bão Yagi. Theo PCG, tàu đánh cá mất tích đã bị tách khỏi một tàu khác trong điều kiện thời tiết xấu khi trong hành trình đánh bắt cá ngày 1/9 tại vùng biển phía Đông của đảo Luzon.

Tại sao các cơn bão đang ngày càng mạnh hơn?

Với sức gió mạnh nhất liên tục là 234km/h gần tâm bão, Yagi được ghi nhận là cơn bão nhiệt đới mạnh thứ hai thế giới kể từ đầu năm 2024 đến nay, sau bão cấp 5 Beryl ở Đại Tây Dương và là cơn bão nghiêm trọng nhất ở lưu vực Thái Bình Dương trong năm nay. Giáo sư Tsuboki Kazuhisa tới từ Trường Đại học Quốc gia Nagoya và Yokohama của Nhật Bản, chuyên gia đã phân tích đường đi của các siêu bão từ năm 1980 đến năm 2023 cho biết, rất hiếm khi một cơn bão mạnh như Yagi đi qua Biển Đông. Ông cho rằng, nhiệt độ bề mặt biển ấm hơn bình thường, hiện ở mức khoảng 30 độ C, là một lý do để giải thích hiện tượng này.

Theo các nhà khoa học, các cơn bão đang trở nên mạnh hơn, được thúc đẩy bởi các đại dương ấm hơn, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra. Hay nói cách khác, khủng hoảng khí hậu có thể đang khiến các cơn bão ngày một mạnh hơn. Trong những thập niên gần đây, các nhà nghiên cứu quan sát thấy cường độ của chúng đã tăng đáng kể. Mối liên hệ giữa cường độ bão mạnh với những hậu quả của biến đổi khí hậu do con người gây ra đã được chứng minh. Nguyên nhân chủ yếu nhất là do đại dương đang ấm lên. Khi bề mặt đại dương ấm lên, không khí phía trên cũng ấm lên, khiến nước được đưa lên cao để tạo thành mây. Cùng lúc đó, vùng áp suất thấp bên dưới “bị bỏ trống” khiến nhiều không khí hơn tràn vào. Khi các hệ thống này tích tụ, giông bão được hình thành. Trong trường hợp không có gió mạnh phá vỡ nó, hệ thống sẽ mạnh lên thành bão.

Chuyên gia Wei Mei đến từ Viện Hải dương học Scripps (Mỹ) cho biết: “Mức độ mạnh và tốc độ phát triển của một cơn bão phụ thuộc vào hai yếu tố đại dương: nhiệt độ bề mặt biển trước khi có bão và sự chênh lệch nhiệt độ giữa bề mặt và dưới bề mặt. Bề mặt biển ấm hơn thường cung cấp nhiều năng lượng hơn cho sự phát triển của bão và do đó tạo điều kiện cho các cơn bão mạnh hơn. Tuy nhiên, sự thay đổi lớn về nhiệt độ từ bề mặt xuống dưới bề mặt có thể làm gián đoạn dòng năng lượng này, vì gió mạnh gây ra nhiễu loạn ở tầng đại dương phía trên, đưa nước lạnh từ bên dưới lên và do đó làm mát bề mặt biển”.

Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng, ngay cả trong kịch bản Trái đất ấm lên vừa phải - kịch bản xảy ra khi chúng ta có thể thực sự cắt giảm khí thải nhà kính - thì cường độ bão trung bình vẫn sẽ tăng thêm 14% vào năm 2100. Nếu lượng khí thải tiếp tục tăng nhanh, “chúng tôi dự đoán rằng bão sẽ còn mạnh hơn nữa”, chuyên gia Wei Mei nói. Còn ở thời điểm hiện tại, thực tế là các vùng biển trên thế giới vẫn đang ấm lên bất thường trong hơn một năm qua. Nhiệt độ bề mặt biển trung bình tháng 8/2024 đạt 20,88 độ C - mức cao thứ 2 từng được ghi nhận và chỉ thấp hơn 0,01 độ C so với mức kỷ lục được ghi nhận vào tháng 7/2023.

“Sự nóng lên toàn cầu do con người đốt nhiên liệu hóa thạch đang mở ra một kỷ nguyên mới của những cơn bão lớn hơn, chết chóc hơn”, nhà nghiên cứu Ben Clarke tại Viện Grantham về Biến đổi khí hậu và Môi trường thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) cho biết.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/trung-quoc-no-luc-trien-khai-cong-tac-cuu-ho-cuu-nan-sau-bao-yagi-i743030/