Trung Quốc 'nổi lên' trong cuộc cạnh tranh sức mạnh hạt nhân mới?

Cuộc chạy đua vũ trang mới đang lờ mờ hiện ra tại thời điểm Mỹ và Nga nói về việc giảm quy mô vũ khí thuộc kho có sức hủy diệt hàng loạt.

Theo nhận định của cây viết Kg Chan trên trang Asia Times, có phải Bắc Kinh đã thay đổi và đang hồi sinh niềm yêu thích đối với vũ khí hủy diệt hàng loạt trong khi các cường quốc thế giới khác đang đàm phán để giảm bớt chúng? Dường như là vậy.

Trung Quốc đã lặng lẽ bổ sung ít nhất 30 đầu đạn hạt nhân, một số đã được triển khai, vào kho dự trữ trong năm 2019, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, trích dẫn các nguồn tin trong nước và lực lượng tên lửa của quân đội Trung Quốc (PLA).

"Trung Quốc đang ở giữa một quá trình hiện đại hóa và mở rộng đáng kể kho vũ khí của mình", SIPRI viết.

Nơi Trung Quốc dự trữ hạt nhân

Tại phiên họp thường niên tháng trước, quốc hội Trung Quốc đã phê duyệt ngân sách 1,27 nghìn tỷ NDT (179 tỷ USD) cho PLA, tăng 6,6% so với năm trước. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Washington đang nhắm mục tiêu đưa Bắc Kinh vào các cuộc đàm phán với Moscow để cắt giảm hàng tồn kho hạt nhân và vũ khí chiến lược khác và tháo dỡ các khí tài đã dùng quá lâu.

Trung Quốc đã giới thiệu 1 số vũ khí hạt nhân tối tân trong cuộc duyệt binh gần đây. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Trung Quốc đã giới thiệu 1 số vũ khí hạt nhân tối tân trong cuộc duyệt binh gần đây. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Chi tiết về các chiến thuật hạt nhân của PLA, đặc biệt liên quan đến sản xuất, xây dựng năng lực và triển khai, không được công khai với các nhà quan sát ở nước ngoài. Nhưng người ta thường tin rằng quân đội Trung Quốc cất các đầu đạn của họ tại một số căn cứ ở các tỉnh nội địa, đặc biệt là vùng Tân Cương xa xôi.

Vào tháng 7 năm 1996, nước này đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 45 và lần cuối cùng tại Lop Nur, một hồ nước mặn lớn nhưng khô cạn, nằm trong một lưu vực khô cằn bên rìa sa mạc rộng lớn ở phía nam Tân Cương. Chủ tịch Trung Quốc lúc đó là Giang Trạch Dân đã tuyên bố một lệnh cấm chính thức thử nghiệm hạt nhân, mặc dù các thử nghiệm cận tới hạn có thể đã diễn ra trong những năm tiếp theo.

Cơ sở thử nghiệm hạt nhân gần Lop Nur đã được chuyển đổi thành một điểm thu hút khách du lịch, khi PLA chuyển hướng nghiên cứu và phát triển hạt nhân ở những nơi khác trên khắp Tân Cương và tỉnh Tứ Xuyên phía tây.

Một số nhà quan sát quân sự, bao gồm Jun Takada, một nhà khoa học và nhà hoạt động người Nhật Bản nổi tiếng phản đối các vụ thử hạt nhân, lưu ý rằng các khu vực rộng lớn ở các tỉnh như Tân Cương, Tứ Xuyên, Thanh Hải và Nội Mông là khu vực bị cấm đối với cả người dân địa phương và du khách. Một số người coi những khu vực kín đó là bằng chứng của việc PLA đang dự trữ hạt nhân.

Trung Quốc thay đổi quan điểm hạt nhân

Có thể nói chắc chắn, quy mô kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc thấp hơn so với Hoa Kỳ và Nga. Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ có trụ sở tại Hoa Kỳ ước tính Trung Quốc có khoảng 320 đầu đạn, tính đến năm 2019, so với 5,800 đầu đạn của Mỹ và Nga là 6.370 đầu đạn.

Cả hai quốc gia hàng đầu có hơn 1.500 đầu đạn được triển khai, cả đưa vào tên lửa và vào phục vụ hoạt động của các lực lượng đang được triển khai.

Đầu năm nay, Hu Xijin, tổng biên tập của tờ Thời báo Hoàn Cầu, đã đăng một bài viết lên Weibo nói rằng không hề có tí sự thật nào trong các chiến dịch truyền thông của quốc tế về quá trình hiện đại hóa quân sự Trung Quốc. Ông đề nghị PLA nên tăng gấp ba lần kho dự trữ hạt nhân của mình lên ít nhất 1.000 đầu đạn để tương xứng với Mỹ và phản ánh sức mạnh tổng thể của Trung Quốc.

Khi được hỏi liệu Bắc Kinh có thay đổi cách tiếp cận đối với việc phát triển hạt nhân và không phổ biến vũ khí hay không, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying nhấn mạnh rằng các nước có kho vũ khí lớn hơn nhiều nên có trách nhiệm lớn hơn và Bắc Kinh sẽ kiên trì với cam kết "không sử dụng đầu tiên".

Liệu việc gia tăng kho hạt nhân dự trữ của Bắc Kinh có vi phạm cam kết không phổ biến hạt nhân hay không là một điều cần chú ý. Thực tế là Trung Quốc không phải là cường quốc duy nhất đầu tư vào kho vũ khí hạt nhân của mình.

Ấn Độ, Anh, Pakistan, Israel và Triều Tiên đều đang tăng cường sức mạnh hạt nhân, nhưng mỗi quốc gia bổ sung chưa tới 20 đầu đạn trong năm ngoái.

Dù vậy, bằng cách dẫn đầu một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới nổi, Bắc Kinh có thể đã cho Lầu Năm Góc thêm lý do để khởi động lại vụ thử hạt nhân của chính họ, chấm dứt khoảng thời gian gián đoạn kéo dài hàng thập kỷ kể từ năm 1992.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/trung-quoc-noi-len-trong-cuoc-canh-tranh-suc-manh-hat-nhan-moi-20200618153322396.htm