Máy bay ném bom chiến lược hạng nặng Tu-160 đi vào hoạt động từ năm 1987, chỉ 4 năm trước khi Liên Xô tan rã. Tu-160 là một trong những vũ khí thế hệ mới của Liên Xô cùng với tên lửa R-37, xe tăng T-95 và siêu tàu sân bay Lớp Ulyanovsk, đã có tác động chiến lược lớn đến sự cân bằng quyền lực giữa hai khối quân sự Đông - Tây.
Tu-160 được sản xuất với số lượng hạn chế, ước tính với khoảng 19 chiếc đóng tại Ukraine. Những chiếc máy bay chiến lược Tu-160 còn lại đang được phục vụ trong Không quân Nga hiện nay là một biến thể tiên tiến mới, được nâng cấp từ khung máy bay cũ với tên gọi là Tu-160M2.
Khả năng của máy bay ném bom Tu-160 được nhiều chuyên gia đánh giá hơn nhiều mặt so với máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer của Mỹ. Đặc biệt Tu-160 có tầm bay và trọng tải xấp xỉ gấp đôi, tốc độ lớn hơn 65% và vũ khí trang bị vượt trội hơn nhiều.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 vẫn được xem là một tài sản quân sự quan trọng của Nga và vẫn được Không quân Nga sử dụng rộng rãi trên phạm vi toàn thế giới, từ những cuộc tấn công chính xác vào các phần tử thánh chiến ở Syria, tham gia các cuộc tuần tra trên Bắc Cực, Ấn Độ Dương và ghé thăm các sân bay tại Venezuel và Nam Phi.
Tu-160 được thiết kế để triển khai các biến thể tiên tiến của tên lửa Kh-55, có thể tiêu diệt các mục tiêu của đối phương ở tầm cực xa lên đến 3.000km. Kết hợp với tầm bay xa của máy bay, điều này giúp Không quân Nga có phạm vi tiếp cận hiệu quả trên toàn cầu.
Ukraine cũng được kế thừa một phần phi đội Tu-160 từ Liên Xô vào năm 1991 và nước này đã định bán cho Trung Quốc, quốc gia vốn rất quan tâm đến việc hiện đại hóa quân đội bằng cách mua lại các hệ thống vũ khí mới nhất của Liên Xô.
Các công nghệ mà Ukraine đã chuyển giao bao gồm công nghệ tên lửa đã giúp tăng cường lực lượng răn đe chiến lược của Trung Quốc; một tàu sân bay chưa hoàn thành đã được Trung Quốc cải tạo thành tàu sân bay Liêu Ninh và một nguyên mẫu của máy bay chiến đấu Su-27K giúp nước này phát triển phiên bản J-15 Flying Shark.
Trước đó Trung Quốc đã vận hành một số lượng lớn máy bay ném bom tầm trung Tu-16, được sản xuất và hiện đại hóa trong nước với tên gọi H-6. Để tiếp tục tăng cường sức mạnh Trung Quốc cũng rất quan tâm đến việc mua sắm Tu-160, đây sẽ là máy bay ném bom hạng nặng liên lục địa đầu tiên của nước này.
Những chiếc Tu-160 của Ukraine không chỉ được đưa vào biên chế của Trung Quốc mà còn rất có thể được nghiên cứu chi tiết, chế tạo và được các công ty quốc phòng Trung Quốc sản xuất trong nước như một biến thể bản địa với tên gọi H-8.
Nếu những máy bay ném bom này được Trung Quốc đưa vào biên chế, chúng rất có thể đã được nâng cấp hiện đại và Trung Quốc sẽ đưa vào trang bị với số lượng lớn hơn nhiều so với Nga hiện nay, như trường hợp các biến thể của máy bay chiến đấu Su-27 Flanker và H-6 do Trung Quốc đầu tư nghiên cứu và phát triển.
Với việc triển khai Tu-160 số lượng lớn, quân đội Trung Quốc rất có thể sẽ sở hữu phi đội máy bay ném bom có năng lực nhất trên thế giới. Trong khi đối thủ lớn nhất của loại máy bay này là B-2 của Mỹ lại đang gặp rất nhiều vấn đề về hiệu suất và mới chỉ sản xuất được 20 chiếc.
Tuy nhiên, với lo ngại rằng các vũ khí tiên tiến của Liên Xô được chuyển giao cho Trung Quốc sẽ cách mạng hóa năng lực của quân đội Trung Quốc một cách nhanh chóng, vì vậy các nước phương Tây đã ngăn chặn thành công việc bán Tu-160 của Ukraine cho chính quyền Bắc Kinh.
Mỹ và các đồng minh châu Âu đã nhanh tay hơn Trung Quốc, ký kết một thương vụ mua bán với Ukraine bằng cách cung cấp tài chính cho chính phủ Kiev để nước này loại bỏ phi đội máy bay ném bom Tu-160 thay vì bán chúng cho Trung Quốc.
Các gói viện trợ tương tự cùng với áp lực chính trị rất đáng kể, đã được sử dụng để buộc Ukraine tiêu hủy vũ khí hạt nhân của mình hoặc chuyển chúng cho Nga. Điều này đã ngăn cản thành công việc chuyển giao công nghệ của các máy bay ném bom tiên tiến nhất trên thế giới cho Trung Quốc.
Do sự can thiệp của phương Tây, lực lượng không quân của Trung Quốc ngày nay với những chiếc H-6 vẫn thiếu tầm hoạt động liên lục địa và bị hạn chế khả năng tấn công các mục tiêu trong khu vực như đảo Guam và các nhóm tàu sân bay ở Biển Đông.
Mặc dù điều này sẽ thay đổi với sự ra đời của máy bay ném bom tàng hình H-20 vào khoảng năm 2025, nhưng việc Trung Quốc đánh mất cơ hội vô giá để có được Tu-160 đã khiến chương trình máy bay ném bom của Trung Quốc kéo dài nhiều thập kỷ.
Liệu H-20 có đạt được khả năng của biến thể Tu-160 mới nhất của Nga là Tu-160M2 hay không vẫn còn phải chờ đợi. Trung Quốc vẫn tiếp tục sản xuất H-6 và sửa đổi máy bay ném bom này với các vai trò khác bao gồm tác chiến điện tử, vận chuyển tên lửa đạn đạo và săn tàu tầm xa.
Nếu Trung Quốc sở hữu Tu-160, rất có thể nước này cũng sẽ nâng cấp dòng máy bay này tương tự như H-6, cung cấp cho Không quân Trung Quốc không chỉ các năng lực chiến lược tiên tiến mà còn có khả năng chiến thuật vượt trội, để bảo vệ tốt hơn lợi ích của mình ở các vùng biển xung quanh chống lại sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của phương Tây. Nguồn ảnh: QQ.
Thiên Nga Trăng Tu-160 tới nay vẫn là loại máy bay ném bom chiến lược nguy hiểm bậc nhất thế giới, nhưng chỉ hoạt động duy nhất trong Không quân Vũ trụ Nga. Nguồn: Wall.
Thái Hòa