Trung Quốc phản đối Nhật Bản xả nước thải từ nhà máy Fukushima
'Đại dương nuôi sống nhân loại. Nó không phải là cống thoát nước bị ô nhiễm hạt nhân của Nhật Bản', đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.
Theo đài RT (Nga), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân ngày 22/8 cho biết kế hoạch xả nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển của chính phủ Nhật Bản là “vô trách nhiệm”.
“Đại dương nuôi sống nhân loại. Nó không phải là cống thoát nước bị ô nhiễm hạt nhân của Nhật Bản”, ông Vương nói với các phóng viên tại cuộc họp báo hàng ngày, gọi kế hoạch của Nhật Bản là “phi lý, vô lý và không cần thiết”.
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm: “Nhật Bản đang đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích lâu dài của toàn nhân loại. Trung Quốc quan ngại sâu sắc và phản đối mạnh mẽ điều này”.
Trước đó cùng ngày 22/8, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố rằng việc xả nước thải ra Thái Bình Dương sẽ bắt đầu vào ngày 24/8, khi “điều kiện thời tiết cho phép”.
Trong hai năm qua, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã xin cấp phép để bắt đầu xả nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-Ichi. Công ty dự định xả tổng cộng một triệu tấn nước, bắt đầu với khoảng 7.800 mét khối đầu tiên trong 17 ngày.
Tokyo khẳng định nước thải đã được xử lý và không gây nguy hiểm cho con người hay sinh vật biển, nhưng các nước láng giềng của Nhật Bản không đồng ý. Đề xuất thải nước phóng xạ đã xử lý ở Fukushima ra biển đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tán thành, cho biết tác động của nó đối với môi trường sẽ “không đáng kể”.
Theo cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, nước thải chứa khoảng 190 becquerel tritium mỗi lít, thấp hơn nhiều so với giới hạn 10.000 becquerel do Tổ chức Y tế Thế giới đặt ra. Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi gần đây tuyên bố nước thải đủ an toàn để uống và bơi lội! Tuy nhiên, ông không đáp lại yêu cầu tự mình uống nước đó của Bắc Kinh.
“Trung Quốc và các bên liên quan khác đã nhiều lần chỉ ra rằng nếu nước nhiễm hạt nhân Fukushima thực sự an toàn thì Nhật Bản sẽ không phải đổ nó xuống biển và chắc chắn là không nên nếu không phải vậy", ông Vương Văn Bân nói với các phóng viên ngày 22/8.
Mặc dù Bắc Kinh không nêu rõ các biện pháp mà họ dự định thực hiện để đáp trả, nhưng các đặc khu hành chính Hong Kong và Macao của Trung Quốc đã cho biết họ sẽ “kích hoạt ngay lập tức” các biện pháp kiểm soát nhập khẩu đối với hải sản Nhật Bản, bao gồm cả cá sống, cá đông lạnh, và các sản phẩm khác như muối biển, rong biển.
Vào ngày 11/3/2011, ba lõi lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã trải qua một cuộc khủng hoảng khi vùng đông bắc Nhật Bản bị tàn phá do thảm họa kép động đất - sóng thần gây ra. Kể từ đó, một lượng lớn nước đã được sử dụng mỗi ngày để làm nguội các thanh nhiên liệu của lò phản ứng hạt nhân, trong khi hàng trăm nghìn lít nước mưa hoặc nước ngầm đã tràn vào khu vực này.
Chính quyền Nhật Bản ban đầu quyết định lưu trữ nước bị ô nhiễm trong các bể chứa khổng lồ nhưng hiện đã hết chỗ. Khoảng 1.000 bể chứa đã được xây dựng để chứa 1,3 triệu tấn nước thải hiện nay. Giới chức cảnh báo rằng dung lượng lưu trữ đang gần đạt giới hạn và sẽ đạt mức bão hòa vào năm 2024. Nhà máy điện Fukushima Daiichi cũng nằm trong khu vực có nguy cơ động đất cao – nghĩa là một cơn chấn động mới có thể khiến các thùng chứa bị rò rỉ.
Để tránh một sự cố như vậy, chính phủ Nhật Bản đã quyết định xả dần hàng triệu tấn nước ra Thái Bình Dương trong vòng 30 năm tới. Quá trình này rất đơn giản: nước dự kiến sẽ được xả cách bờ biển tỉnh Fukushima 1 km thông qua đường hầm dưới nước.
Cần biết rằng xả nước thải đã qua xử lý ra đại dương là hoạt động thường xuyên của các nhà máy hạt nhân trên toàn thế giới. Nước đó ban đầu được sử dụng để lưu động tuần hoàn xung quanh lò phản ứng hạt nhân để hấp thụ nhiệt. Trong quá trình này, nước bị nhiễm các hợp chất phóng xạ nhưng sau đó được xử lý trước khi thải ra biển hoặc sông.
Tuy nhiên, ông Jean-Christophe Gariel, Phó giám đốc phụ trách sức khỏe và môi trường tại Viện Bảo vệ Phóng xạ và An toàn Hạt nhân (IRSN) của Pháp, cho biết: “Tại Fukushima, tình hình rất khác vì đây là một nhà máy bị hư hại”. Ông Gariel nói thêm: “Lần này, một phần nước dự trữ được đổ trực tiếp lên các lò phản ứng để làm mát chúng. Không giống như nước từ các nhà máy hạt nhân [Pháp] của chúng tôi, nước ở Fukushima chứa nhiều hợp chất phóng xạ, được gọi là hạt nhân phóng xạ”.
Do đó, trước khi xả nước ra biển, thách thức đặt ra là phải loại bỏ hầu hết các chất phóng xạ. Để làm được điều này, nhà điều hành Fukushima, công ty điện TEPCO, sử dụng hệ thống lọc mạnh mẽ có tên ALPS (Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến). Ông Gariel nói rằng: “Điều này giúp có thể loại bỏ một phần lớn các chất phóng xạ này, vốn chỉ hiện diện dưới dạng dấu vết”. “Mặt khác, giống như trong các nhà máy điện của chúng tôi, một thành phần vẫn còn lại: tritium, không thể loại bỏ”.
Chất này thường xuyên được sản xuất bởi các lò phản ứng hạt nhân và được giải phóng bởi các nhà máy điện trên khắp thế giới. Chuyên gia Gariel giải thích: “Để hạn chế rủi ro hơn nữa, nước sẽ được pha loãng với một lượng lớn nước biển để giảm nồng độ tritium càng nhiều càng tốt”.