Trung Quốc phản ứng gay gắt với Mỹ, Nhật, cảnh báo đáp trả về vụ khí cầu
Trung Quốc cáo buộc khí cầu tầm cao của Mỹ từng đi vào Tân Cương, Tây Tạng, cảnh báo áp dụng biện pháp đáp trả các thực thể Mỹ.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 15/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết Mỹ đã vận hành lượng lớn khí cầu tầm cao trên toàn thế giới từ tháng 5/2022. Những khí cầu này đã bay vào không phận Trung Quốc ít nhất 10 lần, bao gồm tại khu tự trị Tân Cương và khu tự trị Tây Tạng, mà chưa có sự chấp thuận của các cơ quan liên quan của Bắc Kinh.
“Mỹ cáo buộc khí cầu Trung Quốc bay vào không phận Mỹ, vi phạm chủ quyền của Washington nhưng họ sẽ giải thích ra sao về việc khí cầu Mỹ bay trái phép vào không phận Trung Quốc”, ông Uông đặt câu hỏi tại họp báo.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh đã xử lý các trường hợp khí cầu Mỹ bay trái phép vào không phận Trung Quốc một cách bình tĩnh và chuyên nghiệp đồng thời cáo buộc Mỹ đã hành động thái quá khi sử dụng vũ lực bắn hạ khí cầu dân sự của Bắc Kinh đi lạc vào không phận của Washington.
“Mỹ nên giải thích tình huống này cho Trung quốc và cộng đồng quốc tế”, theo ông Uông.
Ông Uông cũng cáo buộc Mỹ “làm leo thang căng thẳng, sử dụng sự việc khí cầu như cái cớ để trừng phạt bất hợp pháp các công ty, viện nghiên cứu Trung Quốc”.
“Trung Quốc kiên quyết phản đối động thái này và sẽ áp dụng biện pháp đối phó với các thực thể Mỹ phá hoại chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”, ông Uông cho hay nhưng không nêu biện pháp cụ thể.
Trước đó, vào đầu tuần này, ông Uông cũng cáo buộc khí cầu tầm cao của Mỹ bay trái phép vào không phận của Bắc Kinh hơn 10 lần từ đầu năm 2022.
Phản ứng trước thông tin trên, ngày 13/2, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson ra thông báo cho biết: “Tất cả khẳng định về việc Chính phủ Mỹ vận hành khí cầu do thám trong không phận Trung Quốc đều là sai sự thật” đồng thời cáo buộc Bắc Kinh thực hiện chương trình khí cầu do thám tầm cao để thu thập thông tin tình báo, vi phạm chủ quyền của Mỹ và hơn 40 quốc gia trên khắp 5 châu lục.
Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản, Hàn Quốc không đi theo lập trường của Mỹ về vấn đề khí cầu
Cùng ngày 15/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Tokyo “chớ làm ầm ĩ” sau khi Nhật Bản bày tỏ nghi ngờ ít nhất 3 vật thể bay không xác định phát hiện trong không phận Nhật Bản từ năm 2019 là khí cầu do thám không người lái của Trung Quốc.
Trong thông báo hôm 14/2, Bộ Quốc phòng Nhật Bản “đề nghị Chính phủ Trung Quốc xác nhận sự thật” về các vụ phát hiện vật thể bay không xác định trong không phận Nhật Bản vào tháng 11/2019, tháng 6/2020 và tháng 9/2021 và đảm bảo “tình huống tương tự không tái diễn trong tương lai”.
Phản hồi trước thông tin trên, ngày 15/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết “phía Nhật Bản nên ngừng theo đuôi Mỹ đưa ra những đồn đoán giả tạo và làm ầm ĩ” liên quan đến sự việc khí cầu. Ông Uông khẳng định Bắc Kinh kiên quyết phản đối những hành vi tấn công bằng tin đồn.
“Phía Nhật Bản nên giữ lập trường khách quan, không thiên vị, có quan điểm đúng đắn về những tình huống bất khả kháng, dừng việc theo sau lập trường của Mỹ, đưa ra những đồn đoán giả tạo, lợi dụng tình hình”, theo ông Uông.
Trước đó, Trung Quốc nhiều lần khẳng định khí cầu dân sự của nước này đi lạc vào không phận Mỹ trong tình huống bất khả kháng.
Trước đó, Trung Quốc cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự với Hàn Quốc trong cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông và Đại sứ Hàn Quốc Chung Jae-ho ngày 14/2.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tại cuộc gặp, hai quan chức trao đổi quan điểm về những vấn đề hai bên quan tâm, trong đó, ông Tôn kêu gọi phía Hàn Quốc “phân biệt đúng sai, đưa ra những nhận định khách quan, lý tính và công bằng”.
Trung Quốc đưa ra lời kêu gọi với phía Hàn Quốc, Nhật Bản trong bối cảnh Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cho biết Washington đang thắt chặt quan hệ đồng minh với Seoul và Tokyo để đối phó Bắc Kinh.
Các nhà quan sát tại Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh cần xử lý thận trọng quan hệ với các đối tác thương mại hàng đầu là Nhật Bản và Hàn Quốc liên quan đến tranh cãi về khí cầu.