Trung Quốc phản ứng việc tàu khu trục Mỹ đi qua eo biển Đài Loan
Trung Quốc tố Mỹ có những hành động khiêu khích thường xuyên khi điều tàu khu trục USS Benfold thực hiện 'hoạt động tự do hàng hải' ở biển Đông và quá cảnh qua eo biển Đài Loan.
Tờ South China Morning Post đưa tin quân đội Trung Quốc lên tiếng chỉ trích Washington vì những "hành động khiêu khích" thường xuyên sau khi một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan hôm 19-7.
Trong một tuyên bố, Chiến khu đông bộ của quân đội Trung Quốc cho biết: “Các hành động khiêu khích thường xuyên và hoàn toàn phô trương cho thấy Mỹ là bên phá hoại hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Đây đồng thời là tác nhân gây ra rủi ro an ninh tại eo biển Đài Loan".
Tuyên bố nhấn mạnh quân đội Trung Quốc luôn cảnh giác cao độ, quyết tâm bảo vệ cái mà Bắc Kinh khẳng định là chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Tuyên bố trên đưa ra sau khi Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ thông báo vào ngày 19-7 tàu khu trục USS Benfold lớp Arleigh Burke đã thực hiện quá cảnh thường lệ qua eo biển Đài Loan trong vùng biển quốc tế và tuân thủ luật pháp quốc tế.
“Chiếc tàu đi qua một hành lang ở eo biển nằm ngoài lãnh hải của bất kỳ quốc gia ven biển nào. Việc chiếc tàu quá cảnh qua eo biển nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Quân đội Mỹ có thể bay, điều tàu và hoạt động bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép” - thông báo cho hay.
Quân đội Trung Quốc cho biết họ đã điều lực lượng để theo dõi và cảnh báo chiếc tàu Mỹ.
Trong khi đó, Cơ quan phòng vệ Đài Loan đã xác nhận về chuyến quá cảnh của tàu khu trục USS Benfold và cho hay họ đã giám sát tình hình di chuyển của chiếc tàu và không thấy điều gì bất thường.
Trước khi quá cảnh qua eo biển Đài Loan, Hải quân Mỹ cho biết tàu khu trục USS Benfold đã thực hiện hoạt động tuần tra tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) vào ngày 13-7.
Đến ngày 16-7, Hạm đội 7 thông báo tàu khu trục USS Benfold của nước này đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải gần quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
“Vào ngày 16-7, USS Benfold khẳng định các quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông gần quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế” - thông báo của Hải quân Mỹ cho biết.
Đồng thời, theo thông báo của Hạm đội 7, luật pháp quốc tế theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 cung cấp một số quyền và tự do cùng việc sử dụng biển hợp pháp vùng biển cho tất cả quốc gia. Cộng đồng quốc tế có vai trò lâu dài trong việc duy trì quyền tự do tại các vùng biển, vốn rất quan trọng đối với an ninh, ổn định và thịnh vượng toàn cầu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp khác trên các vùng biển của Việt Nam được xác lập trên cơ sở UNCLOS năm 1982. Mọi hành vi phương hại đến chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển đó đều vô giá trị và không được công nhận.
Trong những năm gần đây, Mỹ thường xuyên điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan. Lần quá cảnh gần nhất là vào ngày 10-5 khi Washington điều tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Port Royal đi qua eo biển.
Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi có thông tin cho rằng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sẽ dẫn đầu một phái đoàn sang thăm Đài Loan vào tháng 8 tới nhằm thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với Đài Bắc.
Nếu chuyến thăm được diễn ra theo kế hoạch thì đây sẽ là chuyến đi Đài Loan đầu tiên sau 25 năm của một Chủ tịch Hạ viện Mỹ đương nhiệm. Lần cuối cùng là vào năm 1997, khi ông Newt Gingrich gặp lãnh đạo Đài Loan lúc bấy giờ là ông Lý Đăng Huy.
Bắc Kinh đưa ra cảnh báo rằng Washington sẽ "gánh chịu mọi hậu quả" và đối mặt "các biện pháp mạnh mẽ" nếu chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi được thực hiện.