Trung Quốc phong tỏa thành phố Cát Lâm do dịch COVID-19 lây lan

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, ngày 20/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 20/3, Trung Quốc đã ra lệnh ở trong nhà đối với hàng triệu người dân ở TP Cát Lâm (Đông Bắc nước này) trong nỗ lực ứng phó với đợt bùng phát dịch COVID-19 lớn nhất trong 2 năm qua.

Chính quyền địa phương thông báo Cát Lâm, thành phố lớn thứ hai của tỉnh cùng tên, với 4,5 triệu dân sẽ được phong tỏa trong 3 ngày từ đêm 20/3.

Trước đó, Trung Quốc đã kiểm soát được dịch sau đợt bùng phát năm 2020 bằng các biện pháp phong tỏa, xét nghiệm hàng loạt và hạn chế đi lại. Nhưng biến thể Omicron đã chọc thủng phòng tuyến trong những tháng gần đây và lây lan ra nhiều thành phố.

Trong ngày 20/3, hơn 4.000 ca mắc mới đã được ghi nhận trên cả nước, trong đó 2/3 là ở tỉnh Cát Lâm, giáp ranh với Nga và Triều Tiên. Thủ phủ tỉnh này, TP Trường Xuân ngày 19/3 cũng đã thông báo siết chặt các biện pháp hạn chế trong 3 ngày.

Từ 11/3, 9 triệu dân của Trường Xuân chỉ được phép ra ngoài 2 ngày/lần để mua lương thực. Các biện pháp mới chỉ cho phép nhân viên y tế và nhân viên phòng dịch rời khỏi nhà.

Các biện pháp siết chặt được đưa ra sau khi ngày 19/3, Trung Quốc ghi nhận 2 ca tử vong đầu tiên do COVID-19 kể từ hơn 1 năm nay.

Hiện hàng chục triệu dân đang ở các vùng bị phong tỏa và nhà chức trách đang nỗ lực tạo thêm giường bệnh do lo ngại dịch có thể khiến hệ thống y tế quá tải. Tỉnh Cát Lâm đã xây dựng 8 bệnh viện dã chiến và 2 trung tâm cách ly.

Ở phía đông thủ đô Bắc Kinh, TP Đường Sơn đã cấm giao thông trong 24 giờ ngày 20/3 trong nỗ lực ngăn chặn dịch lây lan và sẽ tiến hành xét nghiệm cho toàn bộ 7,7 triệu dân của mình.

Trong khi đó, ngày 20/3, người đứng đầu đặc khu hành chính Hongkong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga thông báo kế hoạch đánh giá lại các biện pháp hạn chế để ngăn chặn dịch bệnh tại vùng lãnh thổ này.

Các quyết định mới liên quan các biện pháp hạn chế sẽ được đưa ra sau khi chính quyền tiến hành đánh giá trong ngày 21/3.

Hongkong vẫn tuân thủ chiến lược "Zero COVID" của chính quyền trung ương Bắc Kinh, với các biện pháp hạn chế và quy định phòng dịch chặt chẽ để nhanh chóng dập tắt các đợt bùng phát dịch trong cộng đồng.

Hiện Hongkong vẫn cấm các chuyến bay từ 9 quốc gia, yêu cầu người đến phải cách ly tối đa 2 tuần trong khách sạn.

Thành phố cũng cấm tụ tập hơn 2 người, đóng cửa các địa điểm công cộng, bao gồm cả bãi biển và sân chơi, yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc và dừng các lớp học trực tiếp.

Ngày 19/3, vùng lãnh thổ này ghi nhận 16.597 ca mắc mới, thấp nhất trong 3 tuần. Làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng nhất từ trước đến nay tại vùng lãnh thổ này đã gây hậu quả nặng nề tại các nhà dưỡng lão và làm gián đoạn hoạt động ở nhiều khu vực.

Trong những tuần gần đây, các đường phố ở trung tâm tài chính châu Á cũng không còn hoạt động nhộn nhịp, các nhà hàng và quán bar đóng cửa hoặc rất vắng khách.

Nhiều hoạt động kinh doanh bị tạm dừng khiến giới chủ doanh nghiệp nóng lòng được khôi phục hoạt động.

Trong khi đó, tại Trung Quốc đại lục, Ủy ban Y tế quốc gia thông báo ghi nhận 1.656 ca mắc mới do lây nhiễm trong nước, giảm so với mức 2.157 ca ghi nhận một ngày trước đó.

Tỉnh Cát Lâm vẫn là địa phương ghi nhận nhiều ca mắc nhất với 1.191 ca. Hiện Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 130.199 ca mắc, trong đó có 4.638 ca tử vong.

Ngày 19/3, Trung Quốc đại lục thông báo 2 ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 sau hơn 1 năm không ghi nhận thêm ca nào.

Nhờ việc kết hợp giữa chính sách kiểm soát biên giới chặt chẽ, cách ly trong thời gian dài và phong tỏa có trọng điểm, Trung Quốc - quốc gia ghi nhận các trường hợp đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới - đã kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh đang đặt ra những thách thức lớn đối với nước này.

Từ chỗ chỉ ghi nhận dưới 100 ca mắc mới/ngày thì trong những tuần gần đây, con số này đã nhanh chóng vọt lên hàng nghìn mắc mới/ngày.

Nhà chức trách Trung Quốc đã phải phong tỏa các thành phố, trong đó có trung tâm công nghệ Thâm Quyến, nơi sinh sống của 17,5 triệu người.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/272236/trung-quoc-phong-toa-thanh-pho-cat-lam-do-dich-covid-19-lay-lan.html