Trung Quốc: Phụ nữ thấy công bằng hơn khi con thứ 2 được khai sinh theo họ mẹ
Chính sách một con được chính quyền Trung Quốc bãi bỏ cách đây hơn 4 năm. Từ đó đến nay, ngày càng có nhiều gia đình khai sinh cho con thứ 2 theo họ người mẹ.
Phá vỡ truyền thống
Sau khi sinh con trai thứ hai, cô Wang Rong và chồng đã trao đổi và đi tới quyết định để đứa bé mang họ mẹ thay vì họ cha. "Chồng tôi từng nói chuyện sinh con trai hay con gái không quan trọng. Con cả phải theo họ bố. Chúng tôi cũng không bàn tính gì về chuyện này vì đây là truyền thống của người Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi chính phủ cho phép sinh con thứ hai, chồng tôi nói rằng dù không biết chúng tôi có bao nhiêu đứa con trong tương lai nhưng chúng sẽ được mang họ mẹ", cô Wang chia sẻ.
Con trai đầu của chị là He Wenshi (8 tuổi) mang họ bố còn con trai thứ - Wang Yunshi mang họ mẹ. Kể từ ngày 1/1/2016, thời điểm Trung Quốc xóa bỏ chính sách một con nhằm cho phép các gia đình sinh con thứ hai, nhiều cặp vợ chồng đã chuyển sang cho con thứ khai sinh theo họ mẹ. Trong lớp của bé He Wenshi có một số bạn cũng mang họ mẹ. "Tôi cho rằng, khi một đứa trẻ mang họ mẹ, người phụ nữ sẽ có cảm giác được công bằng hơn trong xã hội", cô Wang vui vẻ nói.
Ở Trung Quốc, phụ nữ đã kết hôn không đổi sang họ chồng. Luật pháp cho phép những đứa trẻ mới sinh được mang họ mẹ hoặc cha nhưng đa số trẻ em mang họ cha theo truyền thống hàng nghìn năm nay mặc dù chính sách có quy định con gái cũng có quyền bảo vệ truyền thống và văn hóa của gia đình mình.
Tuy nhiên, chính sách một con duy trì từ năm 1976 đến 2016 đã ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả của chính sách này trên thực tế. Vì vậy, khi Trung Quốc bỏ chính sách 1 con đã tạo ra sự thay đổi trong một số gia đình và dần tạo ra xu hướng đặt con theo họ mẹ với đứa trẻ thứ hai.
Ông Yang Juhua, Giáo sư nhân khẩu học từ Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển của Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh: Nhiều gia đình quyết định dùng họ cha để đặt tên cho con đầu, còn con thứ có thể linh hoạt và được đặt tên theo họ cha hoặc mẹ.
Thay đổi cán cân quyền lực nam - nữ trong gia đình
Theo bà Liu Ye - Nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học King ở London (Anh quốc), xu hướng đặt tên con theo họ mẹ ở Trung Quốc cho thấy sự chuyển dịch về "cán cân quyền lực" giữa chồng và vợ ở nước này. Bà cho biết, những trường hợp phụ nữ đặt tên con theo họ mình thường là người kiếm nhiều tiền hơn hoặc có nền tảng gia đình giàu có hay quyền lực hơn chồng. Là con một trong gia đình, những phụ nữ này được nuôi dạy "như một nam nhân" và thường có cá tính mạnh mẽ hơn do được tiếp cận cơ hội giáo dục và nghề nghiệp ngang bằng với đàn ông.
Còn theo một chuyên gia về tên gọi của Trung Quốc, cách đây 2.500 năm, phụ nữ của các dòng họ quyền thế ở nước này cũng đặt tên con theo họ mẹ. Việc đứa trẻ mang họ cha hay họ mẹ có ý nghĩa rất lớn đối với người phụ nữ Trung Quốc, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Ở đó, nam giới có cơ hội thừa kế gia tài của gia đình nhiều hơn do họ được coi là người có thể "nối dõi tông đường". Một cuộc khảo sát do Hiệp hội phụ nữ Trung Quốc thực hiện vào năm 2019 cho thấy, hơn 80% số phụ nữ ở các làng quê không có tên trong giấy tờ đất đai của gia đình. Điều đó có nghĩa là họ không có quyền lợi gì.
Tư tưởng trọng nam khinh nữ kéo dài nhiều thế kỷ cùng với chính sách một con đã dẫn tới tình trạng nhiều cặp vợ chồng quyết định phá thai nếu mang bầu bé gái. Hậu quả là vào năm 2018, tình trạng mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc là 100 bé trai/88 bé gái. Từ năm 2014, một địa phương thuộc tỉnh An Huy đã đề ra mức thưởng 1.000 tệ (khoảng 140 USD) cho gia đình nào đặt tên con theo họ mẹ. Chính sách này được đưa ra sau khi tỉnh này có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao nhất Trung Quốc với 172 bé trai/ 100 bé gái. Sau 4 năm thực hiện, chính sách này giúp cải thiện tỷ lệ trên thành 114 bé trai/100 bé gái do các cặp vợ chồng nhận thấy con gái mình có thể kế thừa dòng dõi gia đình.
Mặc dù phụ nữ Trung Quốc đã có thu nhập và trình độ giáo dục cao hơn trước, họ vẫn bị truyền thống trọng nam khinh nữ cản trở khi đặt tên cho con mình. Theo nhà nghiên cứu Liu Ye, thông thường, nếu con cả của một cặp vợ chồng là con trai thì bé sẽ lấy họ cha và đến bé thứ hai, người mẹ toàn quyền được đặt tên con theo họ mình.
Tuy nhiên, trong trường hợp con đầu là gái và con thứ hai là trai thì rất có khả năng hai vợ chồng sẽ tranh cãi kịch liệt về việc đặt tên bé theo họ cha hay họ mẹ. Nếu hai vợ chồng chỉ có duy nhất một đứa con thì người mẹ sẽ gặp thách thức vô cùng lớn nếu muốn cho con theo họ mình. Đó là những quy định bất thành văn về vấn đề này. Nhà văn Shen Liu cho biết, bà đã từng muốn đặt tên cho con trai duy nhất của mình theo họ mẹ nhưng đã phải từ bỏ do sức ép quá lớn từ bố mẹ chồng. Theo nhà văn Shen Liu, chưa có bình đẳng thực sự. Đây là vấn đề của tư duy gia trưởng.
Số liệu thống kê cho thấy, tại thành phố Thượng Hải, vào năm 2018, cứ 10 đứa trẻ được sinh ra thì có 1 bé mang họ mẹ. Thậm chí, nhiều gia đình còn đặt cho con mình cái tên kết hợp giữa họ cha và mẹ. Đến khi gia đình thống nhất được tên cho con, các quan chức địa phương sẽ đăng ký tên chính thức cho đứa bé vào sổ hộ khẩu. Theo một nghiên cứu năm 2019 về các tên gọi ở Trung Quốc, có hơn 1,1 triệu người Trung Quốc mang họ kết hợp của cả bố và mẹ, tăng gấp 10 lần so với năm 1990.
Nguồn: AFP, Quart, The Youth Times