Trung Quốc: Sản xuất dần phục hồi nhưng chi tiêu của người tiêu dùng vẫn ở mức yếu

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng Caixin/Markit mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã phục hồi nhanh hơn so với sự phục hồi nhu cầu. Giới phân tích cảnh báo tình trạng thất nghiệp có thể kìm hãm đà phục hồi kinh tế của nước này.

 Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã phục hồi nhanh hơn đà phục hồi nhu cầu (Ảnh: China Daily/Reuters)

Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã phục hồi nhanh hơn đà phục hồi nhu cầu (Ảnh: China Daily/Reuters)

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin/Markit khối sản xuất trong tháng 5/2020 của Trung Quốc đã đạt 50,7 điểm; tăng so với mức 49,4 điểm của tháng 4/2020 và cao hơn so mức 49,6 điểm được giới phân tích dự báo trước đó.

Chỉ số PMI Caixin/Markit khối sản xuất là chỉ số kinh tế tổng hợp phản ánh hoạt động kinh doanh của khối sản xuất tại Trung Quốc; chỉ số đạt trên 50 điểm cho thấy khối sản xuất đã được mở rộng và ngược lại. Chỉ số PMI Caixin/Markit là chỉ số độc lập do hãng truyền thông Caixin phối hợp với hãng tư vấn thị trường Markit thực hiện.

Dữ liệu của chỉ số PMI Caixin/Markit cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã phục hồi nhanh hơn so với sự phục hồi của nhu cầu và mức độ phục hồi hoạt động cũng ở mức cao nhất kể từ tháng 1/2011. Trong khi đó, nhu cầu đối với khối sản xuất tại Trung Quốc hiện vẫn ở mức yếu với tổng số đơn hàng mới trong tháng 5/2020 đã giảm xuống.

Hãng truyền thông Caixin phối hợp với hãng tư vấn thị trường Markit nhận định dữ liệu PMI tháng 5/2020 cho thấy sản lượng của khối sản xuất tại Trung Quốc đã tiếp tục tăng lên sau khi sụt giảm mạnh kỷ lục hồi tháng 2/2020 khi hầu hết nhà máy tại nước này buộc phải ngưng hoạt động nhằm phòng chống sự lây lan của đại dịch Covid-19, hiện tại các nhà sản xuất tại Trung Quốc đã khôi phục lại hầu hết các hoạt động khi các biện pháp phòng chống dịch bệnh được nới lỏng.

Hãng truyền thông Caixin phối hợp với hãng tư vấn thị trường Markit cũng cho biết các dữ liệu cho thấy sự sụt giảm chỉ số PMI của khối sản xuất tại Trung Quốc chủ yếu do nhu cầu bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc suy yếu do nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt, bao gồm việc đóng cửa các hoạt động kinh doanh; khiến số lượng đơn hàng xuất khẩu mới đối với các nhà sản xuất Trung Quốc sụt giảm ở mức cao kỷ lục.

Trong ngày 29/5, Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố dữ liệu PMI khối sản xuất chính thức trong tháng 5/2020 của nước này tại mức 50,6 điểm; thấp hơn so mức 50,8 điểm của tháng 4/2020. Chỉ số PMI chính thức của NBS có xu hướng tập trung vào các tập đoàn lớn và doanh nghiệp quốc doanh; trong khi đó, chỉ số PMI Caixin/Markit tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu.

Bên cạnh yếu tố suy giảm nhu cầu từ các quốc gia bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, khối sản xuất nước này cũng đang đối mặt với tình trạng suy giảm nhu cầu trên thị trường nội địa. Hãng tư vấn kinh tế Capital Economics cho biết việc thị trường lao động Trung Quốc suy yếu có thể sẽ kìm hãm đà phục hồi chi tiêu của người dân nước này.

Nhà kinh tế học Julian Evans-Pritchard và Martin Rasmussen nhận định sự gia tăng thấp của số lượng việc làm trong lĩnh vực sản xuất cùng với sự suy giảm số lượng việc làm trong lĩnh vực dịch vụ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi chi tiêu, nhu cầu sử dụng tại Trung Quốc.

Quang Đặng (Theo CNBC)

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/trung-quoc-san-xuat-dan-phuc-hoi-nhung-chi-tieu-cua-nguoi-tieu-dung-van-o-muc-yeu-72178.htm