Trung Quốc sắp đưa thủy phi cơ cỡ lớn ra biển Đông
Trung Quốc chuẩn bị thử nghiệm chiếc thủy phi cơ lớn nhất của họ, được nói là có tầm hoạt động bao phủ biển Đông, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin.
Nguyên mẫu của thủy phi cơ AG600 Côn Long, đang được chế tạo tại Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc, sẽ có chuyến bay biển đầu tiên vào cuối năm nay từ Chu Hải, gần Hồng Kông, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin.
Dự án đã bị đình trệ trong hơn một tháng do dịch COVID-19 ở Hồ Bắc và máy bay nguyên mẫu có nguy cơ bị hư hỏng nếu không được bảo trì. Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) đã cử một đội tăng cường đến Hồ Bắc vào giữa tháng 3, trong thời gian phong tỏa tỉnh Hồ Bắc, để chuẩn bị cho các thử nghiệm máy bay, theo CCTV. Các nhà phát triển trong các công ty con của AVIC ở Hồ Bắc đã hoạt động trở lại với công suất tối đa.
“Chiếc máy bay đang trong tình trạng tốt”, Lục Dương, Phó giám đốc dự án AG600 tại Kinh Môn, nói với CCTV. “Tất cả chúng tôi đều làm thêm giờ và bù vào thời gian đã mất. Tôi tin rằng thử nghiệm trên biển có thể được thực hiện trong năm nay. Không vấn đề gì”.
AG600 thực chất là sự kết hợp một chiếc máy bay với một chiếc thuyền ở bụng, có thể cất cánh và hạ cánh trên cả mặt đất và mặt nước. Nó được thiết kế để chữa cháy rừng, tuần tra hàng hải và tìm kiếm cứu nạn. Nó cũng có thể được sử dụng để quan sát môi trường đại dương, thăm dò tài nguyên và vận chuyển giữa các đảo.
Là máy bay cánh quạt, AG600 dài 36,9 mét với sải cánh 38,8 mét, tương tự kích thước của một chiếc Boeing 737. Nó có sức chứa 50 hành khách và có thể bay với tốc độ tối đa 500km/h, hoạt động liên tục trong 12 giờ.
Nếu được triển khai ở tỉnh đảo Hải Nam, máy bay có khả năng tiếp cận bất cứ nơi nào trên biển Đông trong vòng bốn giờ. Nó cũng có thể phục vụ như một tàu chở hàng hoặc hành khách giữa các đảo.