Trung Quốc sắp gỡ bỏ chính sách zero- COVID?
Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs cho rằng Trung Quốc có thể kéo dài thực thi zero COVID thêm 'vài tháng nữa' trước khi mở cửa nền kinh tế trở lại.
Cuối tuần qua, các quan chức y tế Trung Quốc đã nhắc lại quan điểm của chính phủ là kiên định chính sách không khoan nhượng trong việc ngăn chặn COVID-19, ngay cả khi hầu hết thế giới đã bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa.
Nhà kinh tế của Goldman Sachs Hui Shan cho biết: “Việc Trung Quốc mở cửa trở lại thực sự vẫn còn ở tương lai xa vì tỷ lệ tiêm chủng trong nhóm người cao tuổi vẫn ở mức thấp và tỷ lệ tử vong gia tăng đối với những người chưa được tiêm chủng dựa trên dữ liệu chính thức từ Hồng Kông”.
Theo khảo sát của Bloomberg, sau khi Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc, các nhà đầu tư đã tự hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo khi các đợt phong tỏa và xét nghiệm hàng loạt vẫn sẽ tiếp tục diễn ra. Trong trường hợp không có triển vọng rõ ràng về thời điểm kết thúc zero COVID, các nhà giao dịch vẫn đang theo dõi sát sao những dấu hiệu của sự thay đổi khi xuất hiện tin đồn Trung Quốc đang lên kế hoạch chi tiết để mở lại thị trường.
Hiện tại, các chuyên gia của Goldman Sachs đang đưa ra dự đoán, Trung Quốc có thể mở cửa trở lại vào quý 2 năm 2023. “Chúng tôi ước tính rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn có thể khiến chứng khoán Trung Quốc tăng giá 20% dựa trên các phân tích kinh nghiệm và độ nhạy lịch sử”, nhóm chuyên gia Goldman Sachs cho biết.
Đồng quan điểm, ông Cui Xuehua, nhà phân tích TTCK Trung Quốc tại Meritz Securities Co. đánh giá, dù chứng khoán Trung Quốc có khả năng sụt giảm ở phiên đầu tuần này, nhưng nhiều người kỳ vọng rằng chính phủ sẽ đưa ra những biện pháp kích thích nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, điều này sẽ giúp đà giảm bớt căng thẳng hơn.
Trong những tuần qua, một số tín hiệu tích cực được cho là đã xuất hiện, chẳng hạn như nỗ lực giảm sự căng thẳng của người dân về dịch bệnh cũng như những quy trình chuẩn bị nguồn lực y tế. Về vaccine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, Bắc Kinh đã nhất trí cấp phép tiêm vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer/BioNTech sản xuất cho những người nước ngoài đang lưu trú tại Trung Quốc.
Thủ tướng Đức cũng khẳng định đây là bước đi đầu tiên và ông hy vọng đối tượng được tiêm chủng loại vaccine này tại Trung Quốc sẽ sớm được mở rộng. Ngay sau đó, người phát ngôn của BioNTech cho biết vaccine ngừa COVID-19 cho thị trường Trung Quốc sẽ sớm được nhập khẩu vào quốc gia này.
Đáng chú ý, một nguồn tin giấu tên cho biết, Hội đồng nhà nước Trung Quốc đã yêu cầu các cơ quan, bao gồm cả cục quản lý hàng không dân dụng, chuẩn bị cho việc chấm dứt cái gọi là "cơ chế ngắt mạch" đối với các hãng hàng không.
Đây là cách gọi các quy định cấm bay tạm thời với các hãng hàng không bay tới Trung Quốc trong khoảng thời gian 1-2 tuần tùy thuộc vào số lượng hành khách mắc COVID-19 trên chuyến bay của họ. Cơ chế tương tự ở Đặc khu Hành chính Hồng Kông đã được chấm dứt từ tháng 7.
Nguồn tin này cũng tiết lộ, đây là một phần của kế hoạch 3 bước quy mô lớn hơn được đưa ra hồi giữa năm nay nhằm bình thường hóa ngành hàng không nước này.
Tuy nhiên, dù việc nới lỏng một số quy định có thể giúp giảm bớt sự cô lập của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, nhưng nó sẽ không giải quyết các tác động tiêu cực lên nền kinh tế do zero Covid gây ra.
IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 và 2023 do các biện pháp phòng, chống COVID-19 của nước này và cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản ảnh hưởng tới tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo đó, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 3,2% vào năm 2022, giảm 0,1 điểm % so với dự báo hồi tháng 7 và tăng 4,4% vào năm 2023, thấp hơn 0,2 điểm % so với dự báo trước.