Trung Quốc sẽ cấm các công ty công nghệ có dữ liệu nhạy cảm IPO ở nước ngoài

Trung Quốc đang xây dựng các quy định mới để cấm các công ty công nghệ sở hữu lượng dữ liệu người dùng nhạy cảm và có nhiều nguy cơ tiềm ẩn về an ninh, không được niêm yết ở nước ngoài, trong đó có Mỹ.

Trung Quốc sẽ cấm các công ty công nghệ có dữ liệu nhạy cảm IPO ở nước ngoài. Ảnh: Reuters.

Dữ liệu nhạy cảm

Nguồn tin của Reuters cho hay, theo các quy định sắp được ban hành, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) sẽ thắt chặt kiểm soát đối với các công ty có kế hoạch thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) tại nước ngoài, và sẽ cấm những công ty nắm giữ một loạt dữ liệu liên quan đến người dùng hay tạo ra các nội dung có thể gây ra những nguy cơ tiềm ẩn về an ninh niêm yết ở nước ngoài.

Theo các quy định mới, giới chức Trung Quốc sẽ yêu cầu tất cả các công ty Internet tự nguyện đăng ký với Cơ quan An ninh mạng Trung Quốc (CAC) để được xem xét nếu họ muốn niêm yết bên ngoài Trung Quốc. Nếu cần thiết, CAC sẽ tiến hành xem xét với các bộ và cơ quan có liên quan. Sau khi được CAC thông qua, các công ty này sẽ được phép nộp bản đăng ký lên CSRC.

Quy định mới nhắm mục tiêu vào các công ty muốn IPO ở nước ngoài, thông qua các đơn vị được thành lập bên nước ngoài. Các công ty có dữ liệu ít nhạy cảm hơn, chẳng hạn như các công ty trong ngành dược phẩm, vẫn có khả năng nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý để niêm yết ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, các quy định mới này sẽ giúp Bắc Kinh siết chặt kiểm soát đối với các cấu trúc phúc tạp mà các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc sử dụng để tránh các hạn chế đối với thu hút đầu tư nước ngoài. Giới chức Bắc Kinh luôn xem Internet, viễn thông và giáo dục là dữ liệu nhạy cảm do những lo ngại về chính trị hoặc an ninh quốc gia.

Lạm dụng cấu trúc VIE

Lần đầu tiên cấu trúc VIE được biết tới là khi Sina.com niêm yết trên sàn Nasdaq vào năm 2000. Ảnh: CNBC/ Getty Images.

Các quy định dự thảo mới này cũng sẽ nhấn mạnh trách nhiệm pháp lý của bên bảo lãnh trong các thương vụ niêm yết tại nước ngoài, đồng thời, cũng yêu cầu các công ty có cấu trúc sở hữu đặc biệt (Variable Interest Entity - VIE) phải công khai toàn diện hơn về thành phần nắm giữ cổ phần.

VIE là cấu trúc mà một doanh nghiệp được thiết lập tại Trung Quốc sẽ nắm quyền kiểm soát toàn bộ hoặc hầu hết (công ty kiểm soát) tại một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bị hạn chế sự có mặt của nhà đầu tư nước ngoài.

Từ lâu, VIE là cấu trúc được các doanh nghiệp Trung Quốc “ưa chuộng” sử dụng để được giới chức quản lý chấp thuận sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại những lĩnh vực hạn chế sự tham gia của khối ngoại.

Lần đầu tiên cấu trúc VIE được biết tới là khi Sina.com niêm yết trên sàn Nasdaq vào năm 2000. Kể từ đó đến nay, hàng trăm doanh nghiệp Trung Quốc đã hoạt động theo cấu trúc công ty VIE này để thu hút vốn đầu tư và tiến hành niêm yết tại nước ngoài, bao gồm các công ty Internet như Alibaba, Tencent, Baidu, Tudou; các công ty giáo dục như New Oriental, AMBOW Education; các công ty truyền thông như Focus Media, Vision China Media.

Hiện tại, các công ty tư nhân của Trung Quốc theo cấu trúc VIE không bắt buộc phải tìm kiếm sự chấp thuận của CSRC đối với niêm yết tại Mỹ, mặc dù họ thường làm như vậy trong trường hợp giới chức nước này yêu cầu.

Chính sách mới vẫn chưa hoàn thiện. Phía CSRC dự kiến thực thi chính sách này vào khoảng quý IV cuối năm nay và đã yêu cầu một số công ty tạm dừng các đợt IPO ở nước ngoài cho đến thời gian này.

Hồi tháng 7 vừa qua, hãng tin Reuters đã đưa tin CSRC đang thành lập một nhóm để xem xét các kế hoạch IPO tại nước ngoài của các công ty Trung Quốc, trong đó bao gồm những công ty sử dụng cấu trúc VIE mà Bắc Kinh cho là đã dẫn đến tình trạng lạm dụng.

Cũng trong khoảng thời gian này, cơ quan giám sát Internet Trung Quốc đã dự thảo sửa đổi đánh giá an ninh mạng yêu cầu các công ty nắm giữ dữ liệu cá nhân của ít nhất 1 triệu người dùng phải nộp đơn xin đánh giá trước khi nộp đơn IPO tại nước ngoài.

Hương Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-quoc-se-cam-cac-cong-ty-cong-nghe-co-du-lieu-nhay-cam-ipo-o-nuoc-ngoai-post153159.html