Trung Quốc sẽ có đội phi công nữ đầu tiên vào năm 2021
10 nữ học viên phi công đầu tiên do Lục quân của quân đội Trung Quốc đào tạo sẽ tốt nghiệp và gia nhập các đơn vị tác chiến năm 2021.
Tăng cường nữ phi công chiến đấu
Lục quân Trung Quốc cho biết, các nữ học viên được chọn từ những trường trung học trên khắp Trung Quốc năm 2017. Hiện họ là sinh viên của Học viện Hàng không Lục quân thuộc quân đội Trung Quốc. Các sinh viên đã hoàn thành chuyến bay đơn đầu tiên tại một sân bay của lục quân ở tỉnh Sơn Tây. Theo video do Lục quân công bố, họ đã điều khiển trực thăng hạng nhẹ Gazelle do Pháp sản xuất và thực hiện một số thao tác đơn giản. Hình ảnh cho thấy các nữ học viên ngồi trước một số trực thăng chiến đấu WZ-19. Đây có thể là loại trực thăng họ sẽ vận hành trong tương lai.
Các đội bay của Không quân và Hải quân Trung Quốc chủ yếu dùng máy bay cánh cố định. Trong khi đó, đội bay của Lục quân sử dụng trực thăng có các chức năng chiến đấu, trinh sát và vận tải. Trực thăng WZ-19 có 4 cánh quạt được dẫn động bởi 2 động cơ tuabin trục do Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Cáp Nhĩ Tân sản xuất. WZ-19 có tốc độ bay tối đa 245 km/h, trọng lượng cất cánh tối đa 4,51 tấn và phạm vi hoạt động 700 km. Trực thăng này có thể mang 8 tên lửa và 2 bệ phóng tên lửa. Để bảo vệ phi công, máy bay được bọc thép và trang bị ghế chống va chạm.
10 người trên là những học viên nữ đầu tiên được Lục quân Trung Quốc đào tạo để trở thành phi công. Lục quân có một số phi công nữ nhưng những phi công này không do Lục quân đào tạo. Họ từng phục vụ trong Không quân Trung Quốc và có kinh nghiệm điều khiển máy bay cánh cố định từ trước.
Trung Quốc bắt đầu tuyển chọn nữ phi công quân sự từ năm 2005. Đến năm 2009, khoảng 200.000 ứng viên tại 12 tỉnh đến Bắc Kinh dự tuyển cho đội bay trình diễn. Yu Xu là 1 trong số 35 cô gái được tuyển làm học viên phi công trong đợt này. Cô Yu Xu là một trong số ít nữ phi công có thể lái các chiến đấu cơ sản xuất nội địa. Trước khi trở thành phi công, cô và 15 nữ đồng đội khác phải trải qua quá trình huấn luyện nghiêm ngặt. Cuối cùng, Yu là 1 trong 4 nữ phi công đầu tiên của Trung Quốc lái chiếc chiến đấu cơ J-10 do nước này sản xuất. 3 đồng nghiệp của cô là Tao Jiali, Sheng Yifei và He Xiaoli.
Sinh năm 1986 ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Yu Xu gia nhập quân đội khi bắt đầu trở thành học viên của Đại học Hàng không Không quân PLA năm 2005 và tốt nghiệp vào năm 2009. Yu Xu là thành viên của đội bay trình diễn của Trung Quốc ngày 1/8/2016. Thật không may, cô đã qua đời trong một buổi huấn luyện nhào lộn trên không ngày 12/11/2016. Việc mất đi một nữ phi công như Yu Xu được coi là cú sốc lớn đối với không quân Trung Quốc.
Thiếu tướng đã nghỉ hưu Liu Xiaolian, 1 trong số 3 phi công nữ của Đại học Hàng không Không quân PLA (Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa) cho biết, phụ nữ cũng giỏi như nam giới khi vận hành một máy bay quân sự hiện đại bởi vì chỉ số IQ và ý chí. Theo bà, sức mạnh không quan trọng hơn trong không chiến hiện đại.
Quá trình luyện tập khắc nghiệt
Trở thành một phi công lái máy bay chiến đấu không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Họ phải đáp ứng những yêu cầu cao về thể lực, tinh thần và trí thông minh. Làm việc trong buồng lái nhỏ với điều kiện khắc nghiệt không phù hợp với gần như tất cả phụ nữ chọn quân đội là sự nghiệp. Các nữ phi công Trung Quốc phải trải qua quá trình huấn luyện dài hơi, khắc nghiệt.
Thông thường, các nữ học viên phi công sẽ nhập học tại Đại học Không quân Trung Quốc hoặc Học viện Phi công. Ngày họ nhập học là ngày bắt đầu tính tuổi quân, gia đình học viên cũng được hưởng các chính sách dành cho người thân của quân nhân. Dù được miễn toàn bộ học phí, các nữ học viên phi công Trung Quốc phải trải qua khóa huấn luyện rất khắc nghiệt. Do đặc thù lái máy bay chiến đấu, họ phải liên tục luyện tập, thực hành các dòng chiến đấu cơ mới, thích nghi với hệ thống vũ khí.
Mỗi ngày, các nữ học viên phi công phải tham gia huấn luyện ít nhất 5 tiếng. Do đặc thù giới tính, phần cơ nửa trên cơ thể, cơ cổ của nữ phi công yếu hơn các phi công nam nên các nữ phi công phải rèn luyện rất khắc khổ để tốt nghiệp. Mỗi ngày họ đều dậy từ 4-5h sáng, cất cánh lúc 6-7h, trưa học lý thuyết, chiều tối ôn luyện, mức độ tiêu hao cơ bắp và trí não khá lớn. Mỗi lần bay, họ có thể phải chịu lực ép 5G, sức ép tương đương 5 lần trọng lượng cơ thể.
Ngoài ra, trong ngành hàng không dân dụng, Hãng Hàng không Trung Quốc hiện được yêu cầu mở rộng tuyển phi công nữ với chế độ thai sản tốt hơn. Các hãng Air China, China Eastern Airlines và China Southern Airlines đã thực hiện một số điều chỉnh để tuyển phi công nữ. Các nữ phi công Trung Quốc đang kêu gọi một cuộc cải cách, thay đổi trong việc tuyển dụng để những phụ nữ thực sự đam mê công việc này có cơ hội được làm việc tại các hãng hàng không trong nước. Thành lập từ tháng 3/2018, Chi hội Phụ nữ của Hiệp hội Phi công hàng không Trung Quốc (ChALPA) truyền bá thông điệp bình đẳng giới trong việc tuyển dụng tại các chương trình hàng không ở Trung Quốc.
Nguồn: China Daily, Xinhua