Trung Quốc sẽ là thị trường mục tiêu của xuất khẩu thủy sản

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, năm 2024 - 2025 xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, châu Âu (EU) sẽ càng khó khăn và Trung Quốc sẽ là thị trường mục tiêu của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Trung Quốc ngày càng phụ thuộc thủy sản nhập khẩu

VASEP cho biết, Trung Quốc luôn nằm trong top 3 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Mỹ và Nhật Bản. Năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD, tăng 66%.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Năm 2023, kim ngạch sụt giảm vì giá xuất khẩu giảm nhưng triển vọng và dư địa ở thị trường này vẫn rộng mở với các doanh nghiệp. Tính đến hết tháng 10.2023, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 1,14 tỷ USD. Tuy xuất khẩu cá tra và tôm sụt giảm song nhiều loài tăng trưởng mạnh như: tôm chân trắng, tôm sú, tép biển (ruốc), cá hố, cá chỉ vàng, cá thu, cá đổng, cá nục, cá mắt kiếng, bạch tuộc, nghêu... Các địa phương nhập khẩu thủy sản Việt Nam nhiều nhất là Quảng Đông, Trạm Giang, Quảng Tây, Phúc Kiến, Thượng Hải...

Theo Giám đốc Truyền thông VASEP Lê Hằng, năm 2023 và những năm tới, có một số yếu tố thuận lợi, mang lại cơ hội và dư địa cho thủy sản Việt Nam tại Trung Quốc. Đó là dịch Covid-19 đã chấm dứt, giao thương của Trung Quốc với thế giới hoàn toàn bình thường; kinh tế Trung Quốc có tín hiệu tích cực, nhu cầu thủy sản đang hồi phục: cá tra, tôm sú, tôm chân trắng, mực, bạch tuộc. Vị trí địa lý thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, chi phí logistic giảm và ít hơn so với các nước khác. Trung Quốc ngừng nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản, sẽ thay thế bằng các nguồn cung khác, trong đó có Việt Nam…

Một số chuyển dịch trong đầu tư kinh tế ở Trung Quốc cũng được coi là cơ hội cho thủy sản Việt Nam. Dường như các ngành kinh tế siêu lợi nhuận và sinh lợi cao được quan tâm đầu tư nhiều hơn, do vậy, đầu tư cho nuôi trồng thủy sản giảm, xuất khẩu thủy sản của nước này cũng giảm dần trong những năm gần đây, do cả yếu tố Covid-19 và xu hướng chuyển dịch kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, Trung Quốc sẽ ngày càng phụ thuộc vào thủy sản nhập khẩu. Những biến động địa chính trị, lạm phát, khủng hoảng năng lượng…khiến cho nhu cầu tiêu thụ thủy sản của các nước lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản sụt giảm mạnh, trong khi nhập khẩu của Trung Quốc đang tăng lên.

VASEP dự báo, nếu xung đột ở Trung Đông leo thang, chi phí nhiên liệu sẽ tăng trở lại và tiếp tục xảy ra khủng hoảng năng lượng kết hợp với lạm phát và lãi suất cao, dự báo xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU năm 2024 - 2025 sẽ càng khó khăn, và Trung Quốc sẽ là thị trường mục tiêu của nhiều nước xuất khẩu thủy sản.

Nắm bắt nhu cầu, thị hiếu để chinh phục thị trường

TS. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cũng cho biết, doanh nghiệp thủy sản xác định Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục là điểm đến tiềm năng; hiện công ty Sao Ta đang chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo để có thể thâm nhập thị trường này.

Ngay trong quý IV.2023, kim ngạch xuất khẩu của Công ty Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp) đã tăng trưởng trở lại, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Tương tự, Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau) cũng tiếp xúc và đàm phán với nhiều khách hàng mới cho các đơn hàng xuất khẩu tôm đi Trung Quốc.

Để chinh phục thị trường Trung Quốc, VASEP nhấn mạnh, cả ngành thủy sản và cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực nhiều hơn để nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu thị trường. Theo đó, hoạt động giao thương doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) cần được tăng cường, giao thương cấp địa phương cần được quan tâm hơn nữa và có sự trao đổi, chia sẻ thông tin về nhu cầu và quy định thị trường, đặc biệt khi có thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu.

Cùng với đó, VASEP đề xuất mở rộng danh sách doanh nghiệp và các sản phẩm thủy sản được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, mở cửa hơn cho các loài thủy sản tươi sống xuất khẩu vào Trung Quốc: tôm hùm bông, cua sống... Hợp tác thúc đẩy các quy trình phê duyệt cấp phép cho các doanh nghiệp được code xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc; duy trì thông quan thông suốt tại các cửa khẩu biên giới.

Đồng thời, cần thúc đẩy kết nối giao thông đường bộ, đường sắt tại khu vực biên giới; hợp tác xây dựng các kho lạnh, cơ sở hậu cần phục vụ cho giao thương nông thủy sản Việt Nam - Trung Quốc, nhất là giao thương qua biên giới. Doanh nghiệp cần tập trung đa dạng hóa dạng sản phẩm chế biến cho xu hướng tiêu thụ mới của giới trẻ ở Trung Quốc.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, VASEP kiến nghị cơ quan chức năng tháo gỡ những vướng mắc trong việc áp trần chi phí lãi vay; phân loại bùn thải của nhà máy chế biến thủy sản; xác định cấp thẩm quyền cấp giấy phép môi trường cho nhà máy; chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp ngành thủy sản; và đều chỉnh định mức chi phí tái chế (Fs) - đang được xây dựng...

Trúc Oanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/trung-quoc-se-la-thi-truong-muc-tieu-cua-xuat-khau-thuy-san-i350780/