Trung Quốc sẽ trừng phạt các công ty Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan

Chính phủ Trung Quốc và các công ty nước này sẽ cắt đứt quan hệ kinh doanh với các công ty Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, trong một động thái có khả năng làm trầm trọng thêm mối quan hệ đang ngày một xấu đi với Washington.

Xe tăng M1A2T Abrams - Ảnh: Al-Jazeera

Xe tăng M1A2T Abrams - Ảnh: Al-Jazeera

Trung Quốc luôn xem lãnh thổ tự trị Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và nếu cần thiết có thể dùng vũ lực để giải phóng hòn đảo. Trung Quốc cũng thường xuyên tuyên bố rằng vấn đề Đài Loan là vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ với Mỹ.

Tuần trước, Lầu Năm Góc cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã chấp thuận việc bán vũ khí theo yêu cầu của Đài Loan, bao gồm 108 xe tăng M1A2T Abrams của General Dynamics Corp và 250 tên lửa Stinger do Raytheon sản xuất. Thỏa thuận bán vũ khí mới này của Mỹ và Đài Loan trị giá lên tới 2,2 tỉ USD.

Ngay lập tức, hôm 12.7, Trung Quốc cho biết họ sẽ trừng phạt các công ty Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan nhưng không nói rõ chi tiết quyết định của mình.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang nói rằng việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan là vi phạm công pháp quốc tế và gây tổn hại đến chủ quyền và an ninh quốc gia của Trung Quốc.

"Chính phủ Trung Quốc và các công ty Trung Quốc sẽ không hợp tác hoặc có liên hệ thương mại với các công ty Mỹ này", ông Geng nói trong một cuộc họp báo hàng ngày hôm 15.7, mà không đưa ra chi tiết về các biện pháp trừng phạt.

"Tôi không thể tiết lộ chi tiết tại thời điểm này. Nhưng hãy tin điều này: Người dân Trung Quốc luôn cẩn thận trong từng phát ngôn của mình", ông Geng nói thêm, khẳng định lời nói của mình không phải chỉ là một hành động dọa nạt.

Hôm 14.7, tài khoản WeChat của Nhân dân Nhật báo cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng một bài viết điểm danh các công ty Mỹ có thể sẽ bị trừng phạt đợt này.

Cụ thể, các công ty này gồm Honeywell International Inc, công ty sản xuất động cơ cho xe tăng Abrams và nhà sản xuất máy bay phản lực tư nhân Gulfstream Aerospace, thuộc sở hữu của General Dynamics. Trung Quốc hiện là một thị trường quan trọng đối với cả Honeywell và Gulfstream.

Theo Al-Jazeera, cả hai công ty Honeywell và Gulfstream đều chưa lên tiếng bình luận việc Trung Quốc có thể đưa họ vào danh sách trừng phạt.

Ái Vi (theo Al-Jazeera)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/trung-quoc-se-trung-phat-cac-cong-ty-my-ban-vu-khi-cho-dai-loan-117225.html